Hạng B2
3/12/07
475
14
28
SOC TRANG
em đọc thấy hay, gửi các bác giảm stress.........



Tennis ở Hà nội – cái nhìn của người trong cuộc
(Bài này viết từ 18/11/2004)

Tennis ở Hà nội – cái nhìn của người trong cuộc:
1. Ngoài đường
2. Sân bãi
3. Cuộc chơi
4. Sau cuộc chơi

1. Ngoài đường

Khi bạn di chuyển trên đường phố Hà nội, thể nào bạn cũng bắt gặp một người đi xe gắn máy với bộ đồ tennis đa dạng. Nếu “tennis sỹ” là một người da đen cháy, cơ bắp săn chắc, bộ đồ thể thao nhầu nhầu và túi vợt nhiều ngăn to tổ bố thì đó chắc chắn là một ông thầy tennis. Bởi vì những người mới học chơi tennis rất khó đăng ký được sân vào buổi tối, nhất là giờ VIP nên “thầy” thường phải phơi nắng nhiều giờ và phải di chuyển “đội trời đạp đất” chạy xô từ sân này sang sân khác.

Bạn cũng có thể nhìn thấy nhiều dạng người chơi tenis khác nhau. Anh chàng mặt mũi phương phi, quần áo giày mũ vợt hàng hiệu láng cong kia là một tân trưởng giả đang bắt đầu học làm sang. Có thể mạnh dạn cả quyết rằng cú thuận tay của bố này là mối đe doạ thường trực đối với các ô cửa kính những nhà nằm cạnh sân tenis. Còn cái ông ăn mặc trên mức xe ôm một chút, túi vợt cũ kỹ, đôi giày vẹt đế thì đó hẳn là một tay chơi có nghề, bạn đừng có dại rủ rê loại này chơi độ, đảm bảo bạn cầm chắc phần thua trong tay.

Người chơi tennis có thể đi một mình, chở nhau hay đi một nhóm. Thường người ta đi riêng rẽ đến sân, còn đi cả nhóm thì ...xin đọc phần 4 của bài này.

Rất ít khi gặp cảnh nam nữ chở nhau đi chơi quần vợt. Nếu cả hai vợ chồng cùng đam mê tennis thì thường mỗi người chơi một hội khác nhau. Chẳng phải là lý do cần lệch giờ theo sự phân công lao động gia đình mà chủ yếu là do không có gì chán hơn là đứng một cặp với “nửa thứ hai của mình”, nó đánh hỏng mình không thể không cáu, còn mình đánh hỏng thì nó cũng quặu lại ngay tức thì. Đây là một trường hợp áp dụng câu “Của lạ bằng tạ của quen” rất chính xác.

Bạn cũng có thể gặp những ông già đã về hưu, da dẻ hồng hào, chậm rãi trên những con xe ít phân khối. Họ là những người đã trả xong các món nợ đời, bây giờ nhàn cư kiếm sân tennis làm chỗ chơi và gặp gỡ bạn bè đồng cảnh.

Tuy nhiên bạn rất khó đoán cái nhà ông mặt nghiêm nghiêm ngồi trong xe biển xanh kia có phải là đang trên đường đi đến sân tennis hay đi họp. Bộ đồ nghề ông để thường trực trong cốp xe, lúc cần là có ngay. Mà lúc cần ông cũng luôn có ngay sân nào đó mời mọc, hội nào đó hoan hỷ đón rước ông đến chơi, chỉ cần ngỏ ý bằng nửa cú điện thoại là được.

2. Sân bãi

Muốn chơi tennis, việc đầu tiên là phải đăng ký được giờ sân. Khắp nội ngoại thành Hà nội người ta thống kê được trên 300 sân tennis. Vậy mà bạn vẫn có thể nghe nhiều người than phiền không kiếm được sân hoặc phải chấp nhận phi lên tận đầu cầu Thăng Long hay xuống cuối Phà Đen để chơi tennis. Ai chả muốn lịch chơi hợp lý, đều đặn, nhưng cũng có hội đành chấp nhận thuê sân vào tối thứ 7 và sáng Chủ nhật. Cả tuần gác vợt, tối chơi xong sáng hôm sau mệt nhoài đã lại ra sân!

Có hội lại phải chơi ba buổi trong một tuần ở ba sân khác nhau.
Rất ít sân đạt tiêu chuẩn về kích thước, chất lượng bề mặt sân, chiếu sáng và các dịch vụ kèm theo. Có sân nằm lọt thỏm trong khu nhà dân, đến giờ các bà nội trợ “nổi lửa lên em” thì các quần thủ tha hồ hít hơi bếp dầu và mùi hành phi thơm phức. Có sân hụt chiều dọc, những quả lốp cuối sân anh nào không khéo chơi bóng bổng hay không biết xờ mách thì chỉ còn có cách ...chịu!

Có sân bề mặt không đồng nhất, rạn nứt hay bong rộp, nhiều khi bóng nẩy rất quái ác. Ngay như sân Quan Hoa, sân được coi là tốt ở Hà nội, bạn vẫn phải nghe tiếng nhạc của đám tập thể dục nhịp điệu, khó chịu nhất là lúc các em xồn xồn nghỉ giải lao, lượn lờ trong bộ trang phục thi hoa hậu, khoe tấm thân đang phải gấp rút giảm trọng. Tôi để ý thấy nhiều chú hay đánh hỏng vào những thời điểm như thế! Ghét nhất là đang chơi mà có mấy VIP cưỡi xe hơi tới, đèn pha rọi chói cả mắt.

Chỉ còn một vài sân duy trì chế độ bao cấp (CLB Ba Đình...), còn tuyệt đại đa số là kinh doanh. Thường các chủ sân (hoặc người đứng ra thầu) cho thuê theo tháng, nhưng cũng có nơi cho thuê theo quý, thậm chí theo năm. Ngược lại có sân chỉ ký hợp đồng cho thuê theo ...tuần.

Sân Sao Mai và sân Quan Hoa là hai sân khá nhất Hà nội, các giải tenis hay tổ chức ở đây. Nhìn rộng ra khỏi Hà nội thì ở các địa phương miền Bắc thì sân tennis của các “ông” điện lực thường là tốt hơn cả, ngành điện lực chỉ cần búng cái móng tay cũng ra được sân tennis, các “Sếp” điện lực thường chơi hay hơn các sếp khác ở địa phương.

Chuyện thuê sân cũng lắm cái để mà nói. Thông thường các hội chơi phân bổ đều chi phí sân, tiền bóng, nhặt bóng để người chơi đóng góp, có hội còn thêm cả tiền nước giải khát vào đó. Hãn hữu có một vài cặp vợ chồng thuê sân chỉ để hai người đánh qua đánh lại (như đánh tập hay khởi động, buồn bỏ mẹ!). Có một số doanh nhân thuê trọn gói hàng năm để bao bạn bè đến chơi, “bạn bè” ở đây xin hiểu là những người có quan hệ làm ăn, trong đó không ít người có quyền ký tên đóng dấu đỏ. Riêng có Giám đốc Cty Đức Lân thì đúng là thuê cho bạn bè chơi thật: ông sắm đồ nghề cho số bạn cùng một đời đi lính với nhau, “bắt” họ chơi, bao toàn bộ chi phí, thêm luôn cả bữa ăn trưa mỗi chủ nhật sau khi chơi.

Đất để làm sân thường là đất “chưa sử dụng” của một cơ quan đoàn thể hay doanh nghiệp nào đó, họ tự xây sân hay cho trung gian thầu thuê đất. Rất ít trường hợp mua đất để làm sân.

3. Cuộc chơi

Đầu tiên ta phải nói đến người chơi, con người là nhân tố số một mà (chả nhẽ lại viết là “thân tố”, thân = khỉ). Bài này tôi chỉ viết về tennis nghiệp dư Hà nội, chuyện chuyên nghiệp tôi không bàn tới.

Quả thực để chơi tennis bạn phải bỏ ra một khoản chi phí tối thiểu theo thời giá hiện nay khoảng 200-300 ngàn đồng một tháng, tuỳ việc bạn thuê được giờ sân đắt hay rẻ. Còn tối đa thì tôi xin để cho trí tưởng tượng của người đọc làm việc, cuộc chơi này không bao giờ lo “kịch trần” về chi phí. Do đó, tuy không còn mang tiếng là “trò chơi quý tộc” như khoảng cách đây mười năm, nó vẫn chưa thân thiện lắm với những người có thu nhập thấp vùng thành thị. Và cũng do đó, nếu ta vẽ một cái gọi là “tháp dân số” để biểu diễn số người chơi tennis theo lứa tuổi thì ta sẽ không có được một cái tháp theo đúng nghĩa của nó, mà sẽ là một quả trám: đa số người chơi nằm trong vùng 30-50 tuổi là những người đã tương đối ổn định về công ăn việc làm và thu nhập. Hai đầu quả trám là những công dân dưới 30 và trên 50 tuổi.

Do đến với tennis vào lứa tuổi mà hầu hết các tay vợt chuyên nghiệp bắt đầu giã từ sân đấu, người chơi tennis nghiệp dư ở Hà nội thường không hoàn thiện về kỹ thuật. Sự không hoàn thiện thể hiện không những trong mỗi cú đánh mà còn ở chỗ thiếu một hoặc một số cú đánh cơ bản, ví dụ nhiều người yếu cú trái tay, không biết giao bóng gây áp lực, không biết xờ mách, không biết tràn lưới v.v.

Rất hiếm trường hợp những người nghiệp dư “chân chính” dành được thứ hạng cao ở những giải mang tên phong trào như giải HKVN, giải Ngân hàng, giải các CLB quần vợt (Heiniken), giải Xerox v.v. Người ẵm giải thường là mấy ông chuyên nghiệp quá đát chuyển sang chơi nghiệp dư nhưng thực ra hoàn toàn vẫn sống bằng tennis như Hoà Xuân (con cụ Xuân mà tương tuyền là người mẫu cho Vũ Trọng Phụng vẽ ra nhân vật Xuân tóc đỏ) hoặc là một số nghiệp dư “danh nghĩa” như Hoà nhái, Tiến đen, Hoàng Hải phòng v.v.

Dân tennis Hà nội phải cảm ơn cụ Sáu Dân, người có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển môn thể thao quần vợt. Cụ rất mê môn này, và tuy đã “cổ lai hy” cụ vẫn thường xuyên tập luyện. Mà cụ đã chơi chẳng lẽ mấy ông cấp dưới lại thờ ơ?

Người ta đến với tennis với những lý do và mục đích khác nhau, đến theo kiểu nào thì người ta chơi kiểu đó.

Phần đông thuần tuý là “trả tiền mua mồ hôi”, tìm một hình thức nghỉ ngơi tích cực nhằm tái sản xuất sức lao động hoặc coi tenis là một biện pháp nâng cao sức khoẻ, giảm stress, giảm mỡ (tôi không nói là giảm cân vì sau 5 năm chơi quần vợt tôi không hề giảm cân nhưng ai gặp cũng nói là tôi gầy đi nhiều).

Một số nhỏ chơi tennis mang tính chất thời thượng, khoe mẽ hay theo đóm ăn tàn. Đấy là tôi chưa dám nói voi ú thì chuột chù cũng ú. Tôi biết có một anh rất thích chơi bi-a vì thủ trưởng anh ta khoái chọc món này. Đến một ngày xấu trời, ông thủ trưởng khác về thay. Ông này không khoái bi-a, coi đó không phải là thể thao, lại bị mấy thằng dẻo mỏ thuyết phục: “Mấy anh trên Bộ đều chơi tennis cả” nên ông ta nhờ người sắm đủ lệ bộ tennis, chỉ đạo Văn phòng liên hệ thuê sân thuê thầy bắt đầu tập. Thế là cái nhà anh thích bi-a kia đi đâu cũng ca ngợi tennis hết lời, đồng thời cũng sắm một bộ đồ nghề y chang như của Sếp, ra sân đứng ngoài vừa hút thuốc lá phì phèo vừa luôn mồm khen Sếp đánh hay quá!

Bạn có thể thấy những hội chơi vui vẻ, thua không cay cú, partner đánh hỏng không lầu bầu, anh em trong hội đối xử với nhau rất văn hoá. Nhưng bạn cũng có thể gặp những hội vừa chơi vừa nói tiếng Đan Mạch om xòm.

Tôi xin mời bạn đến sân của Ban X (xin không nêu đích danh vì quyền lợi sống còn của Forum), bạn sẽ rất ngạc nhiên thấy quý vị ở đấy thực thi triệt để chế độ “chơi để cá chứ không phải cá để chơi”: trận nào cũng độ, thấp thì 5 chai bia, nhiều thì ...vô tận! Độ trong, độ ngoài (người không chơi đứng ngoài thì độ “phụ hoạ”, giống như các ca sỹ nhà ta biểu diễn có tốp múa đi kèm. Nhiều khi biết chắc Sếp nhà mình sẽ thua nhưng bạn vẫn đặt Sếp thắng, vì bạn không tìm thấy cách bày tỏ tình cảm nào khác tinh vi hơn cách này đối với Sếp). Vui nhất là Sếp dứt khoát không chịu thua, lỡ bị dẫn đến 1-4 thì thể nào Sếp cũng lấy cớ ...đi đái, nhanh thì 15 phút, lâu cỡ nửa giờ!

Thông thường người chơi nghiệp dư hay đánh đôi hơn là đánh đơn. Lý do chính là số người được chơi nhiều lên gấp đôi, số chi phí của mỗi người giảm theo tỷ lệ tương ứng. Lý do khá quan trọng nữa là ít người còn đủ “phông” để đánh đơn. Tuy nhiên nhiều người chưa biết rằng chiến thuật đánh đôi có nhiều chỗ không giống đánh đơn. Trò chơi đã có hai người trở lên bắt ta phải quan tâm đến phối hợp đồng đội, bổ trợ cho nhau, kiến thiết đường bóng cho partner dễ dàng dứt điểm.

Chỉ những cặp chơi hay mới dám 2 người lên lưới, thông thường 1 lưới, một phông, cũng có những cặp chỉ đứng cuối sân, thường là những người chơi cò cưa hay không biết lên lưới.

Đoạn trên tôi đã nói đến tính không hoàn thiện kỹ thuật của dân chơi nghiệp dư. Tuy nhiên nhiều người đã biết tạo cho mình một vài cú đánh “không giống ai” làm cho đối phương cực kỳ khó chịu. Ông Chí Viện trưởng IMI chỉ có duy nhất quả cắt xẻo song ông thực hiện nó trên mức hoàn hảo, bóng xiết vào chân đối phương hoặc ra hai góc xa cuối sân.

Nhiều cụ lớn tuổi có lối chơi “phủi”, động tác cực kỳ xấu, bỏ qua nhiều bước kỹ thuật nhưng lại đặt được bóng rất chính xác vào những điểm đối phương không ngờ. Người viết bài này cách đây mấy năm cũng thích đánh quả mạnh, nhưng hiện nay ngả dần về trường phái “phủi”.

Những cựu danh thủ bóng bàn và cầu lông thường dễ dàng chuyển qua tennis và chơi khá hay. Anh bóng bàn được cái cổ tay dẻo, anh cầu lông thì xờ mách được ở bất cứ điểm nào trên sân. Mấy bác bóng đá nhà mình chơi cũng tốt: ô. Lê Thế Thọ có động tác kỹ thuật đúng và mạnh, Ngô Tử Hà vua đứng lưới, Phạm Ngọc Viễn chơi cũng được, Ba Đẻn, Cao Cường, Hồng Sơn đều là những hảo thủ. Lâu rồi không thấy Hà Quang Dự ra sân, có thể đã chuyển đến một sân nào khác mà người viết không biết. Cựu Chủ tịch LĐBĐVN Hồ Đức Việt cũng là một tay vợt loại cứng.

Chơi tennis nghiệp dư ít bị chấn thương như đá bóng vì nó là trò chơi đối kháng gián tiếp, sân anh nào anh nấy chơi, không có vụ tưởng nhầm của quý của đối phương là quả bóng mà táng nhầm vào như trong bóng đá. Thỉnh thoảng người chơi bị đau cổ tay hoặc cùi tay do đánh không đúng kỹ thuật hay dùng vợt không thích hợp, đôi khi có người bị đứt vài sợi cơ bắp chân vì chạy “máu” quá. Đã có một vài trường hợp hồn lìa khỏi xác ngay trên sân chơi. Cách đây không lâu, một chú Phó Tổng Giám đốc TCty Thép VN tạch luôn sau 1 set, ra ngoài ngồi nghỉ rồi “nghỉ” luôn. Bạn nào có ý định chơi tennis xin đừng sợ hãi, nếu bạn có một quả tim bình thường.

Người ta bảo “người làm sao của hao hao làm vậy”, tennis bộc lộ toàn bộ tính cách của người chơi. Thật thà hay ma mãnh, điềm tĩnh hay nóng nảy, chân phương hay gian lận, thông minh hay đần độn, kiên trì hay dễ buông xuôi, tử tế hay lật lọng - tất cả lộ ra rõ ràng khi bạn chơi tennis.

Nói đến tennis Hà nội mà không đả động gì đến hiện tượng Triển Chiêu là một thiếu sót lớn. Triển Chiêu là nhân vật đẹp trai, văn võ song toàn, cận vệ kiêm trợ tá đắc lực cho Bao Công. Bao Thiên thanh thông minh sáng suốt, công minh chính trực, song nếu thiếu Triển Chiêu ắt ngài đã nghẻo từ khi còn chưa nổi tiếng là một ông quan chống tham nhũng hàng đầu thế giới.

“Triển Chiêu” được dùng để gọi chung những tay vợt chơi cực hay, sức khoẻ tốt, bao 90% diện tích sân trong những trận đấu đứng cặp với Sếp. (Xin bạn đọc đừng hiểu lầm rằng tôi có ý ví các sếp nhà ta như Bao Công, nói như thế thì oan cho nhiều vị lắm). Sếp chỉ việc án ngữ một phần lưới, có quả nào bay trong tầm tay thì Sếp “gõ” một nhát, đạt hiệu quả mì ăn liền.

Triển Chiêu có thể là chính lái xe của Sếp mà cũng có thể là một cao thủ nào đó ghi danh là công nhân viên chức thuộc đơn vị của Sếp. Xem một trận đấu giữa hai cặp Triển Chiêu + Sếp, ta thấy ngay đó thực chất là một trận đấu giữa hai Triển Chiêu, các sếp chỉ là “quan sát viên nằm vùng”. Nhưng đấy là các Triển Chiêu loại trung bình. Các Triển Chiêu cao tay nghề hơn biết cách thoả thoả thuận ngầm với nhau trong một game hay một set mày “làm bóng” cho sếp của tao n lần, ngược lại tao cũng sẽ “biếu” sếp mày bấy nhiêu quả ngon trả nợ. Chung quy việc đó không ảnh hưởng mảy may đến kết quả trận đấu nhưng cả hai sếp đều sướng âm ỉ vì mình có được những cú dứt điểm rất hiệu quả.

Tôi có một vài lần xem ông VM đứng cặp với lái xe của mình, cặp này rất hay vô địch các giải “ngoại tuổi” (not ngoại hạng). Khách quan mà nói, ông VM tuy cao tuổi nhưng đánh rất an toàn bóng, ông luôn “xúc” trả lại mọi đường bóng của đối phương bằng động tác kỹ thuật của người nông dân Bắc bộ tát nước gầu sòng!

Không cần phải nói thì bạn đọc cũng hiểu là các Triển Chiêu có một cuộc sống tốt đẹp như thế nào!

4. Sau cuộc chơi

Sau cuộc chơi là cả một cuộc chơi!

Phần nhiều người chơi tennis xong thích chạy ngay về nhà, đứng dưới vòi hoa sen nước nóng, thiệt đã! Đựợc rũ bỏ mọi mệt mỏi thể lực, tiếp nhận một cảm giác dễ chịu lan truyền rồi bao trùm cơ thể bạn. Nếu nhà bạn có bồn tắm thì ngâm mình trong đó mươi phút cũng là một phương án không tồi.

Một số người tìm cho mình chỗ nghỉ ngơi trong nhà hàng hàng mát-xa, cô nhân viên vật người trị liệu (not vật lý trị người) cũng sẽ làm tan biến sự mỏi mệt cũng như nỗi cáu kỉnh do thua trận và ít nhất 150K trong ví tiền của bạn.

Hội của tôi lâu lâu có một lần nán lại uống với nhau cốc bia, đó là vào dịp sinh nhật ai đó hoặc ai đó mới đi công tác xa về chiêu đãi do vắng mặt một số buổi. Nhưng đối với nhiều hội, ăn nhậu mới là phần chính của công cuộc chơi tennis.

Có sân tổ chức quán nhậu ngay trong khuôn viên CLB, cũng có sân ở xa quán xá. Nhưng điều đó có nghĩa gì trong thời đại cơ giới hoá giao thông và anh nào cũng khoái nhậu?
Nhậu để giải quyết hậu quả các trận độ, trường hợp này bên thua độ trả tiền. Nhưng cũng có khi nhậu chỉ để mà nhậu. Giả sử bạn chơi từ sau giờ làm việc, khoảng 7g tối chơi xong, việc kéo nhau đi ăn tối là một lý do vô cùng chính đáng.

Thôi thì nhậu hay không nhậu là chuyện riêng của mỗi người, họ có nhậu bằng tiền của tôi đâu mà tôi phải lo. Tôi chỉ xin kể bạn nghe một cú ngớ người của tôi khi được chứng kiến một hội chơi độ và giải quyết thắng độ như thế nào.

Hôm đó có hai trận độ, giá độ mỗi trận là một chỉ. Tôi nhẩm tính mỗi chỉ vàng khoảng 600 ngàn (giá thời điểm đó), tự thấy ê răng cho dù mình chỉ là khán giả. Khi họ kết thúc cuộc chơi, tôi định dắt xe ra về thị bị giữ lại:
- Luật của bọn em là người chơi và khách xem đều phải đi “giải độ”!
Nể quá, tôi đành nhập bọn kéo nhau đến nóc khách sạn Hà nội, ở đó tôi mới hiểu ra thuật ngữ một chỉ là gì, đó là một cái chỉ tay, người thắng chỉ ra phải đi nhà hàng nào thì mọi người phải đi hàng đó. Xong chỉ thứ nhất, tôi chuồn lẹ, không dám tìm hiểu xem chỉ thứ hai sẽ diễn ra trong lĩnh vực dịch vụ nào.

Đó là cuộc chơi của các ông chủ doanh nghiệp hoặc tương đương (bạn muốn hiểu chữ tuơng đương thế nào cũng đuợc). Đám bình dân thì ra Lan9, hoặc quán thịt cầy gần cầu Trung Hoà hay quán nào nằm trong tầm “chim đi xe máy”.

Còn có một số hội tennis ăn uống xong kéo về nhà một hội viên nào đó, ngồi “phỏm” cho đến tận sáng. Hình như các bà vợ đã quen với sinh hoạt đầy tính thể thao này của các đức lang quân, thậm chí còn chẳng buồn nhấc điện thoại gọi xem quý ông đang ở đâu.
Vì vậy tuy chơi tenis ít bị chấn thương nhưng do nhậu xỉn hậu tenis nên nhiều bố vài tháng sau không ra sân được do phải đeo một đống thạch cao nằm quanh cái xuơng gãy do ông chủ của nó “hôn” phải xe khác trên đường về nhà.
x
x x

Tôi viết đã dài, bạn đọc chắc cũng đã mỏi mắt lắm rồi. Tôi đã giới thiệu với các bạn tính muôn mặt của phong trào tennis ở Hà nội, có thể ở các địa phương khác không giống vậy mà cũng có thể hao hao như thế.

Hy vong bạn nào chưa chơi sẽ vững tâm tham gia môn thể thao hấp dẫn này, cái gì tốt thì phát huy, cái gì thấy cần tránh thì biết trước mà tránh.

Ghi chú: bài này đã post trên diễn đàn Thể Thao VNNet và Nuocnga.net
 
Last edited by a moderator:
Hạng B2
16/10/06
424
4
18
51
HCM
Cảm ơn ice_kool đã sưu tập một bài rất hay!

Tiếp tục tennis ở HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ đi các bác.
 
Hạng B2
3/12/07
475
14
28
SOC TRANG
em trình C- bác ợ, forehand của em rất mạnh và xoáy nên banh hay vọt ra ngoài hàng rào, backhand thì hiểm và nặng nên banh rúc xuống lưới, em lại hok bít bắt lưới, giao banh thường bị 2 lỗi, nên có ai đỡ được banh của em đâu.......hehe
tongue4.gif


@pual_waker: nhìn chữ ký bác em đoán bác thík đọc sách kinh tế lắm, bác đọc cuốn Four Hour Work Week chưa......
 
Last edited by a moderator:
Hạng B1
20/3/09
62
1
0
Hhehhe he đọc xong bài này thì em thấy đây là "hiện tượng" chung của cả nước rồi... tất nhiên là có nhiều sân chơi rất ư là quần vợt. Em ghét nhất là đánh chung hoặc đối diện với sếp cứ fải bị bao sân hoặc nương tay...
 
Hạng F
1/11/08
9.329
74
48
Tp.Hồ chí Minh
Post dùm bác Cool nè....
Muốn post được Clip bác phải copy cái link vào giữa đoạn code [tube][/tube]

[tube]http://www.youtube.com/watch?v=MA5X1DnEUNQ&ampNR=1[/tube]
 
Last edited by a moderator:
Yip
Hạng B2
21/4/08
387
1
0
43
OSCF - Viva Ghost Mode
Bài viết hay quá đọc thấy chả sai tẹo nào
080402cool_prv.gif
, tác giả bài viết này chắc chắn là một tay chơi phủi có tiếng ở HN.
Cảm ơn bác chủ thớt có công sưu tầm nhé!