Đó là một trong các lý do khiến phải đề xuất tăng thuế môi trường với xăng dầu mới đây. Đại diện Bộ Tài chính đã giải đáp như vậy trước băn khoăn về việc mức thuế tối đa với xăng được đề nghị lên tới 8000 đ/ lít.
[pagebreak][/pagebreak]
Trả lời câu hỏi của báo giới về căn cứ đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1 của Bộ Tài chính tổ chức ngày
10/4, ông Phạm Đình Thi, vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, cho biết nguyên nhân là do giá xăng dầu của VN thấp hơn các nước trong khu vực ASEAN. Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 3/4/2017 thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (trong 180 nước thì Việt Nam đứng thứ 44 từ thấp đến cao. Và 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam, trong đó Philippines đứng thứ 55, Campuchia đứng thứ 58, Thái Lan đứng thứ 88, Lào đứng thứ 97). Chẳng hạn, giá xăng RON 92 của VN ngày 10-4 là 17.230 đồng/lít, thấp hơn 3.375 đồng/lít so với giá bán loại xăng này tại Philippines, thấp hơn 2.800 đồng/lít so với Campuchia và thấp hơn 4.800 đồng/lít so với Lào...
Ngoài ra, theo ông Thi, tỉ lệ thuế trên giá cơ sở xăng dầu của VN đang ở mức thấp như xăng 37,24%, dầu diesel là 21,14% và mazut 18,4%, trong khi tỉ lệ này tại Hàn Quốc là 70%, Campuchia 40% và Lào 56%. VN cũng đang thực hiện 11 hiệp định thương mại tự do, trong đó có cam kết phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu.
“Trên cơ sở tính toán các yếu tố trên, Bộ Tài chính đề nghị tăng khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít. Nhưng đây chỉ là khung chứ không phải là mức áp dụng ngay. Còn mức áp dụng cụ thể sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, căn cứ vào tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ số lạm phát...” - ông Thi nói.
Việc đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu được căn cứ vào nhiều yếu tố như cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu, giá xăng dầu của Việt Nam so với các nước trên thế giới, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng dầu. Khi đề xuất mức thuế BVMT cụ thể, Bộ Tài chính sẽ phải có các đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước để đảm bảo cùng với các giải pháp cải cách hành chính sẽ không làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt Nam.
Bộ Tài chính hiện mới đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu trên cơ sở tính toán nhiều yếu tố để đảm bảo tính ổn định của luật áp dụng cho thời gian dài.
Tổng hợp