Tính đến ngày 20.5, sau 5 ngày ra quân tổng kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, lực lượng CSGT của Cục CSGT và địa phương đã xử lý khoảng 65.000 trường hợp vi phạm an toàn trật tự giao thông, thu về hơn 47 tỉ đồng. Số tiền này lực lượng CSGT được giữ lại bao nhiêu và dùng vào việc gì?
Cụ thể sau gần 1 một tuần ra quân, ngày 20.5 là ngày có số tiền phạt thu được cao nhất với 13,444 tỉ đồng sau lực lượng CSGT đường bộ của Cục và địa phương đã kiểm tra, xử lý 13.200 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Các ngày còn lại số tiền cũng dao động khoảng 10 tỉ đồng tiền phạt.
Riêng về xử lý vi phạm nồng độ cồn, đã phát hiện 3.392 trường hợp. Trong số các lỗi vi phạm, chủ yếu là không mang đủ giấy tờ, trong đó có đăng ký xe, giấy phép lái xe và đặc biệt là các loại bảo hiểm bắt buộc.
Về số tiền nộp phạt, hồi đầu năm 2020, có thông tin cho rằng lượng công an được giữ lại 70% tiền phạt vi phạm hành chính căn cứ theo Thông tư 89/2007. Đây là thông tư được Bộ Tài Chính ban hành hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa.
Sau đó Bộ Tài chính đã lên tiếng, cho biết năm 2007, để khắc phục tình trạng tai nạn giao thông có chiều hướng tăng cao, hỗ trợ các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là mua sắm trang bị, phương tiện đã ban hành thông tư nói trên.
Tuy nhiên, đến ngày 6.12.2013, Thông tư 89/2007 nêu trên đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư số 153/2013 của Bộ Tài chính. Trong thông tư thay thế, tại khoản 5 Điều 4 có nêu: “Tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào Ngân sách Nhà nước...”.
Bộ Tài chính khẳng định theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và Thông tư 153/2013 thì tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông phải nộp toàn bộ vào Ngân sách Nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về Ngân sách.
Trao đổi với Lao Động ông Võ Thành Hưng – Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng hiện nay tiền nộp phạt trong vi phạm giao thông đã cân đối 100% vào ngân sách nhà nước. Các trường hợp vi phạm giao thông đều ra Kho bạc Nhà nước để nộp phạt.
Theo đó, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương. Vấn đề này do Quốc hội quyết định.
Còn lại 30% cho Bộ Công an để thực hiện chi cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các cơ quan trực thuộc. Thực hiện mua sắm tập trung một số phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cần bảo đảm thống nhất, đồng bộ phục vụ công tác của lực lượng cảnh sát giao thông. Hỗ trợ cho các lực lượng trực tiếp xử phạt, đồng thời cũng hỗ trợ lại cho một số địa phương khó khăn mà có mức phạt thấp nhưng đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn.
Theo người lao động