(PLO) - “Dự kiến ngày 8-2, toàn bộ 54km chiều dài tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được đưa vào sử dụng vào đầu tháng 2-2015”.
Ông Phạm Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), khẳng định chiều 7-1.
Tuyến cao tốc Long Thành bắt đầu từ nút giao Vành đai 2 (quận 9, TP.HCM) kéo dài đến ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 20.630 tỉ đồng. Hiện một đoạn dài khoảng 20km của tuyến cao tốc từ TP.HCM đến quốc lộ 51 (huyện Long Thành, Đồng Nai) đã được khai thác khoảng một năm qua, tải khoảng 5 triệu lượt ô tô các loại.
Theo ông Quang, việc đưa toàn tuyến cao tốc vào khai thác sẽ tạo nhiều tiện lợi, an toàn cho người dân đi lại giữa TP.HCM với Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Lạt (Lâm Đồng), Phan Thiết (Bình Thuận)… do rút ngắn khoảng cách, giảm thời gian đi lại và đặc biệt không gặp phải kẹt xe.
“Ngoài ra, nút giao ngã ba Dầu Giây được xây dựng thành nút giao khác mức, tình trạng giao cắt giữa các dòng xe trên các tuyến đường không còn xảy ra nên kẹt xe ở điểm nóng này sẽ được tháo dỡ khi toàn dự án hoàn thành” - ông Quang nói.
Sơ đồ hướng dẫn từ tuyến cao tốc Long Thành đi về Phan Thiết hoặc Đà Lạt tại Dầu Giây)
Cũng theo ông Quang, khi đưa vào khai thác, VEC cũng tổ chức thu phí ở đoạn mới này với mức thu tương đương ở đoạn đang khai thác (2.000 đồng/km đối với ô tô con). Như vậy, nếu một ô tô con chạy suốt tuyến cao tốc này thì mức phí phải trả là gần 110.000 đồng/xe, là khá cao so với tuyến cao tốc Trung Lương.
“Trước khi thông toàn tuyến, từ ngày 10-1, VEC sẽ đưa vào khai thác đoạn nối từ nút giao An Phú (quận 2) đến tuyến cao tốc dài khoảng 4km, trong đó có khoảng 500m đầu sẽ cho các loại xe gắn máy lưu thông” , ông Quang nói thêm.
Đoạn nối từ nút giao An Phú vào cao tốc thông xe, mở ra lối vào tiện lợi cho người dân để tiếp cận vào tuyến cao tốc Long Thành)
Trong khi đó, ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ theo dõi tình hình lưu thông ở đoạn đường nối vào tuyến cao tốc này. Nếu tình hình giao thông ở khu vực ổn định, trật tự thì có nhiều khả năng sẽ cho xe gắn máy đi hết đoạn nối và xuống ở nút giao vành đai 2 (quận 9), thay vì chỉ cho phép lưu thông một đoạn ngắn 500m.
“Đoạn nối này gồm bốn làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp với tốc độ 80 km/giờ khi thông xe sẽ tạo thuận lợi cho người dân quận 2, quận 9, Bình Thạnh… tiếp cận vào tuyến cao tốc. Ngoài ra, do dòng xe không phải vào vòng xoay Mỹ Thủy (để lên cao tốc) nên giao thông trên tuyến đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, thậm chí Nguyễn Duy Trinh sẽ dễ thở hơn”, ông Phúc thông tin.
Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu thêm một hướng lưu thông tại nút giao An Phú này
Hướng vào cao tốc và Nguyễn Thị Định từ xa lộ Hà Nội
Từ hầm Thủ Thiêm
Từ đường Nguyễn Thị Định
Ngược lại từ cao tốc đi ra khỏi nút giao An Phú
Phối cảnh tuyến cao tốc cùng các nút giao và một số hướng dẫn lưu thông
Sơ đồ lưu thông tại nút giao quốc lộ 51, theo hướng từ TP.HCM đi ra