Trong tình huống này, dù chấn thương là điều không tránh khỏi nhưng nếu xương ống đồng hoặc xương đùi bị ép lên và đâm vào phần ngực, tính mạng của người cầm lái sẽ rơi vào nguy hiểm. Chương trình Driving Experience của Audi được tổ chức tại Phú Quốc vào cuối tháng 6/2015. Đội huấn luyện viên của Audi AG do ông Stefan Eichhorner dẫn đầu đã có những chia sẻ cả về lý thuyết và thực hành trên đường chạy hết sức hữu ích không chỉ với người mê cảm giác tốc độ mà cả trong những tình huống giao thông hàng ngày với yêu cầu cao về sự an toàn cho mỗi người lái xe. Các chuyên gia truyền đạt kinh nghiệm. Các bài tập trải nghiệm đều được hướng dẫn bởi một đội chuyên gia đầy kinh nghiệm đến từ Audi AG: Ông Stefan Eichhorner – tay đua chuyên nghiệp người Áo và là chuyên gia đào tạo lái xe Audi trong 11 năm – là trưởng nhóm, Ông Richard Sorensen – Giám đốc đào tạo Audi khu vực Đông Nam Á – cũng tham gia hướng dẫn cùng với 2 chuyên gia khác là bà Alexandra Iris Hase và bà Anita Heidi Celec.
1. Tài xế xác định khoảng cách vô lăng tối ưu như thế nào Theo HLV của Audi, để xác định khoảng cách lý tưởng từ ghế tới vô lăng, bạn hãy đặt lòng bàn tay lên điểm 12 giờ của vô lăng và duỗi thẳng cánh tay. Khi đó, lưng của bạn phải sát với ghế hết mức. Tại sao lại như vậy? Các bài tập đều được hướng dẫn bởi các chuyên gia. Với tư thế ngồi thông thường, trong các tình huống vào cua hoặc di chuyển khó (như lách hoặc vượt xe), người lái thường có xu hướng tiến gần tới vô lăng để ôm lấy nó – một đặc điểm những người mới lái thường rất hay gặp phải (thậm chí là kéo ghế lên sát với vô lăng) bởi nó đem lại cảm giác tự tin hơn. Tuy nhiên nó lại khiến thao tác xoay vô lăng hết sức vướng víu và không thể phản ứng kịp những khi cần góc lái lớn (hãy tưởng tượng bạn đang vào cua trên đèo, xoay vô lăng nhưng bất chợt… hết ngưỡng cổ tay trong khi xe vẫn đang gần 80km/giờ!) và dễ dẫn tới mất lái.
2. Ghế ngồi không phải chỉ để dựa! Một lí do khác để bạn không nên ôm lấy vô lăng hoặc sử dụng các loại đệm lưng, lót ghế hay nhất là tấm thảm với các viên gỗ tròn mà nhiều người cho là ngồi rất thoáng hay dễ chịu. Như bạn đã biết, hầu hết ghế của các loại xe hơi (nguyên bản) đều có dáng lõm ôm lấy người cầm lái. Thậm chí, với những xe càng có tốc độ cao, độ lõm… càng lớn. Đây là điều ít người nhìn thấy nhưng lại rất quan trọng. Sau khi đã chọn được vị trí ngồi tối ưu như ở bước một, điểm mấu chốt luôn được vị HLV Audi nhấn mạnh đó chính là nó đảm bảo cho lưng bạn “dính” ở ghế trong suốt hành trình xoay vô lăng. Đặc điểm này khiến cho toàn bộ phần thân giữa của bạn sẽ được ghế ôm trọn và giữ vững ổn định khi xe vào cua ở tốc độ cao hay có tình huống khẩn cấp xảy ra (đánh lái tránh một chú chó qua đường chẳng hạn). Nếu trong quá trình lái, bạn tự đẩy lưng mình lên cao khỏi phần lõm của lưng ghế, bạn đã làm mất hiệu quả của thiết kế này. Mặt khác, trong các tình huống khẩn cấp, phản xạ tự nhiên của con người là bấu víu lấy thứ gì đó. Với người cầm lái, thứ đó thường là… vô lăng. Hãy thử hình dung khi xe đang văng ngang, bạn không được ghế giữ ở lưng mà thay vào đó cố nắm lấy vô lăng để không bị bay người, điều gì sẽ xảy ra ? Hẳn đó lại là mất lái (vâng, lại là mất lái!).
3. Phanh khẩn cấp, không đơn giản như bạn nghĩ Trong một tình huống thử phanh ABS trên chiếc Q5 và A6 mới công bố. Ông Richard Sorensen – Giám đốc đào tạo Audi khu vực Đông Nam Á – đã có những thủ thụat về cách sử dụng phanh khẩn cấp rất hữu ích. Lấy một tình huống ví dụ như khi bạn đang chạy lên đỉnh dốc, ngay khi vượt qua cao điểm, bất chợt bạn phát hiện một chiếc xe tải đang đỗ bên vỉa hè. Với thói quen thông thường, người lái sẽ đạp ga và bị quán tính đẩy về phía trước – điều khiến lực phanh bị ảnh hưởng. Hơn thế nữa, ABS sẽ không hoạt động chính xác và hiệu quả nếu chân phanh không nhận được áp lực liên tục. Theo ông Sorensen, thay vì ngồi và đạp phanh theo cách thông thường, trong những tình huống khẩn cấp người dùng cần phải dồn toàn bộ trọng lượng bằng cách … đứng hẳn lên bàn phanh (tham khảo thêm clip) với phần mông nhấc hẳn lên khỏi ghế để tạo thành một đường thẳng. Như thế, bạn mới có thể đảm bảo lực phanh tối đa và ABS hoạt động hết khả năng. Nói cách khác, hãy đảm bảo đạp phanh thật mạnh hết mức, thậm chí hãy coi đó như “kẻ thù hay... mẹ vợ của bạn” – vị HLV của Audi hài hước.
4. Bí quyết sử dụng ABS Phần lớn mọi người đều hiểu nguyên tắc của ABS là giúp bánh xe giữ độ bám đường thông qua việc tránh hiện tượng khóa cứng (do người dùng hoảng hốt đạp chết phanh khi có tình huống khẩn cấp xảy ra) thông qua việc mô phỏng nhấp nhả liên tục hệ thống phanh – một kĩ năng mà chỉ những tay lái chuyên nghiệp trước kia mới có thể thực hiện do yêu cầu thần kinh và kĩ năng rất vững vàng khi xử lý tình huống. Tuy nhiên, ít người để ý rằng chức năng quan trọng nhất của ABS chính là việc nó giúp xe vẫn có thể điều khiển được khi có tình huống phanh khẩn cấp xảy ra – kể cả khi bạn đã phanh cứng chết, không nhả giữa chừng. Nói cách khác, trong hành trình phanh (có thể lên tới nhiều mét hoặc chục mét), bạn vẫn có thể điều chỉnh lái khá thoải mái để xe tránh chướng ngại vật thay vì hoàn toàn “sống chết mặc bay” như nhiều người trong tình huống hoảng hốt thường mắc phải. HLV của Audi cũng khuyến cáo rằng trong các tình huống cần phanh như vậy, người lái chỉ nên nhả phanh khi xe đã dừng hẳn vì nhiều lý do khác nhau nhưng trong đó quan trọng nhất là duy trì cho ABS vận hành tối đa khả năng.
5. Ngồi tránh để xương đùi đâm vào tim khi có va chạm Cũng trong buổi trải nghiệm, ông Sorensen chia sẻ một thông tin khá hữu ích đó là người ngồi lái thường có xu hướng duỗi thẳng chân – nhất là với xe số tự động. Điều này khá nguy hiểm nếu có va chạm mạnh xảy ra. Khi đầu xe bị ép, toàn bộ phần ngăn cách với khoang lái và táp lô cũng sẽ đẩy mạnh về phía người lái.Trong tình huống này, dù chấn thương là điều không tránh khỏi nhưng nếu xương ống đồng hoặc xương đùi bị ép lên và đâm vào phần ngực, tính mạng của người cầm lái sẽ rơi vào nguy hiểm. Chính vì thế, thay vì để ghế quá xa và tạo tư thế lái thẳng tuột, bạn nên mở đầu gối sang hai bên một chút để tránh rủi ro.