Vừa đọc em này trên vnexpress, mời các cụ tham khảo
Bảo hiểm ôtô sẽ giúp bạn giảm bớt phần trách nhiệm phải bồi thường cho người bị nạn và yên tâm khi điều khiển chiếc xe của mình tham gia giao thông.
Hiện tại, có 4 hình thức gồm: bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hàng hóa vận chuyển trên xe; bảo hiểm thiệt hại vật chất xe cơ giới; bảo hiểm người ngồi trên xe và tai nạn lái phụ xe.
Ngoại trừ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nhân sự của chủ xe cơ giới, tùy theo nhu cầu của mình, bạn có thể lựa chọn sản phẩm bảo hiểm tự nguyện phù hợp. Tuy nhiên theo tư vấn từ các chuyên gia bảo hiểm của Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), bạn nên lưu ý các vấn đề sau khi mua bảo hiểm:
- Nên xem xét nhu cầu bảo hiểm của cá nhân một cách kỹ lưỡng, không nên lựa chọn theo hướng tiết kiệm chi phí, nên cân nhắc cho phù hợp với khả năng tài chính của mình.
- Khi lựa chọn sản phẩm bảo hiểm bạn cũng nên cân nhắc điều kiện sử dụng xe để có thể lựa chọn các điều khoản bảo hiểm phù hợp. Ví dụ: bạn có thể chọn mua bảo hiểm toàn bộ xe hay thân vỏ xe, có thể mở rộng thêm các điều khoản như: Chủ xe có quyền chọn nơi sửa chữa; thay thế phụ tùng mới không tính khấu hao; bảo hiểm thủy kích; mất cắp bộ phận…
- Bạn nên mua bảo hiểm từ một doanh nghiệp bảo hiểm uy tín trên thị trường để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt khi có yêu cầu bồi thường.
- Để đảm bảo quyền lợi, bạn cũng nên yêu cầu nhân viên bảo hiểm tư vấn tất cả các hình thức, điều kiện bảo hiểm và các quyền lợi liên quan. Điều này sẽ giúp bạn lường trước và tránh được các rủi ro có thể xảy ra.
Khi tham gia giao thông, bạn đừng quên phải luôn mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm cũng như các giấy tờ xe. Đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện các thủ tục đòi bồi thường khi xe gặp sự cố, tai nạn.
Trong quá trình sử dụng xe, bạn cần tuân thủ ở mức cao nhất các quy định về an toàn giao thông đường bộ, để tránh bị phạt hành chính và tai nạn đáng tiếc khi tham gia giao thông.
Khi không may xảy ra tai nạn, điều đầu tiên bạn cần làm là mở ngay giấy chứng nhận bảo hiểm của xe và đọc những lưu ý quan trọng được ghi trên đó và làm theo hướng dẫn. Gọi ngay tới đường dây nóng của công ty bảo hiểm để yêu cầu giám định hiện trường và được hướng dẫn giải quyết. Điều tối kỵ là bạn không nên tự ý thay đổi hiện trường hoặc tự sửa chữa xe vì điều này có thể sẽ làm khó cho bạn khi đòi công ty bảo hiểm bồi thường. Một nguyên tắc nữa bạn cần nhớ là mọi sự trao đổi, thống nhất với công ty bảo hiểm phải được ghi lại bằng văn bản, tránh các tranh cãi, khiếu kiện sau này.
Tham khảo thủ tục tiếp nhận và xử lý bồi thường Bảo hiểm xe cơ giới của Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV
Các việc cần làm ngay khi xảy ra tai nạn:
- Khi có tai nạn bạn cần thông báo ngay bằng điện thoại hoặc bằng fax cho BIC theo số điện thoại, số fax ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm; Thông báo cho cơ quan công an lập biên bản hiện trường (trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của công ty này).
- Thống nhất với công ty bảo hiểm trong việc đưa ra và áp dụng các biện pháp hạn chế, khắc phục tổn thất tạm thời (trong trường hợp cần thiết).
- Có trách nhiệm tự bảo quản tài sản, tránh tổn thất phát sinh.
- BIC sẽ không công nhận trách nhiệm, không đồng ý báo giá sửa chữa và không được thỏa thuận đền bù cho người khác khi chưa có sự đồng ý của công ty.
- Hoàn chỉnh và gửi bộ hồ sơ khiếu nại cho BIC (tham khảo danh mục bộ hồ sơ khiếu nại ).
Sau khi nhận được thông báo tổn thất (qua điện thoại hoặc fax), BIC sẽ cử ngay giám định của mình hoặc uỷ quyền giám sát cho một công ty giám định độc lập xuống hiện trường để phối hợp với người được bảo hiểm để cùng giải quyết khiếu nại. Công ty này sẽ xem xét hồ sơ đòi bồi thường, thông báo ngay cho người được bảo hiểm trong vòng 30 ngày nếu không thuộc phạm vi bảo hiểm.
Đồng thời, công ty bảo hiểm này cũng sẽ tiến hành sửa chữa hoặc gửi thông báo nhận tiền bồi thường cho người được bảo hiểm để uỷ quyền cho người được bảo hiểm tự sửa chữa theo số tiền trong thông báo nhận tiền bồi thường.
BIC cũng cam kết thanh toán tiền bồi thường bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ bồi thường;
(Nguồn: Tổng công ty Bảo hiểm BIDV)