Hiện tại các hãng xe Nhật tại Việt Nam đã dần trang bị các hệ thống an toàn và hỗ trợ lái trên một số dòng xe. Trong đó, Mazda có công nghệ Mazda i-activsense, Subaru có EyeSight, Honda có Sensing và mới đây nhất là Toyota có Safety Sense 2.0. Hãy cùng tìm hiểu xem các công nghệ an toàn này công dụng thế nào và khác nhau ra sao.
Corolla Cross: dòng xe Toyota trang bị gói Toyota Safety Sense 2.0 đầu tiên tại Việt Nam
Các công nghệ an toàn và hỗ trợ lái ra đời để giúp người lái dễ dàng trong việc điều khiển các phương tiện, đồng thời giảm thiểu các rủi ro và nguy cơ va chạm. Có thể nhận thấy, các công nghệ an toàn và hỗ trợ lái này là một trang bị hữu ích để bổ sung vào công nghệ an toàn chủ động trên xe, mà trước đó chúng ta đã làm quen với nhiều công nghệ như phanh ABS/EBD/BA, cân bằng điện tử, chống trượt/kiểm soát lực kéo...
Tại thị trường Việt, một số mẫu xe phổ thông được trang bị các công nghệ an toàn chủ động này thậm chí còn vượt qua các mẫu xe sang. Đi tiên phong có lẽ là Ford với mẫu Focus và sau đó là Ranger Wildtrak từ những năm 2015-2016. Tiếp theo đó là Mazda với tên gọi i-Activsense trên mẫu Mazda3, CX-8, CX-5,...Subaru với EyeSight trên mẫu Forester,...
Không đứng ngoài cuộc đua trang bị này, gần đây nhất là 2 "ông lớn" hãng xe Nhật là Honda cũng trang bị trên mẫu CR-V 2020 và Toyota với mẫu Corolla Cross, Hilux và sắp tới là Fortuner 2021.
Honda CR-V 2020, dòng xe trang bị gói Honda SENSING đầu tiên tại Việt Nam, tiêu chuẩn trên cả 3 phiên bản
Về cơ bản, các hệ thống an toàn chủ động này đều có các chức năng tương đối giống nhau, chỉ khác tên gọi và tùy thị trường mà áp dụng. Trong phạm vi bài viết này chỉ phân tích những tính năng chính phổ biến tại Việt Nam.
Các tính năng của từng gói công nghệ an toàn và hỗ trợ lái trên xe Toyota, Honda, Subaru và Mazda tại Việt Nam:
Toyota Safety Sense Thế hệ 2 (mới nhất)
Cảnh báo tiền va chạm
Cảnh báo chệch làn đường (LDA)
Hỗ trợ giữ làn đường (LTA)
Điều khiển hành trình chủ động (DRCC)
Đèn chiếu xa tự động (AHB)
Honda SENSING
Hệ thống phanh giảm thiểu va chạm (CMBS)
Hệ thống đèn pha thích ứng tự động (AHB)
Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng bao gồm dải tốc độ thấp (ACC with LSF)
Hệ thống giảm thiểu chệch làn đường (RDM)
Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường (LKAS)
Subaru Eyesight
Kiểm soát hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control)
Phanh tự động phòng chống va chạm (Pre-Collision Braking)
Hệ thống kiểm soát bướm ga trước va chạm (Pre-Collision Throttle Management)
Cảnh báo đảo làn & cảnh báo chệch làn đường (Lane Departure and Sway Warning)
Cảnh báo phương tiện phía trước di chuyển (Lead Vehicle Start Alert)
Mazda i-ACTIVSENSE
Hệ thống mở rộng góc chiếu đèn trước theo hướng đánh lái AFS
Hệ thống tự động điều chỉnh chế độ đèn chiếu xa HBC
Hệ thống đèn thích ứng thông minh ALH
Cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi RCTA
Cảnh báo chệch làn LDW
Hỗ trợ giữ làn LAS
Hỗ trợ phanh thông minh trong thành phố (phía trước)
Hỗ trợ phanh thông minh trong thành phố (phía sau)
Hỗ trợ phanh thông minh SBS
Hệ thống điều khiển hành trình tích hợp radar MRCC
Hệ thống nhắc nhở người lái tập trung DAA
Mazda3 2020 dòng xe trang bị đầy đủ gói i-ACTIVSENSE trong các mẫu xe Mazda tại Việt Nam
Bảng so sánh các tính năng trong gói an toàn chủ động giữa các hãng xe tại Việt Nam
Công dụng các tính năng trong gói an toàn chủ động:
Hệ thống phanh giảm thiểu va chạm: Hệ thống sẽ cảnh báo người lái khi phát hiện vật cản phía trước (người và xe ô tô). Trong trường hợp sau khi đưa ra cảnh báo nhưng người lái không có bất kỳ hành động nào để tránh khỏi va chạm thì hệ thống sẽ tự động phanh để giảm thiểu thiệt hại.
Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng: Hệ thống sẽ tự động giữ tốc độ xe theo tốc độ cài đặt, hỗ trợ duy trì khoảng cách với phương tiện phía trước khi lái xe trên đường cao tốc. Hệ thống sẽ tự động tăng tốc và giảm tốc giúp việc lái xe thoải mái hơn.
Hệ thống cảnh báo lệch làn đường: Hệ thống sẽ cảnh báo và hỗ trợ người lái đi đúng làn đường khi hệ thống phát hiện xe di chuyển quá gần hoặc đè lên vạch kẻ phân cách các làn đường.
Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường: Hệ thống sẽ theo dõi làn đường và hỗ trợ đánh lái để giữ cho xe luôn đi ở giữa làn đường, đồng thời hiển thị cảnh báo trong trường hợp xe đi chệch khỏi làn đường.
Đèn pha thích ứng tự động: Trong điều kiện lái xe vào ban đêm, hệ thống sẽ tự động chuyển đổi giữa đèn chiếu gần và đèn chiếu xa tùy thuộc vào tình trạng giao thông.
Riêng với Subaru EyeSight có thêm 2 tính năng:
- Cảnh báo xe phía trước đã di chuyển: Khi xe đang dừng lại, nếu nhận biết được phương tiện phía trước đã di chuyển, hệ thống sẽ cảnh báo bằng âm thanh và hình ảnh. Dựa vào tín hiệu này người lái xe tiếp tục cho xe di chuyển nhằm tránh bị ùn tắc giao thông.
- Kiểm soát bướm ga tránh va chạm: Nếu hệ thống phát hiện ra người lái xe có thể đã nhầm lẫn chân ga, nó sẽ hạn chế công suất động cơ để chiếc xe di chuyển chậm hơn nhằm giảm khả năng xảy ra tai nạn.
Cơ chế hoạt động
Tùy thuộc vào hãng xe mà gói trang bị an toàn sẽ có cơ chế hoạt động khác nhau, trong đó hai hãng Mazda và Honda sử dụng cùng một lúc radar và camera để hỗ trợ quá trình điều khiển. Trong khi Subaru lại sử dụng 2 camera được gắn phía trước gương chiếu hậu (ngay vị trí sau gương hậu trong xe).
Nhiệm vụ chính của radar và camera chính là liên tục quét, thu thập và xử lý hình ảnh thông qua bộ điều khiển trung tâm. Sau đó nhanh chóng đưa ra những cảnh báo (âm thanh, hình ảnh), can thiệp vào phanh, thậm chí bướm ra và hộp số để ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ va chạm.
EyeSight của Subaru sử dụng 2 camera quan sát
Nhận xét và so sánh
Subaru EyeSight sử dụng 2 camera nổi gắn ngay sau kính để quét hình ảnh 3D có màu sắc và chất lượng tốt, từ đó nhận diện làn xe lưu thông, phát hiện các vật thể, chướng ngại vật.
Xét trong điều kiện thời tiết bình thường thì việc sử dụng 2 camera giúp cho khả năng nhận diện vật thể của hệ thống sẽ tốt hơn so với việc sử dụng 1 camera. Tuy nhiên việc sử dụng hoàn toàn 2 camera có thể dẫn đến hạn chế khi vận hành trong điều kiện thời tiết xấu (sương mù, trời mưa phùn…) hoặc điều kiện ánh sáng kém hay bị chói sáng (đèn pha cường độ cao, mặt trời…). Đối với những vật có chiều cao thấp, dưới hẳn mũi xe khiến camera bị khuất thì việc nhận diện cũng bị hạn chế.
Để khắc phục hạn chế trên thì các hệ thống Honda Sensing, Mazda i-Activsense, Toyota Safety Sense đều sử dụng kết hợp 1 camera và 1 radar. Camera dùng để nhận diện đặc tính vật thể và kích thước vật thể. Radar dùng để nhận diện vị trí vật thể và tốc độ vật thể. Nhờ vậy việc cung cấp thông tin cho bộ điều khiển không bị gián đoạn quá nhiều vì điều kiện thời tiết hay ánh sáng.
Rõ ràng mỗi hệ thống đều có ưu nhược điểm riêng và khả năng nhận biết phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường hoặc thời tiết.
Điều quan trọng để giúp các hệ thống này hoạt động hiệu quả nằm ở 2 yếu tố:
- Tốc độ xử lý dữ liệu của bộ điều khiển để cho ra thông tin phản hồi nhanh, nhạy, chuẩn xác
- Khả năng tác động kịp thời lên các hệ thống ga, phanh, vô lăng… của xe để hỗ trợ người lái phản xạ nhanh chóng khi xảy ra tình huống mất an toàn
Nhận xét chung và lời khuyên khi lái xe
Nhìn chung, các gói an toàn và hỗ trợ lái này sẽ giúp ngăn chặn những mối nguy hiểm trong quá trình vận hành xe. Trong trường hợp xấu nhất là xảy ra tai nạn, nó có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
Tuy nhiên, các gói an toàn và hỗ trợ lái này không phải là “bùa hộ mạng” cho người lái, nếu như lái xe quá phụ thuộc vào nó mà lơ là, quên tập trung lái xe.
Đừng phụ thuộc vào các công nghệ, hãy luôn tập trung làm chủ chiếc xe để lái xe an toàn
Cũng nên lưu ý là theo thông tin nhắc nhở an toàn từ nhà sản xuất thì các hệ thống an toàn chủ động trên chỉ nhận biết tốt vật thể là xe ô tô và người đi bộ, riêng EyeSight còn có thể nhận biết thêm người đi xe đạp.
Do được phát triển dựa trên điều kiện giao thông chung ở nhiều nước trên thế giới nên cũng dễ hiểu khi các hệ thống trên
không đề cập đến khả năng nhận biết người đi xe máy (đối tượng tham gia giao thông phổ biến nhất tại Việt Nam). Vì vậy, không nên chủ quan trước các tình huống tạt đầu, sang đường ẩu của xe máy.
Trên thực tế, các công nghệ an toàn và hỗ trợ lái này như Phanh tự động khẩn cấp có thể không hoạt động một cách tối ưu trong mọi điều kiện lái xe, khi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như điều kiện thời tiết, đường xá và cách bảo dưỡng xe. Chính vì thế, người lái xe luôn phải có trách nhiệm lái xe một cách an toàn!
Xin cảm ơn anh em bên phòng đào tạo của một vài hãng xe đã hỗ trợ thông tin để Otosaigon thực hiện bài viết này!
Các bác OSer đã được trải nghiệm thực tế những hệ thống này trong điều kiện giao thông của Việt Nam hãy cùng chia sẽ những đánh giá của mình!