Xe điện là phương tiện vẫn còn mới mẻ với khách hàng Việt. Do đó, những khái niệm về đầu sạc, chuẩn sạc thậm chí còn xa lạ hơn nữa. Vì vậy, một số kiến thức về hệ thống chuẩn đầu sạc và sạc pin trên xe điện sẽ giúp các bác đỡ bỡ ngỡ hơn về loại phương tiện này.
Xe điện pin (BEV) mới trở thành xu hướng tiêu dùng trong vòng 5 năm trở lại đây. Nhưng lịch sử phát triển của loại phương tiện này thì lâu hơn thế nhiều, hơn cả 100 năm. Chiếc xe điện pin đầu tiên trên thế giới xuất hiện từ năm 1859, nhưng khái niệm
ô tô điện lần đầu được gọi tên từ năm 1884. Hãng xe điện hàng đầu thế giới hiện nay Tesla Motor đã được thành lập từ năm 2003, nhưng đến năm 2008 mới mới ra mắt mẫu xe điện đầu tiên của họ là chiếc Roadster. Năm 2010, hai hãng xe Nhật Bản là Nissan và Mitsubishi tung ra mẫu xe điện đầu tiên của mình là Leaf và i-MiEV.
Lịch sử kéo dài và nổi lên từ những hãng xe/cá nhân đơn lẻ khiến cho loại phương tiện này có nhiều chuẩn thiết kế khác nhau. Đến năm 2012 thì Hiệp hội kỹ sư ôtô Mỹ (SAE) mới đưa ra chuẩn sạc để ngăn chặn sự hỗn loạn của ngành sản xuất đầy tiềm năng này. Dù đã được tinh gọn lại, đến nay trên toàn cầu vẫn tồn tại nhiều chuẩn sạc và cấp độ sạc khác nhau khiến người tiêu dùng “đau đầu”.
Chuẩn đầu sạc CHAdeMO trên xe điện Nissan Leaf
Em xin chia sẻ một số khái niệm về hệ thống sạc pin trên xe điện – vốn là hệ thống quan trọng hàng đầu mà người dùng thường xuyên tiếp xúc khi dùng xe điện pin:
1. Các cấp độ sạc xe điện
Hiện tại, ôtô điện có 3 cấp độ (level) sạc, được phân loại dựa trên tốc độ sạc chậm, trung bình và nhanh. Tùy cấp độ sạc, hãng sản xuất và thị trường mà xe điện sử dụng chuẩn kết nối khác nhau.
Sạc Level 1 (120 Volts):
Tại Mỹ, đây là cấp sạc cơ bản, sử dụng điện sinh hoạt trong các hộ gia đình. Ưu điểm là bất kỳ nguồn điện nào có sẵn cũng có thể dùng để sạc pin cho xe. Khuyết điểm là sạc Level 1 rất chậm.
Cấp độ sạc 1 chủ yếu xuất hiện ở các quốc gia và khu vực sử dụng điện áp 110-120 V như Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ hay Nhật Bản.
Sạc Level 2 (240 Volts):
Sạc cấp độ 2 sẽ giúp xe nạp năng lượng nhanh hơn nhiều so với Level 1. Hình thức sạc này cần có trạm sạc – xuất hiện phổ biến tại các điểm sạc công cộng ở tòa nhà văn phòng, chung cư và bãi đỗ xe. Nếu tại Mỹ, khách hàng sẽ phải đầu tư thêm tiền để nâng bộ sạc lên level 2 để dùng ở nhà.
Về cơ bản, ở châu Âu và hầu hết các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đều sử dụng điện áp trên 200 V (220-240 V) nên Level 2 sẽ là cấp độ sạc cơ bản.
Sạc Level 3 (480 Volts)
Sạc cấp độ 3 là loại sạc nhanh, sử dụng điện một chiều (DC) điện áp cao thay vì điện xoay chiều (AC). Cấp độ sạc Level 3 này thường chỉ có ở các trạm sạc nhanh được các công ty điện hoặc hãng xe xây dựng.
Việc sạc nhanh cũng đòi hỏi chuẩn cáp sạc riêng (đầu cắm sạc), nên loại sạc nhanh này phân hóa ra nhiều chuẩn sạc.
2. Các chuẩn đầu cắm sạc xe điện
Trước đây, thị trường xe điện có khá nhiều chuẩn sạc. Tuy nhiên, khi đã phát triển có định hướng, xe điện chỉ còn các chuẩn sạc cơ bản sau:
Các chuẩn đầu cắm sạc điện này chia theo các tiêu chí:
- Thị trường (Mỹ, Nhật, Châu Âu, Trung Quốc),
- Loại sạc (Sạc chậm bằng điện xoay chiều AC hoặc sạc nhanh bằng điện 1 chiều DC)
- Riêng Tesla cũng được chia 1 hạng mục riêng
Theo thị trường:
- Mỹ sử dụng đầu sạc chuẩn J1772 (Type1) và sạc nhanh CCS 1
- Nhật sử dụng đầu sạc chuẩn J1772 (Type1) và sạc nhanh CHAdeMO
- Châu Âu và nhiều nước sử dụng chuẩn đầu sạc Mennekes (Type 2) và sạc nhanh CCS2
- Trung Quốc - nơi có thị trường xe điện lớn nhất thế giới lại sử dụng chuẩn đầu sạc GB/T
- Tesla sử dụng đầu sạc riêng dành cho kiểu sạc chậm lẫn sạc nhanh
Như vậy, với tốc độ sạc chậm và trung bình (cấp độ sạc 1 và 2), phần lớn ôtô điện sử dụng chung chuẩn kết nối sạc, phụ thuộc theo từng khu vực và quốc gia. Tuy nhiên, khi muốn nâng cấp tốc độ sạc lên Level 3 (sạc nhanh), người dùng cần lựa chọn mẫu xe có chuẩn kết nối tương ứng với hệ thống trạm sạc phổ biến ở nơi họ sống nhất.
Bản đồ hệ thống sạc tiêu chuẩn được sử dụng trên toàn cầu
Đầu sạc điện theo thứ tự: CHAdeMO, CCS 1, Type 2
Ổ sạc CCS 1 và CCS 2
Đó là lý do mà các hãng xe Nhật Bản như Nissan, Mitsubishi, Toyota hay Subaru trang bị chuẩn kết nối CHAdeMO trên các dòng ôtô điện.
Còn các hãng châu Âu và Mỹ như Mercedes-Benz, Volkswagen, Audi, Porsche, BMW, Ford và General Motors thì sử dụng sạc có chuẩn kết nối CCS (Combined Charging System).
Các hãng xe Trung Quốc như BAIC, Chery, Geely, Dongfeng hay SAIC sử dụng chuẩn kết nối GB/T.
Trạm sạc nhanh và đầu sạc Type 2 của Porsche Taycan tại Việt Nam
Ổ sạc GB/T nhanh và chậm ở các xe Trung Quốc
Ổ sạc CCS 2 trên Hyundai Kona EV
Dù vậy, vì muốn tối đa hóa lợi nhuận và thuận tiện kinh doanh, các hãng xe buộc phải linh hoạt trong việc phát triển xe và hỗ trợ các đầu nối sạc để phù hợp với từng thị trường.
Ví dụ như Tesla muốn bán xe tại châu Âu cũng đã phải chuyển từ đầu cắm độc quyền của hộ sang đầu cắm Type 2 cho Model 3. Hãng cũng bán đầu adapter thích trạm sạc CHAdeMO cho khách hàng có nhu cầu.
Ổ sạc tương thích đầu sạc Tesla tại châu Âu (trái) và Mỹ (phải)
Đầu cắm chuẩn Tesla tương thích trạm sạc CHAdeMO (CHAdeMO Adapter)
3. Xe điện VinFast sử dụng chuẩn đầu cắm sạc gì?
VinFast hiện chưa đưa ra nhiều thông tin về các điểm sạc hay chuẩn đầu cắm sạc. Tuy nhiên, có một số thông tin quan trọng đã được tiết lộ
- Đối với cổng điện xoay chiều AC, VinFast dùng Type 2 (tương tự các dòng xe châu Âu như Skoda, Renault, Porsche, Mercedes-Benz, Volkswagen, Audi, BMW...)
- Các trạm sạc nhanh mà VinFast đang xây dựng đều sử dụng chuẩn sạc CCS 2 (đây là chuẩn sạc được nhiều hãng và thị trường quốc tế công nhận, được dùng trên các hãng châu Âu và Mỹ như Mercedes-Benz, Volkswagen, Audi, Porsche, BMW, Hyundai, Ford, General Motors...).
- Theo thông tin trên trạm sạc này, hệ thống dây điện được cung cấp bởi nhà sản xuất MIDA hiện đang cung cấp cho nhiều thương hiệu tên tuổi như: Nissan, Volkswagen, Tesla, Porsche, Honda, Ford, Toyota,…
Đầu sạc tại một trạm sạc xe điện VinFast
Trong năm 2021, VinFast dự kiến sẽ triển khai 2.100 trạm sạc trên toàn quốc. Khoảng cách giữa các trạm sạc trong nội thành thành phố là 2km, khoảng cách giữa các trạm sạc trên Quốc lộ, cao tốc là 60-80km.
Các trạm sạc này sẽ được đặt tại các khu vực như bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trung tâm thương mại, chung cư, văn phòng, cao tốc...
Theo thông tin từ VinFast, các trạm sạc xe điện sẽ được vận hành, thu phí hoàn toàn tự động thông qua app của VinFast. Hiện vẫn chưa rõ người dùng có thể thanh toán tiền mặt tại các trạm này hay không.
Ngoài ra, hãng xe Việt cũng chưa xác nhận là các mẫu xe điện khác có thể sử dụng chung hệ thống trạm sạc nhanh của VinFast hay không. Bởi tại thị trường Mỹ, hệ thống sạc nhanh của Tesla đòi hỏi mẫu xe sạc phải xác nhận ID mới được cấp quyền sạc.
Thông tin trên một trạm sạc VinFast đang xây dựng
Mô hình các trạm sạc VinFast
Có nhiều chuẩn sạc hiện nay, các bác nghĩ loại sạc nào sẽ là "chuẩn toàn cầu" trong tương lai? Liệu VinFast chọnType2 và CCS 2 có hợp lý không?