Trong tháng 8, TP.HCM chỉ bán được 177 căn hộ với tỷ lệ hấp thụ 27% tổng lượng tiêu thụ toàn thị trường.
Nguồn cầu tiếp tục xu hướng giảm
Báo cáo mới nhất của DKRA Group cho thấy, trong tháng 8, thị trường căn hộ TP.HCM chỉ có 05 dự án được mở bán, tất cả đều là giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu. Nguồn cung căn hộ ở mức 543 căn. Khu Đông (TP. Thủ Đức) và khu Nam dẫn đầu thị trường, lần lượt chiếm 72% và 28% nguồn cung mới mở bán trong tháng.
Cụ thể, TP HCM có thêm 543 căn mở bán. Tỉnh Bình Dương là 512 căn. Long An thì mở thêm 150 căn. Trong số này chỉ có một dự án mới, còn lại 10 dự án là mở bán ở giai đoạn tiếp theo. Trong 1.205 căn mở bán mới tại các địa phương được phân tích thì chỉ có 662 căn được tiêu thụ; tương đương mức hấp thụ 55%.
Căn hộ hạng A tiếp tục là phân khúc dẫn dắt thị trường. Các phân khúc còn lại hầu như không ghi nhận nguồn cung mở bán mới trong tháng.
Mặc dù hầu hết dự án chỉ mở bán từ 150-200 căn, nhưng nguồn cầu thị trường vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Tỷ lệ hấp thụ chung ở các dự án “chạm đáy” thấp nhất trong hơn 3 năm trở lại đây, dao động chỉ từ 16-26% số hàng mở bán trong tháng.
Trong bối cảnh đó, phần lớn chủ đầu tư lựa chọn dời thời gian mở bán lại vào tháng 9/2022 để gia tăng thời gian truyền thông nhằm tăng hiệu quả bán hàng hơn. Do đó nguồn cung trong tháng 8 tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đang rất hạn chế, chỉ chiếm 56% so với tháng trước.
Diễn biến này cho thấy thị trường căn hộ đang có những điều chỉnh từ phía các chủ đầu tư để thích ứng với thực tế thị trường.
Trong một chia sẻ trước đó, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc Nghiên cứu Savills chi nhánh TP.HCM, cho biết hiện có sự thay đổi trong chiến lược mở bán của các doanh nghiệp khi quá trình mở bán mất nhiều thời gian hơn. Các oanh nghiệp chú trọng hơn đến các hoạt động tiền mở bán, nhận booking sau đó mới tiến hành tung sản phẩm ra bán chính thức. Điều này giúp cho việc khi mở bán dự án sẽ có tỷ lệ tiêu thụ tốt.
Giá bán đi ngang
Tính chung thị trường căn hộ TP.HCM và các vùng phụ cận, trong tháng 8 có 11 dự án mở bán, nhưng chỉ có 01 dự án mới, 10 còn lại mở bán giai đoạn tiếp theo.
Theo DKRA, mặt bằng giá sơ cấp và thứ cấp đi ngang với thanh khoản thị trường ở mức thấp trước động thái hạn chế giải ngân cho vay mua bất động sản của các ngân hàng thương mại. Riêng đối với một số khu đô thị hình thành hiện hữu, tiện ích đồng bộ, tiến độ xây dựng nhanh chóng ghi nhận giá bán sơ cấp tăng 15-18% so với cùng kỳ.
"Với việc chủ trương đẩy mạnh phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội hiện nay trên địa bàn thành phố, nguồn cung mới phân khúc này được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến rõ nét. Thời gian tới, với khả năng việc hạn chế giải ngân cho vay mua bất động sản được nới lỏng, thị trường có thể hồi phục vào thời điểm cuối năm nhưng sẽ khó có sự đột biến trong ngắn hạn", DKRA nhận định về thị trường căn hộ TP HCM.
Việc lệch pha cung - cầu ở nhiều cấp độ cũng bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn trong nửa đầu năm 2022. Nguồn cung của thị trường sơ cấp có nhiều tín hiệu tăng trong 6 tháng tiếp theo, nhưng sẽ tập trung nhiều ở phân khúc cao cấp (trên 55 triệu đồng/m2), trong khi phân khúc trung cấp (từ 35 - 55 triệu đồng/m2) và bình dân (dưới 35 triệu đồng/m2) tiếp tục thiếu hụt. Do đó, giá bán ở thị trường sơ cấp có nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao
Với những khó khăn về cả mặt nguồn vốn cũng như giá cả, thị hiếu của người mua trong thời điểm nửa cuối năm 2022 sẽ tập trung nhiều hơn cho phân khúc căn hộ đã bàn giao, có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu với đầy đủ tính pháp lý.
Xem thêm: