oyota City được biết đến như một thành phố công nghiệp chế tạo và sản xuất ôtô, nơi đặt đại bản doanh của Toyota Group. Tuy nhiên, vụ "chân phanh" vừa qua đã giáng một đòn mạnh vào niềm kiêu hãnh của cư dân Toyota. Người ta không ngừng đặt câu hỏi vì đâu Toyota, một trong những nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới thất bại...Toyota City hiện có dân số 420.000 người, xưa kia là một thành phố nhỏ mang tên là Koromo mà sự thịnh vượng bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 với nghề sản xuất tơ lụa. Kể từ năm 1959, thành phố này mang tên của tập đoàn xe hơi, mở đầu cho một thời kỳ thịnh vượng mới. Sang năm 1960 Toyota City kết nghĩa với thành phố Detroit, trung tâm của ngành công nghiệp xe hơi Hoa Kỳ. Tại Toyota City, người dân làm việc cho Tập đoàn Toyota từ đời cha đến đời con. Với đồng lương nhận được, họ mua một chiếc xe hơi nhãn hiệu Toyota, sống trong một ngôi nhà do Toyota Home xây dựng, chữa bệnh tại nhà thương Toyota, mua thực phẩm tại cửa hàng của Công ty Meglia, chi nhánh của Toyota. Chính công ty này lo luôn việc tổ chức đám cưới và đám ma cho dân chúng của thành phố. Giờ mở cửa và đóng cửa của các tiệm ăn và tiệm buôn bán tại Toyota City dựa theo giờ giấc làm việc của các nhà máy Toyota. Ngoài ra, với gần 80.000 người định cư tại thành phố này làm việc trực tiếp cho Toyota, tập đoàn xe hơi này tài trợ cho một ngôi trường kỹ thuật. Thành công lớn của Toyota dựa vào sự ủng hộ hoàn toàn của tất cả nhân viên đối với "Hệ thống sản xuất Toyota" (Toyota production system, gọi tắt là TPS). Hệ thống này thể hiện nguyên lý hiện hữu của Toyota mà trong đó cá nhân phải nhường chỗ cho tập thể.
Hiện nay, All Toyota Labor Union (ATU), một công đoàn không trực thuộc vào Toyota đã giúp đỡ cho thân nhân của các nạn nhân từng là nhân viên của Toyota và đã hy sinh tính mạng do làm việc quá sức chịu đựng. Tại các xưởng máy hầu như không có một cuộc thảo luận nào và tác động trong nước của những khó khăn mà Toyota đang gặp phải ở ngoài nước có vẻ không là bao cho dù khâu sản xuất có thể bị ngưng lại trong tháng tới.
Một góc Toyota City.
Nhiều người ở Toyota City không hiểu vì sao vụ việc lại trở nên ầm ĩ như vậy vì trước đây đã từng xảy ra những vụ thu hồi xe hơi Toyota bị hỏng một bộ phận, như là vào năm 2005 và năm 2007. Những người này lên án Hoa Kỳ muốn tìm cách làm cho Toyota bị mất uy tín, nhất là khi hãng xe hơi Mỹ Ford vào tháng 10/2009 cũng đã phải thu hồi khoảng 4,5 triệu chiếc xe hơi.
Nhưng tại Nhật Bản cũng có những tiếng nói lên án Toyota đã tỏ ra ngạo mạn và quá tự tin. Theo một thành viên công đoàn, mấy năm gần đây, nhịp độ sản xuất xe mới gia tăng trong khi việc kiểm soát bị lơi lỏng. Tuy nhiên, phương thức hoạt động của Toyota sẽ không bị xem xét lại và thành trì công nghiệp Toyota tại Nhật Bản tiếp tục đứng vững như trước đây.
Trong một cái nhìn chung về một số công ty lớn, vốn lâu nay được xem là những ông khổng lồ của nền kinh tế Nhật Bản nhưng giờ đây thế đứng đang bị lung lay. Từ Japan Airlines đến Toyota và Honda, các tập đoàn này không được trang bị đầy đủ để đối phó với tiến trình toàn cầu hóa. Đây quả thật là một điều nghịch lý mà thế giới vừa phát hiện và chính các tập đoàn này vừa khám phá sự bất lực của mình vì đã không biết thay đổi kịp thời một số thói quen.
Hãng hàng không Nhật Bản bị phá sản vì đã không phản ứng kịp thời trước sự kiện giao thông hàng không đã tụt giảm trên thế giới. Còn Honda và Toyota buộc phải thu hồi hàng triệu chiếc xe hơi bị hỏng một bộ phận bởi vì hai tập đoàn này đã không kiểm soát chặt chẽ các nhà cung cấp phụ tùng. Các công ty tại Nhật Bản mặc dù có mặt khắp nơi trên địa cầu, không được trang bị đúng mức trước hiện tượng toàn cầu hóa. Bộ máy lãnh đạo của các tập đoàn này gồm toàn những người đã từng làm việc lâu năm trong tập đoàn và hiếm khi thâu nhận người đến từ bên ngoài có thể đem lại một nguồn sinh lực mới cho tập đoàn. Đây là một cấu trúc lãnh đạo cứng nhắc có một nhiệm vụ rõ ràng là đặt quyết định của một tập thể lãnh đạo lên trên những sáng kiến cá nhân.