Chiếc xe concept ngộ nghĩnh 3 bánh hoàn toàn chạy điện i-Road triển lãm ở Geneva đầu năm nay đã được hãng Toyota cho biết sẽ được sản xuất sử dụng cho hệ thống giao thông công cộng tại Nhật Bản.
[pagebreak]
Công bố này được Toyota đưa ra tại cuộc Triển lãm Công nghệ tiên tiến (Combined Exhibition of Advanced Technologies, CEATEC) diễn ra ở Tokyo vào tuần trước. Tuy nhiên Toyota không có kế hoạch bán i-Road trên thị trường, mà chỉ sản xuất cho hệ thống giao thông công cộng chia sẻ "Ha:mo" ("harmonious mobility").
Harmonious Mobility Network
i-Road chỉ nặng 300 kg, chở được 2 người, pin lithium-ion và động cơ điện đủ lớn để chạy được 50 km sau mỗi lần sạc đầy với tốc độ tối đa 45 km/h. Kích thước nhỏ gọn, dài 2,35 mét, rộng 0,85 mét, cao 1,445 mét, chiều dài cơ sở 1,7 mét. Xe có thể linh hoạt sử dụng trong thành phố với đường kính quay đầu tối thiểu chỉ 3 mét.
Khái niệm xe "Chia sẻ" đã xuất hiện khá lâu ở châu Âu (từ 1948) với các tên gọi CityCar-Club, Car-sharing, Autosharing hay Carsharing. Đây là hình thức giao thông công cộng mới nhất bên cạnh các hình thức truyền thống như xe bus, tàu điện ngầm, taxi. Carsharing tương tự như Taxi, nhưng người thuê phải tự lái. Kể từ khi công nghệ thông tin phát triển, thẻ điện tử ra đời, việc quản lý và sử dụng Carsharing trở nên dễ dàng và thuận tiện nên hệ thống Carsharing phát triển rất nhanh.
Để sử dụng Carsharing, khách hàng cần phải đăng ký thành viên, đóng tiền mở tài khoản và được cấp thẻ điện tử (tương tự như thẻ tín dụng). Thẻ này sẽ dùng làm chìa khóa mở cửa xe và khởi động xe. Tiền thuê xe được tính theo giờ trừ dần vào thẻ. Khi đổ xăng (nếu là xe chạy xăng) hay sạc điện chi phí sẽ được cộng vào tài khoản của thẻ. Khi cần xe, thành viên có thể tìm xe trống bằng phần mềm sử dụng trên smartphone.
Ba đại gia xe Đức đều tổ chức hệ thống Carsharing ở châu Âu và Mỹ, Daimler gọi là "Car2go", VW đặt tên "Quicar" và BMW là "DriveNow". Vào năm 2012 đã có 1,7 triệu thành viên Carsharing ở 27 quốc gia. Theo dự báo, năm 2013 doanh thu của Carsharing trên toàn cầu là 1 tỷ USD, đến năm 2020 sẽ là 6,2 tỷ USD với 12 triệu thành viên. Theo đánh giá của ngành giao thông, một chiếc carsharing có thể thay thế cho 15 xe sở hữu cá nhân.
Trên thế giới có nhiều công ty carsharing nhưng lớn nhất hiện nay là Zipcar, được thành lập từ năm 2000 có trụ sở chính ở Mỹ. Hiện Zipcar có 810.000 thành viên và 10.000 đầu xe bao gồm 30 kiểu mẫu xe của Daimler, VW, BMW, Toyota.
"Ha:mo" carsharing của Nhật được thành lập từ năm 2012 dưới sự tài trợ của bộ Giao thông và bộ Năng lượng. "Ha:mo" không chỉ cho thuê ô tô mà còn cho thuê xe máy xe đạp điện. Đây là dự án lớn, ngoài sự tham gia của Toyota còn có Yamaha và nhiều công ty công nghệ thông tin hàng đầu của Nhật. Hiện "Ha:mo" còn trong giai đoạn thí điểm.
Toyota cho biết trong tháng 10, Ha:mo carsharing sẽ được trang bị 100 xe i- Road để hoạt động thí điểm ở Toyota City. Số lượng bãi đỗ cũng sẽ tăng từ 13 lên 21. Khác với các hãng carsharing của châu Âu và Mỹ sử dụng nhiều loại xe, "Ha:mo" của Nhật chỉ sử dụng xe EV, plug-in hybrid, và xe đạp xe máy điện. Toyota có biện pháp để xe sạc đầy điện trong giờ thấp điểm, tránh sạc điện trong giờ cao điểm.
( Theo Toyota )