Số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông ở TP HCM năm 2023 giảm sâu nhờ tăng xử lý nồng độ cồn và vi phạm tốc độ, theo Công an thành phố.
Thông tin được thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó phòng CSGT (PC08), Công an TP HCM nêu tại hội nghị tổng kết trật tự an toàn giao thông năm 2023, ngày 28/3. Đây là mức giảm sâu so với nhiều năm trước, nhất là 2022 khi tình hình tai nạn ở thành phố tăng.
Cụ thể, năm ngoái, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.729 vụ tai nạn giao thông, làm chết 661 người, số người bị thương là 1.049. So với năm 2022, giảm 408 vụ (19%); người chết và bị thương cũng lần lượt giảm 15% và 21%. "Nhờ quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn và tốc độ đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông tại thành phố", ông Bình nói.
Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn tài xế ở giao lộ Thoại Ngọc Hầu - Luỹ Bán Bích, quận Tân Phú, năm 2023. Ảnh: Đình Văn
Theo ông Bình, năm 2023 lực lượng CSGT đã xử lý hơn 128.000 người vi phạm nồng độ cồn, tăng khoảng 72.600 trường hợp so với 2022 (130%). Riêng các vi phạm liên quan đến chạy quá tốc độ, năm ngoái CSGT cũng phát hiện, xử lý gần 95.000 trường hợp, tăng khoảng 34.600 (57%) so cùng kỳ. Những vi phạm này phần lớn phát hiện ở các đường lớn như: xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, quốc lộ 1, 22...
"Công an thành phố tiếp tục xác định xử lý vi phạm nồng độ cồn, tốc độ là nhiệm vụ trọng tâm và sẽ thực hiện xuyên suốt", lãnh đạo PC08 nói, cho biết nhiều chuyên đề khác cũng được CSGT tập trung, như: kiểm soát xe vận tải hành khách, hàng hoá; chở quá khổ, quá tải...
Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường nói 2023 là năm tai nạn giao thông ở thành phố giảm sâu nhất trong nhiều năm qua, vượt xa mục tiêu năm sau thấp hơn năm trước khoảng 5%. Đây là kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm tai nạn trên địa bàn có chiều hướng tăng, nên các đơn vị "không được lơ là", cần tập trung thêm nhiều giải pháp để kiểm soát tốt.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu CSGT tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ. Đặc biệt, cán bộ công chức, viên chức ở thành phố phải có trách nhiệm, gương mẫu chấp hành. Việc xử lý phải nghiêm, không né tránh hay có vùng cấm.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Gia Minh
Bên cạnh đó, ông Cường cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải rà soát để tổ chức giao thông phù hợp theo đặc thù từng khu vực và nhu cầu đi lại phát sinh mới. Đồng thời, các đơn vị đẩy nhanh tiến độ công trình đang thi công, bổ sung một số dự án trọng điểm vào quy hoạch nhằm sớm triển khai, như: đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cầu Thủ Thiêm 4...
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết đầu năm 2023 trên địa bàn thành phố có 9 "điểm đen" tai nạn giao thông, trong năm xoá được 8 điểm. Tuy nhiên, 8 "điểm đen" mới lại phát sinh sau đó nên thành phố hiện vẫn tồn tại 9 điểm. Ngoài chờ các giải pháp xây dựng công trình, cơ quan này đang triển khai phân luồng, khắc phục bất cập về biển báo, hạ tầng giao thông ở những địa điểm nguy cơ tai nạn để đảm bảo an toàn cho người dân.
Trong năm nay, ngành giao thông thành phố phấn đấu hoàn thành nhiều công trình lớn như; mở rộng Quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ... Đồng thời, các dự án Vành đai 3, nút giao An Phú, Mỹ Thủy... cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để đưa vào sử dụng 1-2 năm tới, giúp giảm ùn tắc, mở ra không gian phát triển mới ở các khu vực.
Thống kê đến cuối năm 2023, TP HCM quản lý hơn 9,2 triệu phương tiện, trong đó hơn 940.000 ôtô, gần 8,3 triệu xe máy. So với cùng kỳ 2022, lượng phương tiện tại thành phố tăng 4,64%, giao thông ở nhiều tuyến đường đã vượt quá năng lực khai thác.
>>>> Xem thêm: