Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tại cuộc họp về tiến độ triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng các huyện thành quận, hoặc TP trực thuộc TP.HCM, giai đoạn 2021 – 2030.
Mục tiêu của đề án là nhằm tổ chức không gian phát triển các huyện để khai thác lợi thế của từng huyện, hình thành vùng động lực, cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế của TP phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả.
Theo ông Võ Văn Hoan, nhiệm vụ trước mắt cần tập trung nghiên cứu là giải pháp quy hoạch không gian, hình thành bộ khung về kết cấu hạ tầng, các trục giao thông quan trọng, các tuyến đường huyết mạch, các khu đô thị lớn cùng với các thiết chế văn hóa - xã hội đi kèm...
Kế hoạch đầu tư xây dựng các huyện để lập đơn vị hành chính quận hoặc thành phố là nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần XI nhiệm kỳ 2020-2025. Hai năm qua, lần lượt 5 huyện của TP HCM là Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè và Hóc Môn đều muốn lên thành phố trước 2030. Lãnh đạo thành phố nhiều lần bày tỏ quan ngại rằng các đề xuất này sẽ khiến giá đất tăng vọt, gây khó khăn trong thu hồi đất để phát triển cơ sở hạ tầng sau này.
Theo ông Hoan, việc phát triển huyện nhằm khai thác lợi thế từng địa phương, hình thành vùng động lực, cực tăng trưởng mới cho TP HCM. Nhiệm vụ trước mắt của các huyện là nghiên cứu quy hoạch không gian, hình thành khung kết cấu hạ tầng giao thông, khu đô thị lớn cùng các thiết chế văn hoá - xã hội. Do đó, sau khi các huyện đạt chuẩn theo quy định, thành phố mới trình cấp có thẩm quyền quyết định mô hình đơn vị hành chính đô thị phù hợp với từng địa phương.
UBND TP HCM thống nhất đề xuất Thường trực Thành uỷ cho lùi thời hạn báo cáo Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố) giai đoạn 2021-2030 đến quý 1/2023, thay vì cuối năm nay. Trong tháng 12, các sở ngành liên quan phải sớm hoàn thành các nhiệm vụ nhánh trong đề án, gồm: Văn hoá đô thị, Con người đô thị, Quản lý nhà nước, Kinh tế đô thị và Hạ tầng đô thị.
TP HCM rộng hơn 2.060 km2, 8,9 triệu dân (thống kê đến tháng 10/2022), với 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm một thành phố (Thủ Đức), 16 quận và 5 huyện. Quá trình phát triển, thành phố nhiều lần tách nhập, chuyển đổi đơn vị hành chính, gần nhất là sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức.