Thể thao tốc độ, đặc biệt là go-kart vẫn còn là khái niệm quá mới mẻ tại Việt Nam. Người lớn còn e dè tiếp xúc chứ đừng nói là trẻ em. Vậy mà bằng sự đam mê không ngừng nghỉ và uy tín rất lớn, bác Kebab (Lân Phạm) đã tập hợp được 8 em nhỏ (từ 11-13 tuổi) để lập ra khoá đào tạo kỹ năng chơi go-kart gọi là TrippleX Karting. Lớp học tuy đã khai giảng khóa đầu tiên cách đây vài tháng nhưng khoá thứ 2 vừa diễn ra cuối tuần qua đã bổ ích hơn cho các học viên khi có sự góp mặt của cựu vô địch go-kart Đài Loan Sam Wang và kỹ sư đội đua Formula 3 Ko Ming đến từ Đài Loan.[pagebreak][/pagebreak]
Cũng như khoá học trước, địa điểm tổ chức lần này là tại Trường đua Đại Nam. Đa số các em tham gia khoá đào tạo lần này đang trong kỳ nghỉ hè và các em muốn có một sân chơi, trải nghiệm và thử thách mới. Trước khi bước vào tập luyện, mỗi em được phát 1 áo thun đồng phục, 1 bộ suit chuyên dụng được thiết kế riêng cho từng em. Nón, găng và giáp là không thể thiếu mỗi lần ra sân. Về phương tiện tập luyện là các dòng xe chuyên nghiệp tại Trường đua Đại Nam đã được hiệu chỉnh cho phù hợp với lứa tuổi dưới 13.
Ngày đầu tiên các em được anh Huỳnh Quang Vinh - vô địch giải go-kart Đại Nam mở rộng 2017 và bác Lân Phạm hướng dẫn rất chi tiết những khái niệm sau:
. Mọi thứ về cấu tạo, hoạt động và thao tác trên xe
. Đi bộ trên sân đua để học lane chạy, điểm phanh, điểm đánh lái, đỉnh cua. Cảm nhận mặt đường, điều kiện sân bãi
. Học các thao tác an toàn trong khi tập luyện
. Học các loại cua khác nhau, cách xử lý thế nào
. Thực hành chạy xe trên sân (xe đã được hãm chân ga tối đa)
Toàn bộ giáo trình, ngôn ngữ giao tiếp với các em là tiếng Anh để các em quen với những thuật ngữ chuyên môn, bên cạnh đó, sau này nếu có các khóa huấn luyện quốc tế thì các em sẽ không bị bỡ ngỡ. Theo em thì đây là phương pháp giao tiếp rất hay vì toàn bộ những thông tin về go-kart quốc tế đều là tiếng Anh, hơn nữa những thuật ngữ chuyên môn nói tiếng Anh còn dễ hiểu hơn tiếng Việt. Ví dụ như “flat out”, “flying lap”, “trail brake” v.v...
Sang buổi chiều, thời tiết không thật thuận lợi nên các em được tập trung để nghe bác Lân chia sẻ các quy tắc an toàn trong khi tập luyện. Mặc dù xe đã được hãm chân ga nhưng gia tốc vẫn còn khá cao nên sự tập trung 100% luôn được nhắc đi nhắc lại.
Sang ngày thứ 2, đây mới là lúc các em được mở mang tầm mắt rất nhiều với sự xuất hiện của bộ đôi đến từ Đài Loan: kỹ sư Formula 3 Ko Ming và cựu vô địch go-kart Sam Wang. Cả 2 quan sát các em chạy rất nhiều, và bắt đầu phân tích những điểm cần khắc phục như:
. Tư thế tay khi đánh lái
. Tầm quan sát của mắt trước, trong và sau cua
. Cách xử lý đường chạy trong điều kiện mưa, đường trơn trượt
Riêng với Doug, cậu con trai 10 tuổi của bác Lân được Ko Ming và Sam theo rất sát trong các phiên tập: họ gắn thiết bị chuyên dụng để ghi nhận dữ liệu trong khi chạy của Doug sau đó phân tích rồi hướng dẫn Doug điều chỉnh cách chạy để rút ngắn thời gian nhất có thể.
Nói về thiết bị gắn trên xe Doug 1 chút: là hệ thống thu thập dữ liệu (data logging) mà người ta hay gọi là telemetry - trong quá trình chạy. Hệ thống Ming dùng cho Doug là Mychron 5. Hệ thống này thu thập dữ liệu về vận tốc xe tại từng thời điểm trên track, G-force, nhiệt độ máy, nhiệt độ nước làm mát, vòng tua máy tại từng thời điểm tương ứng trên track tương ứng với vận tốc tại thời điểm đó. Hệ thống sau đó được phân tích trên máy tính và kết quả được đưa ra dưới nhiều dạng để race engineer phân tích cho tay đua.
Mặc dù hệ thống MyChron đã xuất hiện trên một số xe kart nhập về Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên nó được ứng dụng triệt để, công dụng được phát huy tối đa. Qua việc này TrippleX Karting muốn cộng đồng karting tại Việt Nam hiểu được tầm quan trọng của telemetry data analysis trong việc nâng cao thành tích cho các tay đua. Hiện tại TrippleX Karting là team duy nhất có thể phát huy hệ thống này.
Phải cảm ơn bác Lân rất nhiều vì thật sự nếu không có ý kiến từ những người chuyên nghiệp, hầu hết các em khi mới bắt đầu tập luyện sẽ xử lý theo bản năng và rất mất thời gian để phát triển theo giáo trình tiêu chuẩn. Em đưa ví dụ đơn giản về cách làm quen với đường chạy của họ sẽ khác hoàn toàn với người Việt mình: họ sẽ đưa mọi thứ đến giới hạn trong vòng đầu tiên làm quen sân để hiểu rõ sân đua, chiếc xe và khả năng của bản thân sau đó mới điều chỉnh cho hợp lý. Còn nếu chỉ chạy theo bản năng thì mình sẽ đi từ các bước đơn giản như vào cua sớm, rà phanh, đánh lái từ từ để ôm theo góc cua. Họ khuyên chúng ta cứ “go crazy” trước như phanh cực gấp, đánh lái cực ít và trễ để quen với cảm giác xe quăng, người rung lắc rồi mới sửa dần dần.
Vào phiên tập buổi chiều, các em được tập luyện trên mặt sân ướt để thực hành những gì đã được học trước đó. Kết quả là sự phấn khích, cảm giác tò mò muốn chia sẻ học hỏi của các em đã được nâng lên rất nhiều. Nhìn các em vui vẻ chia sẻ những khoảnh khắc xảy ra trên sân với nhau, chỉ ra bạn nào nhanh chậm chỗ nào thật sự những người tạo ra khóa học này rất hạnh phúc. Vì biết đâu, đây có thể sẽ là những tay đua đầu tiên của Việt Nam được đi thi đấu tại nước ngoài thì sao?
Em cũng tranh thủ trò chuyện với Ko Ming về những phương pháp để giúp các em mau lên tay hơn thế nào. Ming thẳng thắn nói rằng nên thay đổi đường chạy của các em thường xuyên hơn như đổi chiều chạy của sân lại, di chuyển sang sân khác hoặc thậm chí đi tập huấn tại nước ngoài như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Đài Loan để các em có sự cọ xát cao hơn.
Kết thúc khóa đào tạo của TrippleX Karting sau 2 ngày, đọng lại trong các em là niềm vui mỗi lần được lên xe, buồn chán và mệt mỏi trong khi chờ mưa tạnh, háo hức muốn được chạy nhanh hơn khi tập luyện. Đây có thể tạm gọi là thành công với mục đích ban đầu của TrippleX Karting. Các bác nào có muốn đưa con em mình tiếp xúc với bộ môn Go-kart có thể liên hệ với bác Lân (Kebab) để được tư vấn ạ. Bản thân em là người lớn nhưng đi theo các em 2 ngày qua học hỏi cũng được rất nhiều rồi ạ. Hy vọng sẽ có nhiều khóa đào tạo thế này hơn để bộ môn được phát triển, tạo thêm môi trường để các em được hoạt động thể chất cũng như tinh thần.
Các hình ảnh đẹp trong khóa đào tạo TrippleX Karting:
Hình ảnh: De Red & bác Nguyễn Minh Đức