Theo các trung tâm đăng kiểm, tình trạng chủ xe sau khi thay lốp ô tô, đi đăng kiểm bị "trượt" phải quay về khắc phục khá phổ biến, gây mất thời gian và tốn kém chi phí.
Lốp ô tô bị "trượt" đăng kiểm trong tình huống nào?
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, ở hạng mục kiểm tra về lốp ô tô có bốn lý do chính khiến xe bị trượt đăng kiểm, cụ thể: Lốp nứt, vỡ, phồng rộp làm hở lớp sợi mành; Lốp mòn đến dấu chỉ báo độ mòn của nhà sản xuất; Lốp bánh dẫn hướng hai bên không cùng kiểu hoa lốp, chiều cao hoa lốp không đồng đều; Thông số lốp không đúng theo quy định của nhà sản xuất.
Có 4 lý do chính khiến ô tô bị trượt hạng mục đăng kiểm về lốp, trong đó có hai lỗi xảy ra phổ biến do chủ xe đã từng thay thế lốp nhưng không đúng quy định.
Theo Thông tư 02/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, các trường hợp trên đều được xếp vào lỗi hư hỏng, khiếm khuyết quan trọng (MAD) nên sẽ không đạt kiểm định.
Trong đó, việc thông số lốp không đúng quy định của nhà sản xuất và lốp bánh dẫn hướng hai bên không cùng kiểu hoa lốp xảy ra phổ biến do chủ xe đã từng thay thế lốp nhưng việc thay thế không đúng quy định.
Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, khi lốp bị hỏng cần phải thay thế, chủ xe cần chú ý kiểm tra kỹ thông số lốp của lốp thay thế phải đồng nhất với thông số ghi trên giấy chứng nhận đăng kiểm của xe.
Ngoài ra, với lốp bánh dẫn hướng hai bên (bánh xe phía trước) khi thay thế nên thay cả cặp và đảm bảo cùng nhà sản xuất, cùng kiểu hoa lốp, đảm bảo phương tiện không bị lệch hướng khi di chuyển trên đường. Nếu hoa lốp trên bánh dẫn hướng hai bên khác kiểu sẽ bị trượt đăng kiểm.
Chủ xe có thể thay thế lốp tương đương có thông số khác với thông tin trên giấy chứng nhận đăng kiểm nhưng phải bảo đảm khả năng về tải trọng và tốc độ không nhỏ hơn so với lốp nguyên thuỷ.
Thay lốp tương đương thế nào để "qua" đăng kiểm?
Chuyên viên Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm VN cho biết thêm, cũng có một số trường hợp, ô tô thay thế lốp có thông số khác với thông tin trên giấy chứng nhận đăng kiểm nhưng vẫn đạt kiểm định.
Đó có thể là lốp có thông số được nhà sản xuất cho phép sử dụng, được ghi rõ trên tấm lắc (etiket nguyên thuỷ) gắn trên cánh cửa của xe và ghi rõ trên Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô sản xuất, lắp ráp (nếu là xe sản xuất, lắp trong trong nước) hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (nếu là xe nhập khẩu).
Trước khi thay thế lốp có thông số lốp ghi trên tấm etiket, chủ xe cần phải tra cứu Giấy chứng nhận này, nếu có thông số lốp của lốp thay thế mới được thay. Bởi đây là lốp đã được nhà sản xuất hoặc đơn vị nhập khẩu thực hiện thử nghiệm trước khi được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại xe cơ giới nên đảm bảo yêu cầu về chất lượng kỹ thuật.
Ngoài ra, cũng có trường hợp lốp theo quy định của nhà sản xuất mà chủ xe không thể tìm mua được để thay thế, có thể sử dụng lốp tương đương tuy nhiên phải thoả mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, phù hợp với thiết kế của nhà sản xuất về các thông số như chiều rộng mặt cắt ngang của lốp; đường kính ngoài (đường kính lăn) phải nằm trong khoảng min – max của lốp xe theo tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất tra cứu theo QCVN 34:2011/BGTVT quy định về lốp hơi dùng cho ô tô.
Đặc biệt lưu ý, các loại lốp có kích cỡ tương đương được sử dụng để thay thế phải bảo đảm khả năng về tải trọng và tốc độ không nhỏ hơn so với lốp nguyên thuỷ.
>>>> Xem thêm: