Quốc lộ 1, 13, 22, cầu - đường Bình Tiên... đầu tư theo hình thức BOT sẽ được thành phố áp dụng chính sách đặc thù để khởi công năm 2025, giúp khơi thông các cửa ngõ.
Kế hoạch nêu trên vừa được UBND TP HCM đưa ra, sau khi HĐND thành phố thông qua danh mục các công trình nâng cấp, mở rộng ở địa bàn.
Những dự án nói trên được thành phố tính triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Tuy nhiên từ năm 2017, Nghị quyết 437 không cho phép hình thức đầu tư này thực hiện trên đường độc đạo khiến các dự án phải dừng. Thành phố đã đề xuất huy động vốn dự án theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 dành cho TP HCM.
5 công trình triển khai theo hình thức trên ước tính vốn đầu tư gần 45.600 tỷ đồng. Trong đó, ba tuyến quốc lộ 1, 13, 22 ở các cửa ngõ sẽ được mở rộng với tổng kinh phí khoảng 33.900 tỷ. Hai công trình còn lại là nâng cấp trục Bắc - Nam (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) và cầu - đường Bình Tiên, nối quận 6, 8, Bình Chánh.
Kẹt xe trên quốc lộ 13, hướng vào trung tâm TP HCM, năm 2023. Ảnh: Gia Minh
Sau khi hoàn tất thủ tục lựa chọn, ký hợp đồng với nhà đầu tư, thành phố dự kiến khởi công các dự án trên vào cuối năm 2025 hoặc đầu 2026, hoàn thành sau ba năm.
Thành phố cần hơn 8.100 tỷ đồng để thực hiện công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng cho các dự án. Sau đó, tổng nhu cầu vốn cho các dự án ước tính 36.400 tỷ đồng, trong đó ngân sách tham gia hơn 16.700 tỷ đồng, còn lại của nhà đầu tư.
Trong các công trình trên, quy mô lớn nhất là mở rộng quốc lộ 13, ước tính cần hơn 13.800 tỷ đồng. Đoạn quốc lộ được mở rộng lên 53-60 m, trên đoạn dài gần 6 km, từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương thuộc địa bàn TP Thủ Đức. Đây là cửa ngõ chính phía đông bắc thành phố, kết nối qua Bình Dương, Bình Phước, song nhiều năm qua đường nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc.
Hướng tuyến dự án cầu và đường Bình Tiên, một trong dự án đầu tư theo hình thức BOT. Đồ họa: Khánh Hoàng
Theo UBND TP HCM, kế hoạch triển khai các dự án trên được đưa ra nhằm ưu tiên bố trí vốn ngân sách tham gia để thực hiện công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng... Kế hoạch này cũng nhằm đưa ra lộ trình chi tiết kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Theo Sở Giao thông Vận tải, trên địa bàn TP HCM có 107 tuyến đường trục chính được quy hoạch có thể triển khai hình thức BOT theo cơ chế mới. Tuy nhiên, Nghị quyết 98 chỉ áp dụng trong 5 năm, nên các dự án thực sự quan trọng, cấp bách, có tính tác động lớn được đề xuất ưu tiên làm trước.
>>>> Xem thêm:
Các dự án chờ hơi lâu rồi, hy vọng sớm hoàn thành