Những khái niệm về xe ô tô như: thế hệ hoàn toàn mới, facelift/LCI, bản nâng cấp,… tưởng chừng như đơn giản, nhưng thực tế nó lại khá lạ lẫm với nhiều người. Bài viết dưới đây sẽ định nghĩa một cách ngắn gọn những khái niệm này dành cho các bác chưa biết.
Thế hệ mới
Mỗi hãng luôn có rất nhiều dòng xe ở các phân khúc khác nhau, trong đó một dòng xe được phát triển bằng nhiều thế hệ nối tiếp qua nhiều năm, hoặc có thể thay thế bằng một dòng xe mới (đổi tên gọi). Nên chúng ta tạm gọi sự thay đổi này bao gồm: thế hệ nối tiếp và dòng xe mới nhằm thay thế.
Về dòng xe mới thay thế, lấy ví dụ ở dòng xe MPV 7 chỗ Toyota Innova quen thuộc. Hiện tại dòng xe này đã trải qua 2 thế hệ, và cả hai thế hệ này của Innova đều được Toyota Việt Nam (TMV) phân phối tại thị trường Việt. Trước khi Toyota giới thiệu dòng xe Innova vào năm 2004, thế hệ “đàn anh” của Toyota Innova được biết đến với tên gọi Toyota Zace quen thuộc.
Toyota Zace - dòng xe nổi tiếng “bạn cùng thời” với Mitsubishi Jolie (sau này là Zinger)
Toyota Innova thế hệ thứ 1 (2004 – 2015)
Toyota Innova thế hệ thứ 2 (2015 – đến nay)
Lấy ví dụ ở một dòng xe khác như BMW 3 Series nổi tiếng, bản thân dòng 3 Series có mặt từ năm 1975 cho đến nay, hiện tại 3 Series đã trải qua 7 thế hệ nối tiếp bao gồm nhiều biến thể khác nhau gồm: sedan/coupe/convertible/station wagon hay Gran Turismo hay cho đến các phiên bản high performance (M3). Ở dòng BMW 3 Series, một thế hệ thường kéo dài trong khoảng thời gian từ 5 năm trở lên và thường chúng không quá 15 năm.
Trong đó, ở thế hệ thứ 5 (E90) 2004 – 2013, thế hệ thứ 6 (F30) 2011 – 2019 và thế hệ thứ 7 hiện nay (G20) ra đời từ năm 2019 – đến nay. Như một quy luật bất thành văn, khi một dòng xe bước sang một thế hệ hoàn toàn mới, nó sẽ được thay đổi toàn diện từ thiết kế nội/ngoại thất, khung gầm (giúp thay đổi về kích thước) cho đến động cơ, cũng như tăng mức độ an toàn để phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường, đồng thời đáp ứng quy định về khí thải & tiêu thụ nhiên liệu ngày một khắt khe ở nhiều thị trường khó tính.
Hai thế hệ BMW 3 Series. Thế hệ mới G20 (Xanh) và thế hệ cũ F30 (Đỏ)
Facelift
Facelift là một khái niệm dùng để chỉ phiên bản nâng cấp giữa đời của một dòng xe, có thể nói đây là phiên bản “níu kéo” thế hệ hiện tại trước khi nó bước sang thế hệ tiếp theo hoàn toàn mới.
Phiên bản nâng cấp facelift của các dòng xe đều là những phiên bản rất đáng mua vì nó luôn có nhiều những thay đổi, cập nhật đáng kể về thiết kế, nội thất hay thậm chí cả động cơ, và cũng như bổ sung các công nghệ mới về an toàn, tiện nghi và hỗ trợ lái. Sự cập nhật thay đổi này có thể ít, hoặc nhiều như là một thế hệ hoàn toàn mới tùy thuộc vào hãng xe & phân khúc xe đó đang cạnh tranh.
Dòng Mercedes-Benz C-Class (W205) Phải. Bản facelift (W205) Trái
Lấy ví dụ ở dòng xe sang Mercedes-Benz C-Class, hiện tại dòng xe này đã bước sang thế hệ thứ 4 (W205) ra đời từ năm 2014 – đến nay. Phiên bản nâng cấp facelift giữa đời thế hệ thứ 4 đã được giới thiệu tại thị trường Việt Nam vào 02/2019. Điều đáng lưu ý, mặc dù chỉ ở phiên bản nâng cấp facelift giữa đời nhưng thế hệ C-Class W205 facelift đã được thay đổi dường như là toàn diện khi có đến
6.500 chi tiết mới, bao gồm cả động cơ & hệ truyền động mới.
Cụ thể hơn, trên dòng C200/ C200 Exclusive facelift đã từng được tại Việt Nam (hiện tại C-Class tại VN đã bỏ động cơ mild-hybrid), ngoài kiểu dáng và công nghệ mới, động cơ cũng được cập nhật, nó không đơn thuần sử dụng tăng áp, mà thay vào đó nó chuyển sang sử dụng công nghệ mild-hybrid có tên gọi là EQ-Boost, và dung tích được giảm xuống từ 2.0L xuống 1.5L.
Đây là ví dụ cho thấy phiên bản facelift cũng có thể được thay đổi một cách toàn diện mang tính cách mạng, nhưng kiểu dáng tổng thể sẽ không thay đổi nhiều và mang tính đột phá một cách tách biệt như giữa các thế hệ.
Sự khác biệt về thiết kế giữa Mercedes-Benz S-Class (W222) đời đầu và phiên bản nâng cấp facelift mới nhất (Phải)
LCI?
LCI (Life Cycle Impulse) là một khái niệm có thể hiểu như là một phiên bản nâng cấp facelift
chỉ được hãng BMW dùng để gọi các phiên bản nâng cấp của hầu hết các dòng xe như: 3, 5 hay 7 Series. Tương tự như Mercedes-Benz hay nhiều hãng xe khác, phiên bản nâng cấp LCI của BMW thường được thay đổi cập nhật kiểu dáng thiết kế, nâng cấp về công nghệ cho một dòng xe trước khi chuyển sang một thế hệ hoàn toàn mới. Có thể hiểu rằng, đây chính là phiên bản nâng cấp facelift nhưng khác về tên gọi.
BMW 3 Series thế hệ cũ (F30); bản LCI ở phía trên.
Bản nâng cấp bổ sung công nghệ an toàn, tiện nghi và giải trí:
Khác với phiên bản nâng cấp facelift hay một thế hệ hoàn toàn mới, hiện nay có nhiều hãng xe thường nâng cấp sản phẩm tập trung vào trang bị để giúp nó hấp dẫn hơn với người dùng, đồng thời tăng tính cạnh tranh với các đối thủ.
Lấy ví dụ ở dòng xe bán tải Ford Ranger Wildtrak quen thuộc, trước đó phiên bản nâng cấp facelift giữa đời đã ra mắt được thay đổi khá nhiều về mặt thiết kế, đặc biệt là động cơ dầu chuyển từ 5cyl (I5) dung tích 3.2L tăng áp đơn cũ, chuyển sang dùng động cơ 4cly (I4) 2.0L tăng áp kép (biturbo) + hốp số tự động 10 cấp (10 AT). Trong khi đó phiên bản cập nhật mới (hình thứ 3 bên dưới) được giữ nguyên toàn bộ động cơ và hệ truyền động, chỉ có thay đổi một số chi tiết như: đèn, mâm và cập nhật hệ thống giải trí.
Ford Ranger Wildtrak 3.2L
Ford Ranger Wildtrak 2.0L biturbo
Ford Ranger Wildtrak 2.0L biturbo. Bản nâng cấp vừa bán ra tại Việt Nam
Mitsubishi Triton:
Mitsubishi Triton cũ (trước facelift)
Mitsubishi Triton facelift
Mitsubishi Triton facelift nhưng có thêm nâng cấp về công nghệ
Hy vọng bài viết giúp ít cho các bác chưa biết rõ về các khái niệm: facelift/LCI, thế hệ mới, bản nâng cấp trên xe ô tô!