Tập Lái
5/11/21
13
0
1
31
iims-vnm.com
Ngày 01/10/2018, giải Nobel Y học được trao cho hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) nhờ tìm ra liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế chốt kiểm soát miễn dịch, còn gọi là liệu pháp miễn dịch. Đây là lần đầu tiên nghiên cứu về liệu pháp điều trị ung thư giành giải Nobel. Dưới đây là thông tin sơ lược cũng như tham khảo về chi phí điều trị miễn dịch trong ung thư tại Việt Nam.

1. Tìm hiểu về các loại thuốc miễn dịch trong điều trị ung thư

Hệ miễn dịch được xem như một hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh cho cơ thể, chống lại các tác nhân ngoại lai như virus hoặc vi sinh vật. Trong bệnh lý ung thư, hệ miễn dịch cũng có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm, tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên, nhiều tế bào ung thư có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch, ngày càng phát triển và có thể di căn đến bất kì cơ quan nào trong cơ thể. Điều trị miễn dịch là phương thức kích thích hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh để có thể chống lại tế bào ung thư.

Một trong những phương thức điều trị miễn dịch là dùng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công các tế bào ung thư. Theo bác sĩ Phạm Tuấn Anh, phó trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K, liệu pháp này được dùng cho giai đoạn di căn và mức độ biểu hiện của thể PD-L1 trên khối u càng cao thì khả năng đạt đáp ứng với liệu pháp miễn dịch càng cao.

Liệu pháp này có thể được tiến hành kết hợp với các phương pháp điều trị truyền thống khác như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích để tăng cường hơn nữa hiệu quả diệt tế bào ung thư.

Tính đến năm 2018, các thuốc ức chế chốt kiểm miễn dịch Nivolumab (Opdivo), Ipilimumab (Yervoy), Pemprolizumab (Keytruda), Atezolimumab (Tacentriq), Durvalumab đã được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt trong điều trị một số bệnh ung thư như ung thư hắc tố, ung thư phổi, ung thư biểu mô đường niệu, ung thư dạ dày, u lympho, ung thư gan, v.v. Mỗi loại thuốc có chỉ định không hoàn toàn giống nhau về loại ung thư và giai đoạn bệnh có thể điều trị.

Ở bệnh viện K, thuốc được xem có hiệu quả ưu việt đối với bệnh nhân ung thư phổi và đang được mở rộng nghiên cứu với các loại bệnh khác.

2. Sự ra đời của phương thức điều trị miễn dịch

Năm 1990, giáo sư James Patrick Allison (Mỹ) tìm ra một loại protein hoạt động như “bộ phanh” hay còn gọi là chốt kiểm soát (checkpoint) trong hệ miễn dịch. Ông chứng minh rằng việc “nhả phanh” giúp giải phóng các tế bào miễn dịch chống lại ung thư, từ đó đem đến kết quả tích cực trong điều trị ung thư ở chuột.

Đến năm 1992, giáo sư Tasuku Honjo tìm ra chốt kiểm soát thứ hai. Liệu pháp miễn dịch dựa trên nghiên cứu của ông cũng hữu ích trong việc đẩy lùi ung thư.

Tại Việt Nam, Pemprolizumab là thuốc miễn dịch mới được cấp phép sử dụng trong thực hành lâm sàng điều trị ung thư từ cuối năm 2017 và đang được sử dụng ở một số bệnh viện, tuy nhiên chi phí cho một chu kì điều trị lớn.

Các thuốc Atezolizumab, Durvalumab, Tremelimumab đã được cấp phép trong nghiên cứu lâm sàng. Một số bệnh viện lớn ở Việt Nam phối hợp với các công ty dược phẩm và trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới đang tiến hành nghiên cứu các thuốc điều trị miễn dịch trên giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

3. Điều trị ung thư bằng thuốc miễn dịch hết bao nhiêu tiền?

Chi phí điều trị bằng thuốc miễn dịch hiện nay chưa được bảo hiểm y tế chi trả nên người bệnh phải thanh toán 100%. Tại thời điểm năm 2018, giá mỗi lọ thuốc khoảng hơn 62 triệu đồng. Mỗi lần bệnh nhân sử dụng 2 lọ thuốc, phác đồ dùng thuốc 3 tuần 1 lần và kéo dài 1-2 năm hoặc hơn tùy thuộc vào mức độ đáp ứng thuốc của bệnh nhân.

Như vậy, trung bình mỗi lần dùng thuốc miễn dịch chi phí hơn 100 triệu đồng, chưa kể nhiều chi phí khác như xét nghiệm v.v. Nhiều tình huống lâm sàng bệnh nhân phải phối hợp thuốc miễn dịch với hóa trị và xạ trị để tăng hiệu quả.

chi phi dieu tri mien dich trong ung thu


KEYTRUDA

Ngày 3/5/2021, Bộ Y tế ra Quyết định số 2084/QĐ-BYT về việc Phê duyệt Chương trình hỗ trợ thuốc Keytruda (Pembrolizumab) miễn phí 1 phần không thuộc khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho người bệnh ung thư do Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 thực hiện.

Sau 1 chu kỳ điều trị thuốc Keytruda tự chi trả, người bệnh được hỗ trợ miễn phí 1 chu kỳ thuốc Keytruda (gọi tắt là Chương trình 1 + 1).

Chương trình được quản lý, điều phối bởi Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng và được áp dụng thực hiện tại 23 cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm: BV K, BV Chợ Rẫy, BV Bạch Mai, BV Phổi Trung ương, BV Trung ương Quân đội 108, BV Ung bướu Hà Nội, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, BV Việt Đức, BV Hữu Nghị, BV Ung bướu Đà Nẵng, BV Ung bướu TP.Hồ Chí Minh, BV Quân y 175, BV Thống Nhất, BV Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, BV Nhân dân 115, BV Bình Dân, BV Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, BV Đại học Y Hà Nội, BV Quân Y 103, BV 19/8 Bộ Công an, BV Ung bướu TP.Cần Thơ, BV Nhân dân Gia Định, BV Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Thời gian tiếp nhận người bệnh tham gia là từ ngày ký hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 và cơ sở KCB đến hết ngày 31/12/2022; sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2023 hoặc khi có thuốc cùng hoạt chất và dạng bào chế với thuốc Keytruda tại Việt Nam.

Chú ý: Thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Ngoài Keytruda, còn có nhiều loại thuốc khác. Giá và các chương trình khuyến mãi sẽ được cập nhật. Bạn đọc cần được tham vấn ý kiến chuyên môn từ bác sĩ tại các cơ sở y tế tiếp nhận điều trị để biết thêm chi tiết.

4. Một số lưu ý về điều trị miễn dịch

Theo bác sĩ Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, liệu pháp miễn dịch có thể giúp kéo dài thêm thời gian sống cho bệnh nhân ung thư hoặc giúp tình trạng bệnh ở trạng thái ổn định lâu dài. “Nói cách khác là thuốc miễn dịch làm chậm sự tiến triển của bệnh ung thư”, bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ. Liệu pháp này cũng có một số tác dụng phụ, giống như các bệnh tự miễn do kích hoạt bạch cầu hoạt động quá mức gây viêm não, viêm tuyến giáp, viêm phổi, viêm da, mạch máu, v.v. Tuy nhiên, những tác dụng phụ này tương đối ít gặp và cũng không khó để hạn chế hoặc xử trí bởi các bác sĩ.

Phương thức điều trị miễn dịch này đã được áp dụng tại viện K và một số cơ sở chuyên khoa ung thư trên cả nước trong những năm gần đây. Mặc dù, triển vọng về hiệu quả của phương pháp điều trị là rất lớn, tuy nhiên không phải người bệnh nào cũng có chỉ định điều trị phương thức này.

Cùng một loại ung thư nhưng không phải bệnh nào cũng có chỉ định mà tùy thuộc chủ yếu vào giai đoạn và đặc điểm khối u. Thông thường thuốc được dùng cho giai đoạn di căn và mức độ biểu hiện của thụ thể PD-L1 trên khối u càng cao thì khả năng đạt đáp ứng với liệu pháp miễn dịch này càng cao. Hiện tại, bệnh viện K đã điều trị cho một số bệnh nhân và cần thời gian theo dõi thêm đủ dài để tổng kết, đánh giá hiệu quả. Cũng cần phải khẳng định thêm đây không phải là phương thức chữa khỏi ung thư giai đoạn di căn mà chỉ tiêu diệt phần nào và ức chế, kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Nhờ đó, người bệnh có thể kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, trong điều trị ung thư, tuyệt đại đa số các trường hợp để điều trị hiệu quả cần phối hợp đa mô thức, toàn diện, không một phương thức đơn lẻ nào có thể mang lại thành công.




Nguồn:

Bệnh viện K

VNExpress