Phí dịch vụ thoát nước tại TPHCM được Sở Xây dựng đề xuất mức 1.430 đồng/m3. Nguồn thu được dùng để đầu tư, duy trì và phát triển hệ thống thoát nước.
Sở Xây dựng vừa gửi tờ trình lên UBND TPHCM về "việc ban hành giá dịch vụ thoát nước ở TPHCM giai đoạn 2020-2024" sau khi lấy ý kiến nhiều sở ngành liên quan.
Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được nộp vào ngân sách để đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước
Theo đó, giá dịch vụ thoát nước bình quân mỗi m3 trong năm 2020 là 1.430 đồng (chưa gồm thuế giá trị gia tăng); năm 2021 là 2.033 đồng; năm 2022 là 2.694 đồng; năm 2023 là 3.426 đồng và có mức 4.237 đồng vào năm 2024.
Theo tờ trình, thu phí sẽ áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước) có xả nước thải vào hệ thống thoát nước trên thành phố. Hộ thoát nước đã đóng tiền dịch vụ thoát nước không phải trả phí bảo vệ môi trường.
Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) sẽ căn cứ vào khối lượng nước tiêu thụ hàng tháng và mức giá dịch vụ thoát nước tổ chức thu tiền dịch vụ thoát nước qua hóa đơn tiền nước.
Đối với các hộ không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước Sawaco tiếp tục đóng phí bảo vệ môi trường.
Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án thu tiền dịch vụ đối với nhóm này.
Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được để lại 1% để dành chi trả cho dịch vụ đi thu; thực hiện các nghĩa vụ thuế và tài chính (nếu có). Phần còn lại nộp vào ngân sách để đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và các chi phí hợp lệ khác theo quy định hiện hành.
Sở Xây dựng TP cũng đưa ra so sánh mức giá thu dịch vụ thoát nước của Hải Phòng, Đà Nẵng, Sơn La, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Đồng Tháp, TP Vinh (Nghệ An), Hà Nội (đang đề xuất thu trong năm 2020 với mức 1.895-2.645 đồng mỗi m3).
Và Sở Xây dựng cho rằng, mức thu của thành phố tương đối thấp so với các tỉnh, thành khác.
Nếu đề xuất này được chấp thuận, giá tiền nước sạch và dịch vụ thoát nước bình quân mà người dân phải trả cho mỗi m3 trong năm 2020 là 11.029 đồng (chưa bao gồm thuế VAT); năm 2021 là 12.198 đồng; năm 2022 là 13.469 đồng; năm 2023 là 14.848 đồng; năm 2024 là 16.344 đồng
Cơn mưa chiều tối 6/8 khiến 38 tuyến đường tại TPHCM bị "nhấn chìm", trong đó có nơi ngập gần 7 tiếng
Tại cuộc họp về tình hình chống ngập của TPHCM mới đây, ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng) - cho biết, hiện nay, Thành phố đầu tư hoàn thành nhiều dự án chống ngập, tình trạng ngập đã được kéo giảm về số tuyến đường, chiều sâu ngập và thời gian ngập, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố.
Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho biết, kinh phí đầu tư chống ngập trong giai đoạn 2016-2020 là gần 26.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là hơn 7.000 tỷ đồng; vốn các dự án hợp tác công tư là gần 10.000 tỷ đồng; dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 là hơn 9.000 tỷ đồng.
Theo
báo dân trí