Tại thời điểm công bố lộ trình gia nhập AFTA với các mức thuế nhập khẩu ô tô giảm theo từng năm, người tiêu dùng Việt Nam đã vô cùng háo hức và mong đợi vào một tương lai mua xe giá rẻ. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, giá xe tại thị trường Việt Nam vẫn không giảm nhiều trong khi việc tiếp cận xe nhập lại gặp nhiều khó khăn hơn.[pagebreak][/pagebreak]
Hãy cùng điểm lại những mốc lộ trình giảm thuế theo AFTA với các số liệu nhập khẩu xe cụ thể trong thời gian qua.
Lượng xe nhập khẩu lên xuống cùng AFTA
Cụ thể, theo lộ trình gia nhập AFTA được Bộ Công thương đưa ra bàn luận, trong năm 2014, mức thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm còn 50%, năm 2015 còn 35%, năm 2016 còn 20%, năm 2017 là 10% và 2018 chỉ còn 0%.
Số liệu nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại vào Việt Nam trong giai đoạn 2011-2017 và quý I/2018
Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2011-2017 nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ ô tô nguyên chiếc các loại của Việt Nam ngày càng tăng cao và đạt đỉnh điểm trong các năm 2015 và năm 2016 với bình quân gần 120 nghìn chiếc/năm. Sự cởi trói về mức thuế nhập khẩu (chỉ còn 35-20%) khiến cho nhu cầu mua xe tăng mạnh.
Tuy nhiên, năm 2017 giảm, nhập khẩu của cả nước đạt hơn 97 nghìn chiếc, giảm 13,6% so với một năm trước đó. Trong đó, hoạt động nhập khẩu xe giảm mạnh không chỉ bởi nhu cầu mua xe giảm từ phía người dân mà doanh nghiệp cũng có động thái cầm chừng cùng chờ ưu đãi thuế. Thời điểm nhạy cảm này nổ ra nhiều tranh cãi và biện luận về việc “liệu xe sẽ giảm hay sẽ tăng theo cách khác”.
Bước sang Quý I/2018, mặc dù thuế suất nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi có xuất xứ từ các nước ASEAN được điều chỉnh về 0% từ ngày 01/01/2018 nhưng do tác động của Nghị định 116/2017/NĐ-CP nên lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2018 giảm mạnh so với cùng thời gian năm 2017. Quý I/2018 chỉ có lượng xe nhập khẩu bằng 4% so với cả năm 2017 và bằng 17% so với 1 quý của năm 2017.
Tính riêng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống: Lượng nhập khẩu vào Việt Nam của xe ô tô loại này giai đoạn 2011-2017 bình quân đạt hơn 33 nghìn chiếc/năm. Trong năm 2015, đánh dấu cột mốc nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi đạt mức kỷ lục trong cả giai đoạn với 51,4 nghìn chiếc. Trong năm 2016, cả nước nhập khẩu giảm xuống còn 50,6 nghìn chiếc. Bước sang năm 2017, nhập khẩu lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi tiếp tục giảm còn 38,8 nghìn chiếc. Trong quý đầu tiên của 2018, chỉ có 3,1 nghìn chiếc nhập khẩu về Việt Nam.
Tỷ trọng nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi, ô tô trên 9 chỗ ngồi, ô tô tải và ô tô loại khác trong giai đoạn 2011-2017
Tỷ lệ xe nhập giữa ô tô tải và ô tô dưới 9 chỗ ngồi
Ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam trong những năm qua chủ yếu là ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi và ô tô tải. Tính bình quân giai đoạn 2011-2017, tỷ trọng nhập khẩu hai loại xe ô tô này chiếm tới 86% trong tổng lượng ô tô nguyên chiếc các loại; còn lại 14% là ô tô chuyên dụng và ô tô trên 9 chỗ ngồi.
Trong đó, chỉ có thời điểm năm 2013 là lượng ô tô tải nhập khẩu vào cao hơn, các năm còn lại, ô tô dưới 9 chỗ ngồi đều chiếm tỷ trọng lớn hơn. Từ khoảng giữa năm 2016 thì tỷ trọng nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có chiều hướng giảm dần, bên cạnh đó nhập khẩu xe ô tô tải lại có xu hướng tăng cao. Kết quả là năm 2017, tỷ trọng nhập khẩu xe tải đã vượt hẳn và chiếm ngôi vị trí đầu.
Ấn Độ dẫn đầu về số lượng xe xuất vào Việt Nam
Những năm đầu giai đoạn 2011-2017, nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là xe có xuất xứ từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản. Bước sang năm cuối giai đoạn, trong năm 2017 nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi từ Inđônêxia tăng cao đột biến.
Do tác động của AFTA, trong quý I/2018, nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với hơn 2,9 nghìn chiếc, chiếm tỷ trọng hơn 95%.
Một số xuất xứ của xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống vào Việt Nam trong giai đoạn 2011-2017
Giá xe nhập năm sau luôn cao hơn năm trước
Dù hoạt động nhập khẩu trồi sụt bất thường theo từng năm nhưng giá trị nhập khẩu của xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi lại có xu hướng tăng, đặc biệt là từ năm 2015 đến 2017.
Nếu như khoảng thời gian từ 2011 đến 2015, giá bán trung bình của mỗi xe dao động từ 12.178 đến 10.410 USD. Thì năm 2016, giá xe tăng lên 14.101 USD và năm 2017 thì giá tăng đột biến lên 18.487 USD. Cá biệt nếu tính riêng quý I năm 2018, con số này tăng lên 22 ngàn USD cho mỗi chiếc xe về Việt Nam.
Diễn biến lượng và đơn giá nhập khẩu xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống trong giai đoạn 2011-2017
Việc giá trị xe nhập khẩu dưới 9 chỗ ngồi về Việt Nam tăng mạnh trong thời gian gần đây không chỉ phản ánh một nền kinh tế tăng trưởng nơi người dân có thu nhập cao hơn nhu cầu mua xe “xịn” hơn mà còn phản ánh xu hướng nhập khẩu xe. Trong đó, nếu mua xe giá rẻ, người tiêu dùng sẽ ưu tiên các thương hiệu lắp ráp trong nước như Thaco Kia Mazda và Hyundai Thành Công. Còn khi mua các xe có giá trị cao hoặc xe sang thì người dùng sẽ lựa chọn các dòng xe nhập chính hãng từ Honda, Toyota, Ford, Audi, Lexus...