Hệ thống cân bằng điện tử ESP (Electronic Stability Program) là trang bị an toàn phổ biến trên xe ô tô hiện nay. Hệ thống này giữ cho xe luôn hoạt động một cách ổn định và an toàn khi giảm các rủi ro xảy ra tai nạn đáng tiếc. Hãy cùng tìm hiểu công dụng và hiệu quả của hệ thống cân bằng điện tử.
Cân bằng điện tử ESP là gì?
Hệ thống cân bằng điện tử ESP (Electronic Stability Program) còn được biết đến với một số tên gọi khác, tùy hãng mà hệ thống này sẽ có tên gọi và thuật ngữ khác nhau như Mazda sử dụng từ viết tắt DSC (Dynamic Stability Control), Honda sử dụng VSA (Vehicle Stability Assist), trong khi Porsche sử dụng PSM (Porsche Stability Control) …
Hệ thống cân bằng điện tử ESP có tác dụng gì?
Công dụng chính của
hệ thống cân bằng điện tử ESP là giúp ổn định thân xe, kiểm soát cân bằng động điện tử, cải thiện và tăng cường ổn định cho xe.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống cân bằng điện tử ESP
Hệ thống này hoạt động dựa vào các tín hiệu được gửi từ các cảm biến chính như cảm biến tốc độ ở bánh xe (Wheel Speed Sensor), cảm biến góc lái (Steering Angle Sensor) và cảm biến góc xoay thân xe (Yaw Rate Sensor)...
Tất cả dữ liệu được gửi đến
bộ điều khiển cân bằng điện tử (ESP Module) để tính toán và sẵn sàng can thiệp bằng hệ thống Phanh lên các bánh xe một cách riêng lẻ để lấy lại sự cân bằng cho xe.
Cấu tạo Hệ thống cân bằng điện tử ESP
Hệ thống Phanh đó bao gồm hệ thống Chống bó cứng phanh (ABS) và Phân bổ lực phanh điện tử (EBD) và cả hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS). Chính vì thế, xe có hệ thống cân bằng điện tử ESP thì luôn có các hệ thống Chống bó cứng phanh (ABS) và Phân bổ lực phanh điện tử (EBD) hoạt động như một cơ cấu chấp hành.
Hệ thống ESP hoạt động kết hợp với phanh (ABS) và hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS)
Thậm chí, hệ thống cân bằng điện tử ESP ngày nay còn tác động lên cả mô men xoắn động cơ, bằng cách can thiệp vào độ mở của bướm ga. Bộ điều khiển cân bằng điện tử sẽ giảm mô-men xoắn của động cơ để chống lại hiện tượng trượt bánh do công suất gây ra. Nhờ đó giúp giảm mô men xoắn từ động cơ truyền xuống bánh xe nhằm hỗ trợ hệ thống phanh hoạt động một cách hiệu quả. Hệ thống cân bằng điện tử ESP hoạt động một cách nhanh chóng để đưa xe trở lại trạng thái đang trong tầm kiểm soát của người lái.
Cân bằng điện tử có cần thiết? Hiệu quả an toàn của ESP
Hệ thống cân bằng điện tử ESP giúp thiểu giảm nguy cơ xe bị mất lái trong những tình huống người lái phải đánh lái gấp để tránh chướng ngại vật, khi xe vào cua bị thừa lái hay còn gọi là văng đuôi (Oversteer) và thiếu lái hay còn gọi là văng đầu (Understeer).
Thậm chí, hệ thống cân bằng điện tử ESP còn giảm nguy cơ xe bị lật do mất sự cân bằng, nhất là ở những dòng xe SUV hay bán tải có trọng tâm cao.
Dòng xe SUV Toyota Fortuner thế hệ cũ hay bị lật vì trọng tâm cao và nguyên nhân chính là không có hệ thống cân bằng điện tử ESP
ESP là trang bị rất quan trọng trong một chiếc xe hơi. Trong nghiên cứu năm 2019 do Bloomberg Philanthropies thực hiện cho thấy rằng trong tất cả các tính năng an toàn của xe, hệ thống cân bằng điện tử ESP là yếu tố quan trọng nhất trong việc tránh nguy cơ tai nạn, vì nó làm giảm 38% số ca tử vong trong các vụ va chạm do xe bị mất kiểm soát.
Nhận biết xe có Cân bằng điện tử
Ngày nay, hệ thống cân bằng điện tử ESP là một trang bị phổ biến trên hầu hết cả dòng xe đang bán trên thị trường, trừ các mẫu xe thuộc phân khúc xe giá rẻ như xe sedan và hatchback hạng A và hạng B.
Để nhận biết xe có được trang bị hệ thống cân bằng điện tử ESP hay không khi mua xe mới, người mua nên tham khảo bảng thông số kỹ thuật của xe trước khi quyết định mua xe. Chọn xe có hệ thống cân bằng điện sẽ giúp người lái yên tâm hơn khi lái xe trên đường.
Khoang lái xe cũng thể hiện mẫu xe đó có được trang bị hệ thống cân bằng điện tử ESP hay không. Khi mới tiếp cận một mẫu xe mới, để biết được mẫu xe đó có được trang bị hệ thống cân bằng điện tử ESP hay không. Người lái nên tìm kiếm các nút bật/tắt ESP (ESP ON/OFF).
Các nút bật tắt ESP thường được bố trí ở phía bên dưới trân trái người lái gần táp-pi cửa xe (tại vị trí chỉnh đèn pha hay nút bật/tắt cảm biến hỗ trợ đỗ xe). Ngoài ra, để biết được xe có hệ thống cân bằng điện tử ESP hay không, người lái nên quan sát bảng đồng hồ táp lô, tìm đèn đèn cảnh báo ESP.
Khi lái xe, có những tình huống đèn ESP sẽ sáng lên (rất nhanh và tắt) để báo hiệu cho người lái xe đã đến một giới hạn mà hệ thống cân bằng điện tử phải xử lý. Khi xe được kiểm soát thì đèn báo sẽ tắt.
Đèn ESP sẽ sáng liên tục để cho người lái biết rằng hệ thống đang không hoạt động, đèn sáng liên tục khi người lái đã tắt nó hoặc do hệ thống bị lỗi (thông thường là do cảm biến bị lỗi có thể gây ra sự cố với hệ thống ESP). Lái xe thông thường nếu tắt ESP và khi hệ thống này bị lỗi sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là khi vận hành xe ở điều kiện trời mưa, đường trơn trượt độ bám đường thấp.
Cách bật tắt cân bằng điện tử và nên bật và tắt cân bằng điện tử khi nào?
Hệ thống cân bằng điện tử ESP cho phép người lái có thể bật/tắt dễ dàng thông qua một nút bấm trên bảng táp-lô. Người lái nên tắt ESP khi đi trên những con đường có bề mặt trơn trượt như đường bùn, đường cát. Khi bánh xe bị sa lầy, người lái cần mô-men xoắn để vượt đường trơn trượt, việc tắt ESP sẽ giúp bánh xe bị sa lầy không bị phanh và đồng tốc với các bánh còn lại.
Vì hệ thống cân bằng điện tử ESP được thiết kế để luôn hoạt động, nó không thể phân biệt được đâu là bề mặt đường trơn trượt người lái cần nhiều mô-men xoắn để thoát lầy và hiện tượng bị trượt thông thường.
Thậm chí là trong những tình huống như chạy trong trường đua, người lái muốn tăng tốc nhanh, muốn nắm quyền làm chủ chiếc xe và họ có đủ kiến thức vận hành và xử lý mà không cần đến sự can thiệp của Hệ thống cân bằng điện tử ESP hay hệ thống kiểm soát độ bám đường.
Ở các mẫu xe cao cấp, xe có chế độ lái (Drive Mode) cho các mặt đường khác nhau. Về cơ bản, các chế độ lái đó đã được thiết lập để điều chỉnh kiểm soát độ bám đường cho các tình huống này.
Có thể độ thêm hệ thống cân bằng điện tử ESP cho những xe chưa có không?
Hệ thống cân bằng điện tử ESP sử dụng ECU tự động điều khiển, nhận diện khả năng mất cân bằng của xe để đưa ra phương án can thiệp. Do đó, chúng ta không thể tự nâng cấp.
>>> Xem thêm