Những chuyến du lịch đường dài bằng ô tô không thể thiếu trong mùa này. Sau "những công nghệ hiện đại phù hợp cho các chuyến du lịch", em xin chia sẻ một số đồ dùng/ dụng cụ không thể thiếu cho các chuyến đi xa.[pagebreak][/pagebreak]
Một số người cho rằng đi du lịch chỉ cần mang theo tiền là đủ. Điều này cũng có phần đúng, tuy nhiên khi xe gặp trục trặc giữa các con đường vắng vẻ và ở nơi sóng điện thoại yếu thì chúng ta mới thấy quý những đồ dùng bị cho là "lỉnh kỉnh, phí tiền" này.
Đồng hồ đo áp suất lốp/ máy bơm mini
Chúng ta không thể biết được tình trạng của lốp, áp suất lốp như thế nào chỉ bằng mắt thường. Nếu như chiếc xe không được lắp đặt hệ thống cảnh báo cảm biến áp suất lốp thì nên chuẩn bị sẵn một đồng hồ đo áp suất lốp và thường xuyên kiểm tra áp suất lốp. Sẽ tốt hơn nữa nếu trong xe có sẵn máy bơm điện mini để có thể điều chỉnh độ căng/ mềm của lốp cho phù hợp với từng đoạn đường.
Bộ kích bình
Hết ắc quy là một trong những lý do khiến tài xế phải chịu cảnh nhìn xe đứng “chết” bên vệ đường. Nếu may mắn thì các bác có thể nhờ kích bình từ những xe đang đi trên đường. Nhưng nếu đoạn đường quá vắng vẻ và các xe khác đều bận rộn thì một bộ kích bình cầm tay sẽ hỗ trợ các bác. Bộ này hiện đang bán rất nhiều ở các cửa hàng online và offline. Nó vừa nhỏ gọn vừa có thể kích điện cho xe hơi và sử dụng để làm một nguồn điện dự trữ tiện lợi.
Biển báo hiệu nguy hiểm/ Tam giác phản quang
Theo luật, người điều khiển xe có thể bị phạt tiền 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng nếu đỗ xe trên đường cao tốc; khi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm theo quy định. Do đó, việc trang bị một biển báo tam giác phản quang là vô cùng cần thiết.
Nó không chỉ giúp chúng ta đúng luật mà còn cảnh báo cho các xe sau chủ động tránh và giữ an toàn trong lúc ta đang sửa chữa xe mình. Một biển báo đúng là một biển báo đủ lớn và và cách đuôi xe khoảng 20-50m đồng thời nháy đèn cảnh báo trên xe.
Bộ sơ cấp cứu
Bộ dụng cụ này nên luôn luôn có mặt trên xe, kể cả khi các bác chỉ chạy vòng vòng trong thành phố. Sơ cứu nhanh và đúng cách sẽ giúp cho những vết thương mau lành và tránh nhiểm trùng. Những thứ được xem như đồ sơ cứu thiết yếu trên xe hơi gồm: bông, băng, gạc tiệt trùng, thuốc bôi diệt khuẩn, ống tiêm và túi đựng đồ không thấm nước.
Bộ đồ nghề
Đây cũng là sản phẩm nên có mặt thường xuyên xe. Một thợ máy lành nghề sẽ không thể làm gì nếu như không có dụng cụ cần thiết. Không bắt buộc phải mua những bộ đồ nghề lớn và cồng kềnh. Các bác có thể nhờ các shop tư vấn bộ dụng cụ nhỏ gọn và dễ tùy chỉnh để trang bị trên xe.
Bạt phủ
Một bạt phủ đa dụng sẽ làm được rất nhiều việc trong chuyến đi. Nó có thể làm bạt che nắng, bạt lót ngồi khi cắm trại và cũng có thể trở thành dụng cụ báo hiệu trên đường. Nên đem theo các bạt lớn, dày, chống nước và có màu sắc nổi bật (1 bên) để có thể tận dụng nó ở nhiều trường hợp hơn.
Lốp/ cầu chì/ đèn dự phòng
Trước khi đi xa, ngoài việc kiểm tra tổng thể các bộ phận trên xe, chúng ta còn nên kiểm tra luôn lốp dự phòng và mua thêm một số chi tiết “phòng hờ” khi cần thiết như: vài cái cầu chì, bóng đèn thay thế,… Những dụng cụ trên đều mang những kích thước khá nhỏ nên không phải lo sẽ bị chiếm diện tích trên xe.
Giấy tờ/ tiền mặt
Kể cả khi trong thẻ có rất nhiều tiền, nhưng các bác vẫn nên thủ sẵn một số tiền mặt khi đi đường. Ngoài ra giấy tờ là một thứ không thể thiếu trên chiếc xe. Chúng nên được sắp xếp gọn gàng và cất trong hộc đựng găng.
Khác
Ngoài ra nếu là người kỹ tính, các bác còn có thể trang bị thêm dây thừng kéo xe loại tốt phòng trường hợp tai nạn. Một cuộn băng keo cường lực có thể kết dính mọi thứ, ngoài phục vụ cho việc cắm trại còn có thể dùng để... dán các bộ phận trên xe nếu như xe gặp tai nạn nhẹ và bodykit bị tuột.
Nếu đi theo nhóm, nên trang bị thêm bộ đàm để có thể giữ liên lạc với các xe khác. Thức ăn và nước uống nên có sẵn trên xe và được "tiếp thêm" thường xuyên trong suốt hành trình.
Tổng hợp