Trong sự kiện ra mắt Skoda, hãng xe đến từ CH Séc đã công bố chiến lược dài hạn bao gồm sản xuất hàng loạt dòng CUV, sedan tại Việt Nam và tiến đến xuất khẩu ra các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Sáng nay, TC Motor ra mắt thương hiệu Skoda tại Việt Nam - một trong những hãng xe lâu đời trên thế giới với gần 130 năm tuổi. Hãng xe này cũng đã công bố chiến lược dài hạn bao gồm sản xuất hàng loạt dòng CUV, sedan tại Việt Nam và tiến đến xuất khẩu ra các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Sau Mercedes, BMW và Peugeot, hãng xe đến từ cộng hòa Séc Skoda sẽ là thương hiệu châu Âu tiếp theo đặt nhà máy của mình tại Việt Nam.
Kế hoạch phát triển của Skoda tại Việt Nam
Tháng 10/2022, biên bản Hợp tác Chiến lược đã được ký kết giữa TC Motor và Skoda Auto. Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, sự kiện ra mắt thương hiệu Skoda là dấu mốc quan trọng mở đầu cho chặng đường phát triển của hãng tại Việt Nam.
Trong sự kiện, hai bên đã chia sẻ kế hoạch phát triển trong những năm tiếp theo, thể hiện tầm nhìn dài hạn không chỉ tại thị trường Việt Nam, mà còn mở rộng ra các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, bên cạnh các dòng xe nhập khẩu trực tiếp (CBU) từ châu Âu, TC Motor sẽ triển khai song song các mẫu xe sản xuất, lắp ráp (CKD) tại
nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng, khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long.
Đây cũng là nhà máy Skoda đầu tiên tại Đông Nam Á với diện tích xây dựng
36,5 ha,
công suất thiết kế 120.000 xe/năm. Toàn bộ dây chuyền sản xuất bên trong nhà máy sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của Skoda toàn cầu, đáp ứng các tiêu chuẩn châu Âu với mức độ tự động hóa cao.
Các dòng xe lắp ráp tại đây sẽ hướng tới các phân khúc B-SUV và B-Sedan phù hợp với thị hiếu và xu hướng của người Việt.
Bên cạnh hai dòng SUV nhập khẩu Kodiaq và Karoq, hãng cũng lên kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm
CBU ra
các dòng sedan thuộc phân khúc C và D - vốn là các mẫu xe được ưa chuộng tại những thị trường có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.
Trong tương lai, Skoda Việt Nam cũng sẽ đưa các dòng xe điện hiện đại về Việt Nam thông qua cả hai con đường CBU và CKD, nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển xanh, thân thiện với môi trường.
Thành lập vào năm 1895, Skoda chính thức hãng xe quốc doanh vào năm 1945. Năm 1991, Skoda gia nhập và trở thành thương hiệu con của ông lớn Volkswagen. Với lịch sử thành lập 128 năm, Skoda hiện là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới với sự hiện diện trên hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ và luôn có mặt trong Top 10 thương hiệu xe hơi bán chạy nhất châu Âu.
Trước đó, vào tháng 4, Thủ tướng Cộng hòa Séc cùng phái đoàn đã trực tiếp tham quan và khảo sát tiến độ thi công Nhà máy ô-tô Thành Công Việt Hưng của Skoda tại thành phố Hạ Long. Được xây dựng trên diện tích 36,5 ha với
công suất thiết kế 120.000 xe/năm, nhà máy sử dụng dây chuyền tự động hóa cao với tiêu chuẩn nghiêm ngặt của tập đoàn Volkswagen và sẽ tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ cho kinh tế địa phương.
Hệ thống đại lý
Giai đoạn đầu Skoda Việt Nam đưa vào hoạt động hệ thống đại lý Skoda 4S ủy quyền trên toàn quốc bao gồm: bán hàng, dịch vụ sửa chữa, phụ tùng chính hãng và trách nhiệm xã hội.
Hiện tại, danh sách các đại lý ủy quyền chính thức của hãng bao gồm:
- Skoda Thăng Long
Hà Nội
- Xưởng dịch vụ ủy quyền Skoda Thăng Long
Hà Nội
- Skoda Vinh
Nghệ An
- Skoda Buôn Ma Thuột
Đắk Lắk
- Skoda Gò Vấp
TP. Hồ Chí Minh
Trong vòng 5 năm tới đây, Skoda Việt Nam có kế hoạch phát triển hệ thống hơn 30 đại lý Skoda 4S ủy quyền trên toàn quốc. Đồng thời, hãng cũng hướng tới
mục tiêu doanh số bán hàng hơn 30.000 xe/năm.
Xem thêm:
Các bác nghĩ sao về chiến lược của Skoda Việt Nam?