Pháp luật quy định rõ ràng khoảng cách an toàn giữa 2 xe khi lưu thông với nhau, tuy nhiên không ít người nghĩ rằng, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa 2 xe khi tham gia giao thông do mỗi người tự xác định, ước lượng dựa trên tình huống thực tế. Để rồi khi lưu thông thấy phía trước có khoảng trống là họ ngay lập tức có một xe khác tranh thủ chen vào khoảng trống đó.
Quy định giữ khoảng cách an toàn trong luật giao thông Việt Nam
Theo Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định khoảng cách an toàn giữa 2 xe khi tham gia giao thông trên đường như sau:
Trong điều kiện mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau: Tốc độ lưu hành 60km/h, khoảng cách tối thiểu là 35m, tốc độ từ trên 60 đến 80km/h, khoảng cách tối thiểu là 55m, tốc độ từ trên 80 đến 100km/h, khoảng cách tối thiểu là 70m và tốc độ trên 100 đến 120km/h, khoảng cách tối thiểu là 100m.
Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn trị số ghi trên biển báo hoặc trị số được quy định khi mặt đường khô ráo nêu trên.
Theo quy định tại NĐ 100/2019 phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng khi không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông.
Vì sao các tài xế Việt rất ít người có khái niệm giữ khoảng cách an toàn?
Không nói đâu xa, hiện nay khi chạy xe trên cao tốc, chỉ cần giữ khoảng cách với xe trước vài chục mét thì không sớm thì muộn cũng sẽ có xe cố gắng lách qua để lấp vào chỗ trống đó.
Dù khoảng cách với xe trước chỉ có vài mét nhưng xe sau vẫn cố gắng chen lên phía bên phải để vượt lên
Không phải ít mà rất nhiều tài xế nặng lời phản ánh việc các xe không giữ khoảng cách an toàn trên các hội nhóm, báo chí lên bài nhưng nó ngày càng nhiều người ý thức kém khi tham gia giao thông, không có ý thức giữ khoảng cách an toàn là vì sao?
Thứ nhất là trường hợp bạn có ý thức chấp hành quy định về việc giữ khoảng cách an toàn, nhưng liên tục bị các xe khác tạt đầu chen ngang vào khoảng trống đó. Lâu dần, nhiều người sẽ thấy việc cố gắng giữ khoảng cách an toàn là bất khả thi, là "thiệt thòi" nên thôi chạy cho nhanh luôn.
Thứ 2: CSGT ở Việt Nam ít khi xử phạt các xe không giữ khoảng cách an toàn, nên cho dù nhiều lái xe khác phản ánh, khó chịu nhưng vẫn không có sức răn đe tới nhiều người.
Thứ 3, một phần do rất nhiều người đi chậm nhưng lại hay chiếm làn trái không cho các xe khác được vượt, khiến nhiều xe khác nếu muốn vượt lên chỉ còn cách lách vào các khoảng trống ở những làn ở còn lại.
Cơ sở hạ tầng không đủ, khiến các xe không giữ được khoảng cách an toàn
Đặt biệt rất nhiều tài xế cho rằng việc giữ khoảng cách với xe khác trong phố là không cần thiết hoặc đó là điều bất khả thi, vì chạy trong phố tốc độ không lớn lại xe đông không có chỗ mà giữ khoảng cách.
Đọc bình luận của nhiều người cho rằng nếu họ đang vội mà thấy trước xe trước có một khoảng trống thì rất khó chịu, sẽ tìm cách lấp vào rồi vượt lên từ từ. Đường không đủ lớn, nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu của các các tài xế thì khó có thể yêu cầu họ giữ khoảng cách an toàn được, nếu ai cũng giữ khoảng cách thì không biết bao giờ mới về tới nhà.
Nhìn chung, tham gia giao thông thì sẽ có người này người kia, nhưng người này đã ít mà ít mà người kia thì ngày càng nhiều.
Giữ khoảng cách an toàn mấy chục mét, không xe này cũng có xe khác chen vào. Trên cao tốc cũng vậy, 2 xe đang giữa khoảng cách an toàn, đột nhiên 1,2 xe khác chen vô, lỡ xe trước giảm tốc độ hoặc thắng gấp có phải đụng nhau hàng loạt không.
Tâm lý của nhiều người là không bao giờ chịu đi sau người khác, toàn bất chấp để đi nhanh hơn, không muốn xếp hàng. Tới hồi có chuyện lại đổ lỗi cho đường nhỏ, không đủ để lưu thông.
Ngày chạy càng ẩu, thầy dạy thì không tới nơi tới chốn, bạ đâu chạy đó thì cơ sở hạ tầng có mở rộng đi nữa cũng không bao giờ là đủ cho những người ý thức thấp.