Stellantis vừa chính thức trở thành tập đoàn ô tô lớn thứ 4 thế giới sau khi sáp nhập Fiat Chrysler Automobiles và Peugeot S.A.
Sau hơn 1 năm thỏa thuận, tập đoàn Fiat Chrysler Automobiles và Peugeot S.A. đã chính thức sáp nhập với nhau, khai sinh ra tập đoàn ô tô mới mang tên: Stellantis.
Thương hiệu trị giá 52 tỉ USD này cũng đồng thời trở thành tập đoàn mẹ của 14 hãng xe ô tô lớn trên thế giới. Trong đó bao gồm những cái tên như: Abarth, Alfa Romeo, Chrysler, Citroen, Dodge, DS Automobiles, Fiat, Jeep, Lancia, Maserati, Opel, Peugeot, Ram và Vauxhall.
Dù là thương hiệu "non trẻ" nhưng tập đoàn ô tô mới này đã trở thành tập đoàn lớn thứ 4 thế giới xếp sau Toyota, Volkswagen Group và liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi. Tập đoàn này cũng sẽ đón đầu xu hướng xe hiện nay, tức sản xuất xe điện. Đồng thời hồi sinh lại hệ thống thương hiệu ở thị trường Trung Quốc, tái cấu trúc lại hệ thống và giải quyết việc sản xuất dư thừa.
Cổ phiếu của Stellantis sẽ lên sàn chứng khoán Milan (Italy) và Paris (Pháp) từ 18/1, và lên sàn chứng khoán New York (Mỹ) từ 19/1.
Việc ra mắt của tập đoàn Stellantis thực tế đã trễ 1 năm so với kế hoạch do những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Việc sáp nhập 2 tập đoàn lớn để tạo ra Stellantis đến từ việc kinh doanh không hiệu quả của cả FCA lẫn Peugeot và xu hướng liên minh giữa các hãng xe trong những năm vừa qua. Kế hoạch lần đầu được công bố vào tháng 10/2019 nhằm tạo ra một tập đoàn với doanh số hàng năm khoảng 8,1 triệu xe.
Ở Stellantis, mỗi đối tác nắm 50% cổ phần. Logo của tập đoàn gồm chữ "Stellantis" - nghĩa là "tỏa sáng cùng những vì sao" - với những chấm tròn vây quanh chữ A. Carlos Tavares, giám đốc điều hành của PSA, được chỉ định trở thành CEO của Stellantis với nhiệm kỳ 5 năm.
FCA và PSA cho biết Stellantis có thể giúp giảm chi phí hàng năm khoảng 6,1 tỷ USD mà không phải đóng cửa nhà máy. Thỏa thuận thành lập Stellantis cũng bao gồm điều khoản duy trì hoạt động của tất cả hãng xe thuộc FCA và PSA. Tuy nhiên, đây là thỏa thuận ban đầu. Trong thời gian tới, những thương hiệu xe kinh doanh kém hiệu quả vẫn sẽ bị "khai tử" nếu nó gây ảnh hưởng đến "sức khỏe" kinh tế của cả tập đoàn.