http://m.motthegioi.vn/tai-chinh-ba...uat-chuyen-sang-nhap-nguyen-chiec-172851.html
Tin từ TTO ngày 5.4 cho biết, tại cuộc họp công bố kế hoạch kinh doanh năm 2015 ngày 2.4, Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Toyota Việt Nam - ông Yoshihisa Maruta cho biết, công ty đang cân nhắc ngưng sản xuất ôtô tại Việt Nam hay nhập khẩu hoàn toàn để hưởng lợi từ lộ trình giảm thuế từ ASEAN. Bởi theo ông Maruta, trung bình một mẫu xe mất khoảng 3 năm chuẩn bị mới đưa ra thị trường, nhưng theo lộ trình đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN bằng 0%, khi đó việc nhập khẩu linh kiện về để lắp ráp một mẫu xe còn tốn kém hơn khiến giá xe cao hơn so với nhập khẩu nguyên chiếc. Cho nên đến thời điểm đó, Toyota cũng như nhiều doanh nghiệp ô tô ngoại khác có thể sẽ chuyển sang nhập nguyên chiếc để có lợi hơn, thay vì nhập linh kiện về lắp ráp.
Nguyên nhân sự lưỡng lự nên tiếp tục sản xuất hay nhập nguyên chiếc của Toyota Việt Nam phần lớn nằm ở Chiến lược tổng thể phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đến nay vẫn chưa được chính thức thông qua. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô (VAMA), hiện cả nước có hơn 20 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Nhưng thực tế số doanh nghiệp đầu tư bài bản, đang có những sản phẩm bán tốt trên thị trường rất ít. DVO dẫn lời các chuyên gia trong ngành tại Triển lãm ô tô năm diễn ra ở TP.HCM mới đây nhận định, thời điểm năm 2018 sẽ là một cột mốc đối với ngành ô tô Việt Nam. Mà sự lưỡng lự như đã nói ở trên của Toyota đang cho thấy một tình hình không mấy sáng sủa đối với các hãng ô tô nội địa. Dự báo, xe nhập khẩu nguyên chiếc với ưu thế về giá và chất lượng có thể đổ bộ chiếm lĩnh thị phần những hãng xe sản xuất, lắp ráp ở thị trường nội địa. Lúc này, ngành sản xuất ô tô trong nước sẽ phải đối mặt với viễn cảnh tháo lui hoặc thu hẹp quy mô sản xuất đồng loạt.