<h2>Từ ngày mai (1/6), gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ bắt đầu giải ngân vào bất động sản, trong đó doanh nghiệp địa ốc được phép tiếp cận tối đa 9.000 tỷ đồng. Nhưng tiếp cận được gói vay này, nói như một vị giám đốc công ty địa ốc, là “khó như thi hoa hậu”.</h2>
Các doanh nghiệp còn băn khoăn về khoảng cách từ chính sách đến thực tế của gói tín dụng mới. Ảnh: Đức Thanh
Khẳng định, gói vay 30.000 tỷ đồng là “quá tốt cho thị trường”, nhưng ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Lê Thành cũng bày tỏ băn khoăn rằng, từ chính sách đến thực tế bao giờ cũng có một khoảng cách khá xa, trong đó, lo ngại nhất là vấn đề thủ tục. “Liệu đối tượng mua nhà và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này có dễ dàng không?”, ông Nghĩa đặt vấn đề.
Lo ngại của ông Nghĩa là hoàn toàn có cơ sở khi thủ tục cho doanh nghiệp vay vốn của các ngân hàng có rất nhiều điều kiện. Đồng nghiệp của ông là giám đốc một doanh nghiệp có dự án nhà thu nhập thấp tại TP.HCM nói rằng, ngay cả những dự án nhà ở thương mại, nếu mới xây dựng xong phần móng, chưa xây dựng xong phần thô, thì cũng không được ngân hàng cho vay, nếu không có tài sản khác thế chấp.
Đồng quan điểm, ông Phan Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 cho rằng, các quy định về đối tượng, trình tự tiếp cận gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp tương đối rõ ràng. Những doanh nghiệp nào có hồ sơ “nét” sẽ dễ dàng được vay vốn, còn các dự án chuyển đối từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, để được vay vốn, sẽ phải qua nhiều thủ tục hơn.
“Vấn đề doanh nghiệp lo ngại nhất là làm thế nào lọt qua được cửa thẩm định của ngân hàng (vấn đề này thuộc về quy định của ngân hàng). Tiếp đến, các quy định về giải ngân khoản vay cũng là một cửa ải”, ông Sơn cho biết.
Còn TS. Trương Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân thì băn khoăn về định lượng của gói hỗ trợ, khi cho rằng, chỉ có 9.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp địa ốc là quá ít. “Cần nghiên cứu, bổ sung cung cấp gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho mỗi năm”, ông Tuấn đề xuất.
Ông Tuấn cho rằng, theo chính sách hiện nay, khách hàng mua, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2 đều được cho vay ưu đãi. Tuy nhiên, chỉ có chủ đầu tư nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại được chuyển công năng thành nhà ở xã hội mới được vay vốn ưu đãi. Do đó, cần bổ sung đối tượng là các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá rẻ, có diện tích nhỏ hơn 70 m2 với giá thành dưới 15 triệu đồng/m2 được vay vốn ưu đãi, với mức lãi suất không quá 8%/năm và chỉ định tất cả các ngân hàng trên toàn quốc tham gia chương trình này.
Theo nhiều doanh nghiệp, chính sách ưu đãi không nên trói buộc các điều kiện căn hộ rộng 70 m2 trở xuống và giá thành không quá 15 triệu đồng/m2, mà nên quy ra tổng giá trị của một sản phẩm khoảng 1 tỷ đồng. Các doanh nghiệp cũng đề xuất giảm lãi suất ưu đãi xuống khoảng 3%/năm cho cả doanh nghiệp và người dân…
Lo ngại của doanh nghiệp trong việc tiếp cận gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là điều dễ hiểu, bởi trong thực tế, đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp xây nhà ở xã hội được vay ưu đãi. Từ giữa năm 2012, Bộ Xây dựng và Ngân hàng BIDV đã ký thỏa thuận dành gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp xây nhà ở xã hội vay ưu đãi, nhưng chỉ có hơn 300 tỷ đồng được giải ngân, do điều kiện vay và tiếp cận gói hỗ trợ rất khắt khe.
Các doanh nghiệp đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn vay rõ ràng của gói tín dụng này và công khai để doanh nghiệp biết. Điều này góp phần tạo sự minh bạch, tránh xảy ra tiêu cực trong quá trình xét duyệt hồ sơ vay của doanh nghiệp.
Nguồn: vietstock.vn