Giới quan sát cảnh báo ngành công nghiệp địa ốc Trung Quốc có thể chứng kiến thêm nhiều công ty vỡ nợ trong năm nay, kéo tụt tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.
CNBC đưa tin theo công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's, thước đo mức độ rủi ro đối với nợ ở châu Á đã vượt ngưỡng cao nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Nguyên nhân chính là sự tụt hạng của các công ty bất động sản Trung Quốc.
Theo Moody's, trong danh mục đầu tư "tương đối rủi ro" của các công ty lãi suất cao ở châu Á (ngoại trừ Nhật Bản), tỷ lệ cổ phiếu được xếp hạng B3 - tức có yếu tố đầu cơ và rủi ro cao - hoặc thấp hơn đã tăng lên mức kỷ lục 30,5% vào tháng 5.
Tỷ lệ này cao hơn mức 27,3% vào tháng 5/2009, khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thời điểm đó, chỉ 3 tập đoàn bất động sản Trung Quốc nằm trong số các trái phiếu rủi ro cao. Để so sánh, con số trong năm nay lên tới 24 công ty.
Rủi ro cao
Trái phiếu lãi suất cao mang lại lợi nhuận lớn hơn, nhưng cũng có rủi ro cao hơn các sản phẩm được xếp vào "hạng đầu tư". Trong hệ thống của Moody's, B3 là mức thấp nhất trong danh mục tài sản "đầu cơ và có rủi ro tín dụng cao".
Mức độ rủi ro của trái phiếu châu Á đi lên vì một loạt tập đoàn bất động sản Trung Quốc bị tụt hạng tín nhiệm. Giới quan sát nghi ngại về khả năng trả nợ của những công ty này. Trong 9 tháng qua, Moody's đã có 91 lần hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của các tập đoàn địa ốc Trung Quốc. Cơ quan này cho biết đó là tốc độ hạ bậc chưa từng có.
Báo cáo nhấn mạnh rằng một số trái phiếu của các tập đoàn địa ốc Trung Quốc đã bị hạ bậc hơn một lần. Những cái tên thuộc hạng B3 hoặc thấp hơn bao gồm China Evergrande, Greenland, Agile Group, Sunac, Logan, Kaisa và R&F.
"Việc hạ bậc cho thấy ở thời điểm hiện tại, các tập đoàn địa ốc Trung Quốc đang hoạt động trong môi trường khó khăn với điều kiện tài chính bị thắt chặt", bà Kelly Chen - Phó chủ tịch kiêm nhà phân tích cấp cao tại Moody's Investors Service - nhận định.
"Chúng tôi nhận thấy doanh số bán nhà (theo hợp đồng) vẫn còn yếu, các chính sách hỗ trợ vẫn chưa mang lại sự phục hồi đáng kể", bà bình luận. Vị chuyên gia cho rằng tác động có thể rõ ràng hơn trong nửa cuối năm nay.
Năm nay, giới chức Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản đang đè nặng lên nền kinh tế thứ 2 thế giới. Những biện pháp hỗ trợ được đưa ra bao gồm kêu gọi các nhà băng cho vay nhiều hơn, giảm lãi suất vay thế chấp và nới lỏng một số quy định về việc sở hữu nhà đất.
Nhưng theo ông Hans Fan - Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu Trung Quốc và Hong Kong tại CLSA, các ngân hàng thương mại vẫn thận trọng với ngành công nghiệp bất động sản, nhất là với những tập đoàn tư nhân.
Thay vào đó, từ đầu năm đến nay, các nhà băng tập trung cho vay đối với doanh nghiệp quốc doanh trong những thương vụ mua bán và sáp nhập.
Làn sóng vỡ nợ
Thêm vào đó, các tập đoàn địa ốc Trung Quốc cũng gặp khó trong việc huy động vốn từ những thị trường nước ngoài.
"Các điều kiện tín dụng đang bị thắt chặt. Do đó, thị trường trái phiếu USD cũng không mấy cởi mở với những trái phiếu châu Á lãi suất cao", Moody's nhận định. Do đó, khối lượng phát hành trái phiếu lãi suất cao đã giảm 93% trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,2 tỷ USD.
Trong 2 năm qua, ngành công nghiệp bất động sản của Trung Quốc chịu sức ép lớn từ chính quyền Bắc Kinh. Nước này muốn kìm giá nhà và hạ đòn bẩy trong một lĩnh vực đã tăng trưởng quá nóng nhờ vay nợ ồ ạt.
Nhiều tập đoàn địa ốc, điển hình là China Evergrande, rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt. Giới đầu tư lo ngại bom nợ trong lĩnh vực địa ốc sẽ lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế. China Evergrande vỡ nợ vào tháng 12 năm ngoái. Một số tập đoàn địa ốc khác cũng vỡ nợ hoặc không trả lãi suất đúng hạn.
Bà Chen tại Moody's cảnh báo rằng trong năm nay, sẽ có thêm nhiều tập đoàn địa ốc khác của Trung Quốc vỡ nợ. Công ty ước tính bất động sản và các lĩnh vực liên quan chiếm tới 28% GDP của Trung Quốc.
Hôm 14/6, Moody's cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2022 từ 5,4% xuống còn 4,2%. Nguyên nhân là tác động của dịch bệnh, sự suy yếu của thị trường bất động sản và những rủi ro địa chính trị.
Các số liệu của ngành bất động sản cũng phơi bày bức tranh u ám. Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, đầu tư bất động sản trong 5 tháng đầu năm 2022 đã giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhà mới tại 70 thành phố của Trung Quốc trong tháng 5 đã giảm 0,17% so với tháng 4. Mức giảm là 0,3% trong tháng 4.
Một số dấu hiệu chỉ ra thị trường nhà ở Trung Quốc chuẩn bị phục hồi. Theo dữ liệu chính thức, doanh số bán nhà mới đã tăng 26% trong tháng 4, đánh dấu mức tăng hàng tháng lần đầu kể từ tháng 12/2021. Tuy nhiên, việc nới lỏng các biện pháp chống dịch tại Trung Quốc có thể là quá muộn để giải cứu một số tập đoàn địa ốc nợ nần. Giá nhà cũ đã giảm 0,39% so với một tháng trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2015.
Theo:
Zingnews