Nguồn : Sưu tầm
Được nâng cấp từ bản 2 cửa, Wrangler Sahara tiếp tục khoe vẻ mạnh mẽ trứ danh của các dòng xe Jeep thông qua thiết kế hầm hố cùng khả năng lội nước đáng nể.
Thương hiệu Jeep vốn không xa lạ với người Việt Nam, nhưng trong suốt một thời gian dài, nó gần như bị đánh đồng với những chiếc xe quân sự sử dụng trong chiến tranh. Hơn 30 năm sau ngày đất nước thống nhất, số lượng những chiếc xe Jeep dân sự đời mới lăn bánh trên những con đường Việt Nam vẫn cực kỳ hiếm. Với sự hỗ trợ từ nhà phân phối Indochina Auto, người viết đã có dịp thử một số mẫu xe Jeep đời mới như Wrangler Rubicon hay Wrangler Sahara, trong đó Wrangler Sahara là phiên bản đặc biệt ấn tượng với sức mạnh cơ bắp và khả năng lội nước.
Jeep Wrangler Sahara, nhìn qua cũng thấy ngay đây không phải mẫu xe mới hoàn toàn, chỉ là bản nâng cấp từ Wrangler hai cửa cũ. Tuy nhiên trải nghiệm với phiên bản này cho thấy đây vẫn là chiếc xe đầy sức hấp dẫn cho dân chơi xe địa hình ở Việt Nam. Là một chiếc xe dùng cho dã ngoại, nên Wrangler Sahara vẫn trung thành với các thiết kế lâu nay của dòng xe nổi tiếng này: có thể tháo dễ dàng mui cứng 3 mảnh, kính chắn gió hạ gập xuống nắp capo và gỡ bỏ các cánh cửa khiến chiếc xe có vẻ thoáng đãng và phong trần hiếm có của họ nhà Jeep.
Nhìn bề ngoài Jeep Wrangler Sahara trông “hầm hố’ hơn hẳn phiên bản hai cửa do kéo dài trục xe thêm 52cm và nhờ vậy tăng thêm khoang hành lý phía sau. Gầm xe đã được lắp sẵn một tấm thép lớn khá chắc chắn để bảo vệ gầm khi va chạm với các mô đất, đá. Tuy nhiên, tấm thép bảo vệ cầu trước không có. Máy phát điện cũng như giàn lạnh được thiết kế cao gần sát nắp capo để giảm khả năng tiếp xúc với nước khi lội suối. Xe cũng được trang bị sẵn một bộ tời Warn để tự cứu hộ khi cần thiết.
Nội thất cho 5 người nhưng băng ghế sau hơi chật một chút. Tuy nhiên, 2 ghế trước ngồi rất thoải mái, có cảm giác có thể chạy hàng trăm km vẫn không mệt mỏi. Thiết kế nội thất đúng phong cách Mỹ - đơn giản, không nhiều chi tiết. Hệ thống âm thanh khá hay dù tiếng bass chưa thật sự ấm, người lái có thể điều khiển hệ thống âm thanh trên vô lăng dễ dàng, các nút điều khiển này được đặt ở mặt dưới của tay lái cho đỡ rối mắt. Xe gắn mui cứng nên dễ hấp thu nhiệt từ nóc, nhưng hệ thống máy lạnh tốt, xe vẫn duy trì được sự mát mẻ kể cả đậu giữa trời nắng buổi trưa. Đáng tiếc là xe không trang bị camera lùi để hỗ trợ người lái.
Xe được trang bị động cơ 6 máy dung tích 3.8 lít với momen xoắn cực đại 315Nm và công suất 199 mã lực mạnh mẽ. Tuy nhiên do lái phiên bản số tự động 4 số, nên khi khởi động tôi có cảm giác xe không “bốc” như số sàn. Khi xuất phát lên tốc độ cao không có cảm giác bị dính chặt vào ghế lái. Tay lái có thể nói rất đầm và ít phản hồi từ mặt đường. Tôi thử chạy tốc độ nhanh (trên 80km/h) rồi thắng gấp, xe vẫn không bị khựng hay lết bánh và khoảng cách từ khi đạp thắng đến khi xe dừng hẳn rất ngắn. Thử bẻ ngoặt tay lái gấp khi vào cua, hệ thống ổn định lái điện tử (ESP) làm việc rất tốt, xe vẫn cân bằng không bị chao đi hay lệch tay lái.
Sẽ là một thiếu sót nếu không thử lái một chiếc xe dã ngoại như Wrangler Sahara trên những con đường xấu và địa hình hiểm trở. Đầu tiên, chúng tôi chọn một con đường trải đá dăm nhỏ. Xe cách âm khá tốt, tiếng máy và tiếng động từ ngoài rất nhỏ, những tiếng lạo xạo của đá dăm dưới gầm gần như không nghe thấy và xe hầu như không có sự rung lắc đáng kể nào từ sự mấp mô ở cung đường này. Chúng tôi chuyển qua một con đường đang làm, với địa hình nhiều ổ gà lớn, lồi lõm và nhiều đá cục. Cảm giác trải nghiệm offroad rất rõ ràng khi lướt qua những đoạn đường này, xe chao nghiêng, chồm lên xuống theo mức độ gập ghềnh của đường. Rõ ràng là để thiết kế chiếc xe dành cho các cung đường xấu, có khả năng bất thần sa xuống các ổ gà lớn hay hố sâu, Jeep đã trang bị cho Wrangler Sahara hệ thống giảm xóc “cứng” hơn rất nhiều so với các loại xe dân dụng khác.
Chúng tôi cho chiếc xe từ từ bò xuống một ruộng bùn ngập nước. Đây là cơ hội thử chế độ 2 cầu chậm của xe. Cần cài cầu có đặc điểm khác so với các đời trước là kéo theo chế độ trước-sau thay vì lên-xuống. Việc gài cầu cũng khó hơn khi phải vừa kéo vừa bẻ cần qua phải mới vào được, có lẽ để hạn chế việc vô ý gài cầu. Tuy trục xe khá dài nhưng vẫn không bị đội bụng khi qua bờ ruộng do khoảng sáng gầm khá lớn. Ngay khi xe vừa lội xuống bùn, hệ thống đèn cảnh báo đường trơn lập tức bật sáng ngay giữa bảng điều khiển để nhắc nhở, bên cạnh đèn báo xe đã hoạt động ở chế độ 2 cầu (4WD). Động cơ hoạt động tốt dưới ruộng nước, kể cả khi nước ngập cao hơn ống xả. Tuy nhiên do xe chỉ trang bị bộ lốp AT (All Terrain) nên khả năng bám bùn không cao, nếu được trang bị lốp MT (Mud Terrain) chuyên dụng chắc chắn sẽ có trải nghiệm thú vị hơn trên đồng ruộng lầy.
Nếu chọn Jeep Wrangler Sahara với mục đích thường xuyên để dã ngoại hay offroad thì lời khuyên là bạn nên chọn bản số sàn hơn là số tự động.