Tập Lái
15/3/12
3
1
1
Tiết kiệm xăng: Đừng dại lắp thiết bị, dùng phụ gia
Tiết kiệm xăng: Đừng dại lắp thiết bị, dùng phụ gia
Hiện nay, có hai xu hướng tiết kiệm xăng phổ biến là gắn thêm thiết bị tiết kiệm chuyên dùng, thêm phụ gia vào xăng hoặc nhớt, và điều chỉnh thói quen lái xe. >> Quan niệm sai lầm về tiết kiệm nhiên liệu >> Một số mẹo tiết kiệm nhiên liệu >> Thiết bị tiết kiệm xăng: Lợi bất cập hại


Khi giá nhiên liệu tăng cao, thì mối quan tâm tới việc sử dụng xe máy, ô tô sao cho tiết kiệm nhiên liệu được nhiều người đặt lên hàng đầu. Hiện nay có hai xu hướng tiết kiệm xăng phổ biến là gắn thêm thiết bị tiết kiệm chuyên dùng, thêm phụ gia vào xăng hoặc nhớt và điều chỉnh thói quen lái xe.


Trước đây trên thị trường đã xuất hiện một số thiết bị tiết kiệm chuyên dùng gắn vào động cơ ô tô, xe máy với mục đích giúp tiết kiệm nhiên liệu. Nhưng do không khẳng định được hiệu quả của thiết bị này nên nhiều người sau khi sử dụng một thời gian đã từ bỏ.



Hiện nay, trên thị trường một số địa phương đã xuất hiện loại hàng hóa được quảng cáo là tiết kiệm 15-30% nhiên liệu khi sử dụng. Những viên tiết kiệm này được rao bán trên mạng và tại một số cây xăng với giá từ 24.000- 30.000 đồng/viên dùng để bỏ vào bình xăng. Một viên có thể dùng cho 30 lít xăng.



Tuy nhiên các cơ quan chức năng và các nhà khoa học đã lên tiếng về vấn đề này. Các nhà khoa học cũng nghi ngờ về hiệu quả của “viên tiết kiệm xăng” này. PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Phó Chủ tịch thường trực Hội ô tô và thiết bị động lực TP.HCM - trả lời báo chí rằng: Đúng là các chất phụ gia có thể giúp tiết kiệm nhiên liệu nhưng chỉ có tác dụng ở một số điều kiện nhất định.


Khi động cơ phát công suất lớn, môi trường nhiệt của động cơ cao, xăng được hâm nóng hơn, dễ bốc hơi hơn, cháy trọn vẹn hơn và do đó việc xúc tác trợ giúp xăng bốc hơi không còn cần thiết nên vai trò của phụ gia không còn mang lại tác dụng.



Một số nhà khoa học còn cho rằng nó không thể tiết kiệm tới 15%-30% nhiên liệu như quảng cáo mà có thì ở mức dưới 10%. Bên cạnh đó cũng có e ngại về các hoá chất trong “viên tiết kiệm xăng” khi hoà tan trong xăng sẽ theo xuống chế hoà khí, buồng đốt có thể bám vào bề mặt các chi tiết trong chế hoà khí, kim phun và buồng đốt dẫn đến gây hư hỏng, giảm tuổi thọ động cơ...



Theo các kỹ sư chế tạo máy, có một cách đơn giản mà giúp tiết kiệm xăng là thay đổi thói quen lái xe.



Trong chương trình “Hướng dẫn lái xe an toàn và thân thiện với môi trường” vừa được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia của Ford Việt Nam đã hướng dẫn cách lái xe an toàn, tiết kiệm nhiên liệu.



Lái xe phải biết cách lợi dụng đà quán tính của xe, tạo đà cho xe vận hành, tăng, giảm chân ga nhẹ nhàng và chuyển đổi số ở tốc độ vòng tua của động cơ trong khoảng 1.500 - 2.500 vòng/phút. Sử dụng đà của xe, bỏ chân ga sớm khi đến gần điểm cần dừng, đỗ, rẽ, tránh tránh tăng tốc và phanh gấp liên tục.



Tạo thói quen giữ đều chân ga, đảm bảo cho xe chạy tốc độ ổn định, không quá nhanh, không quá chậm nhằm dễ dàng kiểm soát tốc độ mà còn giúp xe “ăn” xăng ít hơn (thói quen này có thể giúp tiết kiệm 33% nhiên liệu khi lái xe trên đường trường, và 5% khi lái trong thành phố). Với điều kiện đường sá như ở Việt Nam, tốc độ lý tưởng nhất khi đi trên đường trường là 70-80km/h. Còn với đường đồi núi, áp dụng “mẹo” giữ đều chân ga và tận dụng đà quán tính khi xe đổ đèo, giúp xe không bị “đuối sức” khi lên dốc mà vẫn “ăn” xăng ở mức thấp nhất.



Không “phóng nhanh, phanh gấp”, bởi thói quen này không chỉ khiến xe “ăn” xăng nhiều hơn mà còn gây hỏng hóc, giảm tuổi thọ động cơ. Những cú phanh gấp, khiến hệ thống phanh, lốp xe phải hoạt động “quá sức” không chỉ làm xe “ăn” xăng hơn, giảm tuổi thọ động cơ. Luôn duy trì khoảng cách an toàn với những xe khác để bạn hạn chế tối đa những cú phanh gấp. Với mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn là 30m khi xe ở tốc độ 60 km/h, 50m khi đi ở tốc độ 80km/h, 70m ở tốc độ đến 100km/h và 90m cho tốc độ đến 120km/h.



Tăng tốc quá nhanh sau khi chờ đèn đỏ để xe vọt đi làm xe càng tốn xăng. Cần nhớ rằng càng nhấn sâu chân ga bao nhiêu, xe càng tốn xăng bấy nhiêu. Nếu muốn tiết kiệm, nên nhấn ga từ từ cho đến khi đạt được tốc độ cần thiết.



Nên tập thói quen tắt máy khi dừng đỗ xe trên 30 giây, bởi khi động cơ chạy không tải quá lâu sẽ lãng phí nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường. Lượng nhiên liệu tiêu thụ khi máy nổ không tải trong hơn 2 phút có thể giúp xe đi được thêm 1km với tốc độ 50 km/h.



Ngoài ra, nên chọn chỗ đỗ xe râm mát để giúp xe không “bốc hỏa”, tránh tiêu tốn nhiên liệu cho hệ thống điều hòa. Nên tắt điều hòa và mở cửa thông gió trong lúc trời không quá nóng để tiết kiệm xăng hơn. Tuy nhiên, khi đi trên 80 km/h thì không nên mở cửa sổ xe vì lúc này xe sẽ bị ù và chịu sức cản lớn hơn khiến xe tốn xăng hơn.



Thường xuyên kiểm tra áp suất lốp trước khi khởi hành để giúp tiết kiệm nhiên liệu và xe an toàn hơn, bởi áp suất của lốp xe thấp hơn 20% mức tiêu chuẩn sẽ làm tăng 10% lực cản và tăng 2% mức tiêu hao nhiên liệu. Hãy loại bỏ những vật dụng không cần thiết trên xe, bởi theo tính toán, nếu xe chở thêm 100 kg sẽ tiêu tốn thêm 0,5 lít xăng/100km...



Ngoài ra, cần có những lịch trình cụ thể cho mỗi chuyến đi để tránh tình trạng tắc đường, giúp tiết kiệm thời gian và tiền xăng hơn. Đồng thời, cần có chế độc chăm sóc, bảo dưỡng xe định kỳ, hợp lý để tăng tuổi thọ cho xe, giúp xe “khỏe” và “ăn” xăng ít hơn.



Theo tính toán, mức tiêu hao nhiên liệu trung bình của xe ô tô là 10 lít xăng/100 km; số km trung bình của mỗi chiếc xe là 12.000 km/năm (tương ứng với 1.200 lít xăng/năm). Nếu lái xe đúng cách có thể tiết kiệm được khoảng 15% - 20% nhiên liệu, tương đương hơn 5 triệu đồng/năm và với 4.000 người áp dụng phương pháp lái xe tiết kiệm nhiên liệu thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được khoảng 20 tỷ đồng.




Với xe máy thì cũng cùng các nguyên tắc trên. Nguyên tắc tiết kiệm xăng đầu tiên là chuyển động đều với vận tốc vừa phải và tận dụng lực quán tính. Với xe số, cố gắng chuyển động đều và dùng cách cắt côn (dùng mũi chân nhấn vào cần sang số và giữ nguyên), tắt khóa điện khi xe xuống dốc dài.



Ở thành phố, nên cắt côn thả trôi khi thấy đèn sắp đỏ và nếu đèn đỏ lâu thì tắt máy luôn. Ngoài ra để tiết kiệm xăng, nên đi với vận tốc vừa phải (khoảng 50-60 km/h), hạn chế sử dụng phanh, không phanh gấp, không tăng tốc gấp. Chuyển động từ vận tốc thấp phải về số thấp, tránh đi vào đường xóc. Ngoài ra, cũng cần chọn đường đi ngắn nhất, sử dụng xăng chuẩn và đúng yêu cầu của xe.



Người sử dụng xe nên thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra tình trạng xe định kỳ. Bơm hơi đủ. Cải thiện hệ thống bôi trơn của động cơ bằng cách sử dụng dầu nhớt phù hợp chủng loại xe và thay nhớt đúng định kỳ.Vì nếu hệ thống bôi trơn không đảm bảo, dẫn đến tình trạng nóng máy, tăng ma sát giữa píttông với lòng xilanh cũng sẽ gây hao xăng. Cần kiểm tra lại toàn bộ các thiết bị tiêu hao điện trên xe, kể cả bình ăc quy và thiết bị sạc (nạp)...



Khắc phục hoặc thay mới một số bộ phận bị hư cũ như bộ lá côn (li hợp), các linh kiện của hệ thống đánh lửa. Riêng bộ lá côn quá cũ, hỏng hay xuống cấp (bị chai) thì nên thay mới... Kiểm tra kim xăng xem có bị mòn hay không, kiểm tra khe hở xú páp. Vệ sinh lọc gió vì ở điều kiện nóng ẩm, bụi của Việt Nam thì hạn chế rất nhiều lượng gió hợp lý cho quá trình đốt cháy. Nếu làm được tất cả những điều trên thì tiết kiệm xăng thêm 25%.



Ngoài ra là nên sử dụng xe máy có dung tích xi lanh nhỏ dưới 100cc và xe phun xăng điện tử.
phu tung oto | noi that oto
 
Hạng D
19/10/09
4.951
16.531
113
Tel : 0949999684 .
- Em nghe mấy loại viên cho vào xăng này nhưng chưa thấy bao giờ.Kỹ thuận mà tiết kiệm đến hơn 10% thì thì thật là siêu.
 
Hạng D
21/6/09
1.809
80
48
TP Mai anh đào
Không mua viên tiết kiệm hoặc phụ gia là đã tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ để đổ xăng rồi.
 
Hạng B2
12/3/12
325
4
18
36
Mua những viên tiết kiệm đó xong chạy xe một thời gian rồi bán xe luôn
xecatang nói:
Không mua viên tiết kiệm hoặc phụ gia là đã tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ để đổ xăng rồi.
 
Tập Lái
13/3/12
12
0
0
Thử nghĩ xem, nếu bình thường ta ăn 5 bát 1 ngày, giờ bắt ăn 2 bát mà vác nặng như mọi ngày.... làm nổi không! ^^ Xăng cũng vậy thôi (Đây là trích dẫn 1 câu của 1 bác sửa xe góp ý cho mình đừng nên sử dụng bộ TK xăng)