Em xin phép tiếp tục kể ra 5 dòng xe có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới do tờ AutoEvolution tổng hợp. Trong này có những cái tên rất quen thuộc mà em đoán các bác đều đã nghe qua.[pagebreak][/pagebreak]
>>
Top 10 dòng xe lâu đời nhất từ trước đến nay (phần 1)
6. Toyota Land Cruiser (sản xuất từ năm 1951)
Dù tin hay không, chiếc Toyota Land Cruiser mà các bác vẫn thấy có nguồn gốc từ mẫu xe quân sự Bantam MK II do quân đội Hoàng gia Nhật chế tạo từ năm 1941. Sau khoảng thời gian chiến tranh, quân đội nước này đã nhờ Toyota tạo ra những chiếc xe có khả năng tương tự. Kết quả là chiếc Toyota AK10 ra đời.
Toyota Land Cruiser chính thức sản xuất số lượng lớn từ năm 1951 với tên gọi Toyota "Jeep" BJ. Và mẫu “jeep” mang logo Toyota này cũng có khả năng vượt mọi địa hình với các thông số kỹ thuật y chang mẫu xe được làm bởi Willys-Overland.
Ba năm sau, giám đốc kỹ thuật của Toyota-Hanji Umehara đã lấy cảm hứng từ Land Rover để cho ra đời cái tên Land Cruiser (ông bảo là vì không muốn tỏ vẻ “lép vế” so với đối thủ nên chọn tên này). Nhưng dù thay đổi tên, không có nhiều thay đổi ở xe so với thiết kế cũ. Nên có thể nói, nếu không có chiếc Jeep và Land Rover, có lẽ chúng ta cũng không có chiếc Toyota Land Cruiser trên đời.
7. Chevrolet Corvette (sản xuất từ năm 1953)
Dù nhiều người yêu thích Viper, nhưng biên tập viên của
Autoevolution lại nhận định “chiếc Corvette mới xứng đáng với danh hiệu siêu xe Mỹ hơn”. Với 650 mã lực và mô-men xoắn cực lớn, chiếc Corvette Z06 là “1 con quái thú” khó kìm giữ.
Dù vậy, thế hệ thứ 7 của Corvette lại không có tí tương đồng nào với “cụ tổ” C1 của nó. Thế hệ đầu tiên của Corvette mang tên C1 đã được trình làng tại triển lãm New York Auto Show 1953. Nó không gì khác hơn 1 chiếc xe mui trần với động cơ 6 xi lanh thẳng hàng, dẫn động cầu sau đơn giản. Đến model năm 1955 thì dòng xe này mới sở hữu động cơ V8, dung tích 4.3 L.
8. Mercedes-Benz SL-Class (sản xuất từ năm 1954)
Khi được giới thiệu, chiếc Mercedes-Benz 300 SL (mã hiệu W198) là chiếc xe giữ nhiều kỷ lục đầu tiên. Nó sở hữu cặp cửa mở cánh chim đặc trưng, nên còn được gọi với biệt danh thân thuộc là Gullwing. Nó cũng là chiếc xe nhanh nhất thời điểm đó với tốc độ có thể đạt đến 260 km/h.
Bên dưới vẻ ngoài vừa thể thao vừa lịch lãm này là động cơ M198 3.0 L phun xăng trực tiếp. Và người ta nói, nếu không có động cơ M198 này thì cũng không có chiếc 300 SL (W198) ra đời. Thêm 1 chi tiết thú vị nữa, chiếc xe này chính là phiên bản đường phố của mẫu W194 nổi tiếng của Mercedes từng chiến thắng giải đua 24 Hours of Le Mans.
9. Mini (sản xuất từ năm 1959)
Có thể Citroen là hãng xe khiến cho hệ dẫn động cầu trước trở nên phổ biến, nhưng Mini mới là hãng hoàn thiện nó. Dù là 1 mẫu xe đô thị nhưng Mini cũng rất nổi tiếng với cảm giác lái tốt.
Tuy nhiên, điểm đặc sắc ở Mini từ lúc nó mới ra mắt cho đến nay chính là thiết kế nhỏ gọn và tiết kiệm không gian của nó. Thiết kế mang tính cách mạng của Mini tạo ra bởi Sir Alec Issigonis (1906–1988), và được coi như một tầm nhìn chiến lược trong giao thông vận tải công nghiệp lúc bấy giờ.
Ban đầu, người ta dự định sản xuất Mini như một chiếc xe giá cả phải chăng để đáp ứng cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Nhưng sau khi lọt vào tay BMW, Mini đã biến thành 1 thương hiệu hạng sang như ngày nay.
10. Ford Falcon (sản xuất từ năm 1960)
Có thể bạn chưa biết, chiếc Ford Mustang 1964 được xây dựng dựa trên khung gầm của dòng Ford Falcon.
Vào cuối thập niên 50, chiếc Holden ra đời vào chiếm hết thị phần của Ford bởi chiếc Zephyr không làm người dân Úc yêu thích cho lắm. Điều này khiến cho hãng xe Oval xanh phải tìm cách tạo ra 1 mẫu xe có khả năng cạnh tranh với dòng Holden của General Motors. Kết quả của nỗ lực này chính là chiếc Falcon.
Theo AutoEvolution