“Rối như tơ vò” với lệnh cấm nhập điện thoại, máy tính bảng cũ
(Dân trí) - Ít ngày sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông ra quy định cấm nhập khẩu các thiết bị điện tử như điện thoại, máy in, máy tính bảng..., đơn vị kinh doanh cho biết đang “rối như tơ vò”, còn người tiêu dùng cũng có nhiều ý kiến về lệnh cấm.
>> Cấm nhập khẩu điện thoại, máy tính bảng cũ từ ngày 1/9
Doanh nghiệp kêu... trời!
Theo công bố danh mục các sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu vào Việt Nam từ ngày 1/9 tới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, máy in, máy ảnh, cổ cứng, đĩa mềm, vi xử lý, micro, loa, camera truyền hình, camera kỹ thuật số…
Ghi nhận của PV Dân trí, sau ít ngày hàng loạt sản phẩm công nghệ thông tin bị cấm nhập, nhiều đơn vị kinh doanh tỏ ra bức xúc khi cho rằng quy định không hợp lí trong bối cảnh của thị trường Việt Nam hiện nay.
Anh Học - chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại trên phố Kim Mã (Hà Nội) cho biết: “Cửa hàng tôi không lớn lắm nhưng luôn đón nhận nhiều nhu cầu mua hàng của khách. Ở Việt Nam, phân khúc thị trường hàng cũ giá tốt vẫn đang được nhiều người ưa chuộng. Thực tế, nhiều khách thích hàng mới, nhưng không ít người vẫn lựa chọn hàng cũ nhập khẩu vì nó tốt và bền, nhờ đó mặt hàng cũ đem về doanh thu cao cho cửa hàng mỗi tháng. Bây giờ có quy định cấm nên chúng tôi rất khó để cân bằng hệ thống sản phẩm và tìm ra định hướng kinh doanh mới, đây là vấn đề đang khiến chúng tôi đau đầu nhiều ngày nay”.
Click this bar to view the full image.
Điện thoại cũ là một trong số các sản phẩm bị cấm nhập khẩu từ 1/9
(ảnh minh họa)
Trong khi đó, nhiều đơn vị nhập khẩu cũng lao đao vì công việc làm ăn kinh doanh bị đình trệ do lệnh cấm bán ra, thậm chí họ cho biết đã bị thiệt hại lớn do đơn hàng đã đặt không thể hủy bỏ.
Chị Bích - phụ trách thương mại công ty I.N.C, công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm và linh kiện máy móc văn phòng, nói: “Công ty tôi thường nhập máy in, máy tính từ Nhật và Hàn Quốc, theo hợp đồng làm ăn lâu nay thì để đảm bảo tiến độ bàn giao chúng tôi luôn phải đặt đơn hàng và thanh toán trước với đối tác bên đó cho nửa năm, tuy nhiên với quy định cấm từ 1/9 tới đây thì chúng tôi đã bị thiệt hại quá nhiều”.
Cũng theo chị Bích, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định cấm, các đối tác phân phối trong nước cũng đang “nhả” dần hợp đồng để bảo toàn tài chính, điều này cũng không khó hiểu trong bối cảnh thị trường hiện nay.
“Nhà nước cấm thì lấy hàng rồi cũng không bán được, vì thế việc xử lý hàng đã nhập về kho cũng là cả vấn đề lớn của công ty chúng tôi, khó khăn chồng chất khó khăn.” - chị Bích chia sẻ.
Lạt mềm buộc chặt?
Trên thực tế, việc cấm nhập các sản phẩm công nghệ thông tin cũ nhằm mục đích để người dân và toàn xã hội được sử dụng các sản phẩm mới đảm bảo tiên tiến về mặt công nghệ, thân thiện về môi trường và không muốn đất nước ta trở thành bãi rác thải. Tuy nhiên, ở góc độ tiêu dùng, nhiều người ủng hộ quy định cấm nhưng cũng có những người cho rằng không nên cứng nhắc hóa mà cần có sự linh hoạt nhất định.
Bác Trung (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Theo tôi cấm là đúng, nếu không cấm thì chỉ 5 năm nữa Việt Nam sẽ là “bãi rác thải” khổng lồ về sản phẩm công nghệ. Tôi nghĩ, nhiều công ty Việt Nam có thể sản xuất mới được những mặt hàng tương tự hàng nhập khẩu, chỉ có điều lâu nay họ chưa có đất để dụng võ vì bị “chiếm” thị trường mà thôi. Cấm là cách tốt để hàng Việt Nam phát triển và người dân tìm dùng hàng Việt nhiều hơn”.
Trong khi đó, anh Minh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) - một người tiêu dùng có chút am hiểu về công nghệ lại cho rằng: “Chúng ta phải thừa nhận mặt bằng công nghệ ở Việt Nam chưa cao, và thua kém khá xa so với nước ngoài. Trong khi chúng ta đang mạnh ở công nghệ lắp ráp thì những linh kiện dù là cũ nhưng vẫn tốt được nhập về vẫn sẽ giúp nhiều doanh nghiệp bù đắp những cái thiếu của mình.
Với quy định cấm vừa ban ra, tôi ủng hộ nhưng tôi nghĩ cũng không nên quá cứng nhắc mà nên cấm nhập ồ ạt, chúng ta nên cấn dần dần thì mọi việc sẽ tốt hơn, vì đối với thị trường Việt Nam thì không có gì là giới kinh doanh không thể làm, có người cột thì sẽ có người nới ra mà thôi. Hoặc cứ cấm và siết chặt, nhưng tôi chắc chắn rằng khi đó trên thị trường những sản phẩm cũ những vẫn rất tốt của Nhật, của Đức hay Mỹ sẽ được thay thế bằng hàng loạt sản phẩm mới của Trung Quốc. Vì vậy, có thể cấm nhưng cấm từ từ sẽ giúp người tiêu dùng thay đổi dần tư duy mua bán trong hoàn cảnh nhất định, lạt mềm thì buộc chặt mà”.
Cũng bởi những sản phẩm bị cấm là những mặt hàng công nghệ thiết thực với đời sống hiện nay nên nhiều người có nhu cầu sử dụng, việc ra quy định cấm triệt để cũng làm không ít người tiêu dùng có năng lực tài chính không lớn tỏ ra bối rối.
Hải - sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội bày tỏ: “Nhu cầu sử dụng hàng cũ của người tiêu dùng Việt Nam vẫn rất lớn nên không thể nói cấm là cấm ngay được. Với một người tiêu dùng là sinh viên như em thì thực sự không đủ tiền để mua những sản phẩm mới tinh có giá hàng chục triệu, trăm triệu như máy camera kỹ thuật số, máy ảnh để phục vụ cho việc học tập được. Nếu cấm như vậy thì cũng coi như cấm em sử dụng, cấm em học nghề luôn”.
Như vậy, quy định cấm nhập khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin cũ đã được Bộ chức năng chốt từ 1/9/2012, nhưng từ nay tới lúc đó vẫn còn thời gian để người ta “vẽ” ra những “viễn cảnh” khác nhau trên thị trường này. “Lệnh cấm” có phát huy tác dụng hay không? Mọi thứ sẽ như thế nào và liệu còn gì thay đổi nữa? Những câu hỏi này sẽ được trả lời sau ngày 1/9.
Quỳnh Anh
Em có post sai vị trí , nhờ mod khu vựa move dùm .
VN nghèo nhưng k chịu mình nghèo, có tính việt kiều...