Các địa phương cho biết đã chủ động rà soát quy hoạch, kiểm đếm để khái toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Hiện các địa phương đều kỳ vọng sớm được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư các dự án như cầu Cần Giờ, cầu đường Nguyễn Khoái, các đường vành đai 2, Nguyễn Thị Định, Vĩnh Lộc… để khơi thông nút thắt hạ tầng giao thông ở các cửa ngõ TP.
TP Thủ Đức cam kết thực hiện nhanh nhất việc bồi thường
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức cho biết hiện nay hạ tầng giao thông khu vực TP Thủ Đức đã và đang được đầu tư với nhiều dự án trọng điểm như đường vành đai 3, nút giao Mỹ Thủy, An Phú, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Tuy nhiên, để hạ tầng thực sự khơi thông, tạo điều kiện kết nối liên vùng, kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu, cụm cảng Trường Thọ, TP Thủ Đức cần sớm được đầu tư hạ tầng nhiều dự án trọng điểm như khép kín các đường vành đai 2, Nguyễn Thị Định, Đỗ Xuân Hợp, đầu tư hoàn chỉnh nút giao An Phú.
Đường vành đai 2 tạm ngưng thi công nhiều năm nay. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Lần đầu tiên Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết 12 để xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ, đây là nền tảng quan trọng để phát triển huyện. Tuy nhiên nhìn nhận thực tế, hạ tầng kết nối với Cần Giờ còn khá yếu, chủ yếu là lụy phà. Điều này khiến Cần Giờ khó có thể phát triển.
Vì vậy, khi HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư dự án cầu Cần Giờ thì đây sẽ là cây cầu đưa huyện Cần Giờ thực sự phát triển. Bên cạnh cầu Cần Giờ, TP.HCM và huyện Cần Giờ cũng cần tính toán các hình thức kết nối khác như cao tốc, đường thủy, tàu cao tốc, tăng cường liên kết vùng… để khai thác tiềm năng của huyện Cần Giờ.
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM
Vị đại diện này cho biết đối với đường Nguyễn Thị Định, dự án trước đó do quận 2 cũ làm chủ đầu tư, nay được chuyển giao cho BQL dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức nhập chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) và chi phí xây lắp làm một dự án. Ngay sau khi có kế hoạch, ban cũng đã tiến hành rà soát để sẵn sàng đầu tư xây dựng.
“Dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định có 443 hồ sơ bị ảnh hưởng, hiện đã chi trả 297 hồ sơ. Dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 295 tỉ lên 2.075 tỉ đồng, trong đó chi phí xây lắp giữ nguyên, chi phí GPMB tăng do cập nhật hệ số điều chỉnh giá đất” - BQL dự án khu vực TP Thủ Đức cho biết.
Dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 295 tỉ lên 2.075 tỉ đồng. Ảnh: ĐÀO TRANG
Tương tự, đối với dự án đường vành đai 2, UBND TP Thủ Đức cho biết cũng đã rà soát công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Dự kiến người dân sẽ được bố trí quỹ nền đất, tái định cư ở Long Bình, Long Thạnh Mỹ và khu tái định cư Hiệp Phú. Hiện nay dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, pháp lý thu hồi đất chưa được phê duyệt nên thời gian thực hiện và hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ hoàn tất trong hai năm kể từ ngày dự án được phê duyệt.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết: “Khi dự án được thông qua, TP Thủ Đức cam kết thực hiện nhanh nhất việc bồi thường, tái định cư để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, sớm đưa tuyến đường thông xe và phục vụ nhân dân TP”.
Tương tự, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cũng khẳng định phối hợp với TP Thủ Đức trong công tác GPMB để sớm khơi thông hơn 400 m đường Đỗ Xuân Hợp. Đồng thời, ban cũng tăng cường đẩy nhanh tiến độ hàng loạt dự án trọng điểm ở TP Thủ Đức như các cầu Tăng Long, Nam Lý, Ông Nhiêu, dự án xây dựng nút giao An Phú và các đoạn của đường vành đai 2. Từ đó, góp phần xây dựng diện mạo đô thị TP Thủ Đức xứng tầm với kỳ vọng đặt ra, cửa ngõ kết nối với các khu đô thị.
Người dân Cần Giờ rất đồng thuận
Kỳ vọng vào dự án cầu Cần Giờ, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết dự án là niềm mong mỏi của bà con nhân dân huyện nhiều năm qua. Cầu Cần Giờ thực sự là một dự án mang tính đột phá của địa phương, tạo điều kiện cho người dân đi lại, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Hồng mong dự án sớm được khởi công và đưa vào phục vụ người dân trong thời gian tới. “Hiện huyện Cần Giờ đã phối hợp với Sở GTVT để tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của người dân. Đến nay, người dân rất đồng thuận và sẵn sàng bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án xây dựng cầu” - ông Hồng cho biết.
Phối cảnh cầu Cần Giờ. (Ảnh chủ đầu tư dự án cung cấp)
Tương tự, ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cũng kỳ vọng dự án cầu Cần Giờ sớm được khơi thông để người dân hai địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, giảm thời gian chờ phà. Theo ông Nguyễn, ngay khi có kế hoạch lập dự án, trình HĐND TP, UBND huyện Nhà Bè đã tiến hành rà soát và kiểm đếm, lên dự toán các trường hợp bị ảnh hưởng.
Khu vực dự kiến xây cầu Cần Giờ. Ảnh: NHƯ NGỌC
“Hiểu rõ tầm quan trọng của dự án, huyện đã chủ động mọi phương án, sẵn sàng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Cạnh đó, huyện Nhà Bè cũng lên phương án mở rộng đường 15B kết nối với cầu Cần Giờ trong thời gian tới. Đồng thời, giảm áp lực giao thông cho đường Nguyễn Hữu Thọ, đường Huỳnh Tấn Phát đã quá tải từ lâu. Đây thực sự là hai cây cầu lớn, biểu tượng cho cả khu Nam TP” - ông Nguyễn nhấn mạnh.
Bên cạnh dự án cầu Cần Giờ, phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cũng cho rằng TP cần sớm triển khai đầu tư dự án cầu đường Nguyễn Khoái để tăng năng lực thông xe, tăng cường kết nối và tạo điều kiện đi lại cho người dân ở khu Nam TP.
Quận 7 hoàn thành giải tỏa mặt bằng dự án cầu đường Nguyễn Khoái
Khu vực dự kiến xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái nối quận 1 và quận 4: Ảnh: ĐÀO TRANG
Đối với dự án cầu đường Nguyễn Khoái, đại diện UBND quận 4 cho biết hiện dự án đoạn qua địa bàn quận 4 có 125 trường hợp bị ảnh hưởng với 25 tổ chức và 125 cá nhân. UBND quận 4 và các đơn vị liên quan sẽ phối hợp tổ chức thực hiện theo quy định sau khi dự án được phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.
Tương tự, đối với quỹ nhà tái định cư dự án, hiện nay UBND quận 4 không có quỹ nhà phục vụ tái định cư của dự án xây dựng cầu. Do đó, UBND TP sẽ phân bổ quỹ nhà tái định cư thuộc TP quản lý cho quận 4 khi dự án được phê duyệt.
Phối cảnh cầu đường Nguyễn khoái. (Ảnh chủ đầu tư dự án cung cấp)
Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho biết dự án cầu đường Nguyễn Khoái có ý nghĩa vô cùng quan trọng với quận 7, đây như một “cánh cửa” để người dân tiến gần hơn tới trung tâm TP.
Theo ông Thành, dự án cầu đường Nguyễn Khoái đã được thông qua nhiều năm nhưng cần được điều chỉnh quy mô dự án, phương án này rất hợp lý, tăng kết nối giữa quận 7, quận 4 và quận 1. Đồng thời giải quyết ngay các nút thắt về hạ tầng trên đường Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ, các trục kết nối vào trung tâm TP. “Hiện công tác giải tỏa phục vụ dự án cầu đường Nguyễn Khoái trên địa bàn quận đã hoàn tất. Tất cả đã sẵn sàng chờ HĐND TP thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án” - ông Thành nói.
Dự kiến khởi công mở rộng đường Vĩnh Lộc vào năm 2025
Theo ông Bùi Trọng Thống, Trưởng BQL dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh, việc mở rộng đường Vĩnh Lộc trong thời điểm này là vô cùng cấp thiết, góp phần giải quyết ùn tắc, ngập nước và giải quyết được vấn đề hạ tầng - điểm nghẽn của địa phương trong nhiều năm qua.
“Nếu được HĐND TP thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư, huyện Bình Chánh sẽ bắt tay vào triển khai nhiều nhóm công việc, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để triển khai dự án. Dự kiến dự án sẽ được khởi công vào năm 2025, hoàn thành vào năm 2028” - ông Thống nói.
Phối cảnh đường Vĩnh Lộc sau khi được mở rộng lên 30 m. (Ảnh chủ đầu tư dự án cung cấp)
Đối với vấn đề mặt bằng, Trưởng Ban bồi thường GPMB huyện Bình Chánh Lôi Đại Phong cho biết hiện nay dự án đường Vĩnh Lộc được quy hoạch mở rộng lên 30 m, đã được địa phương công bố quy hoạch từ trước. Ngay sau khi HĐND TP thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư, ban bồi thường sẽ nhận ranh mặt bằng, tiến hành kiểm đếm, thực hiện các bước thủ tục bồi thường, GPMB để bàn giao cho chủ đầu tư.
>>>> Xem thêm: