Hạng F
Super Moderators
11/2/15
7.775
18.750
113
Lâm Đồng
Triển lãm Ô tô Việt Nam 2024 (Vietnam Motor Show 2024 - VMS 2024) đã trở thành sự kiện quan trọng và uy tín của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, là cầu nối giữa các thương hiệu lớn và người tiêu dùng. Trải qua nhiều thăng trầm, từ những giai đoạn rực rỡ đến những thử thách không lường trước, đến nay VMS vẫn bền bỉ và tiếp tục đổi mới để giữ vững vị trí dẫn đầu, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người tham quan.

Trước thềm VMS 2024, nhìn lại lịch sử hơn 20 năm của triển lãm Vietnam Motor Show


Vietnam Motor Show 2024 được tổ chức với sự hợp tác của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), Nhóm các Nhà nhập khẩu Ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA) và Hiệp hội các Nhà sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM); và vai trò đồng tổ chức của Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ triển lãm C.I.S Việt Nam và Công ty TNHH Lê và Anh Em (Le Bros) – những đơn vị có nhiều kinh nghiệm tổ chức Vietnam Motor Show trong suốt nhiều năm qua.

Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 27/10/2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC, quận 7, TP. Hồ Chí Minh) với sự tham gia của 19 thương hiệu xe cùng gần 300 trăm gian hàng ngành công nghiệp phụ trợ.

Trước thềm VMS 2024, nhìn lại lịch sử hơn 20 năm của triển lãm Vietnam Motor Show


Với chủ đề “Công nghệ mở tương lai xanh”, Vietnam Motor Show 2024 thể hiện cam kết của các thương hiệu trong việc mang đến những giải pháp di chuyển xanh và bền vững. Triển lãm lần này không chỉ giới thiệu các dòng xe điện hoá, hybrid tiên tiến, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ để bảo vệ môi trường.

Đồng hành cùng Vietnam Motor Show qua nhiều mùa tổ chức, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Công ty Le Bros đã có những chia sẻ sâu sắc về những thách thức và cách mà Ban Tổ chức đã không ngừng đổi mới để mỗi kỳ triển lãm đều mang tính sáng tạo và thu hút công chúng.

Được biết Le Bros là đơn vị tham gia tổ chức Triển lãm Ô tô Việt Nam 12 năm nay, xin ông cho biết cơ duyên nào khiến công ty của ông gắn bó với sự kiện quan trọng này của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam?

Triển lãm Ô tô Việt Nam, do Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) tổ chức đến nay đã có hành trình hơn 20 năm. Năm nay đánh dấu lần hợp tác thứ 4 của VAMA với Nhóm các nhà nhập khẩu Ô tô Chính hãng Việt Nam (VIVA), và cũng là lần đầu tiên có thêm sự đồng hành của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM). Từ năm 2012, với sự tham gia mở rộng của các thương hiệu ô tô nhập khẩu, chúng tôi đã có cơ hội tiếp cận và trở thành một trong những đối tác song hành khá liên tục với VMS. Hồi đó, các thương hiệu ô tô phối hợp với nhau, tìm kiếm các đối tác tổ chức mới, phù hợp với tình hình phát triển đột phá. Le Bros đã bắt tay với CIS Vietnam - một công ty chuyên tổ chức triển lãm uy tín và theo đuổi triết lý về chất lượng tương đồng, thành lập một liên danh mạnh, chinh phục được những yêu cầu khó từ các hãng ô tô.

Như chúng ta đã biết, thị trường ô tô Việt Nam tạm chia thành hai khối - khối sản xuất, lắp ráp trong nước và khối nhập khẩu nguyên chiếc. Khi thị trường trở nên sôi động, với sự tham gia ngày một mạnh mẽ của các thương hiệu ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, đồng thời xuất hiện nhiều hơn các nhà sản xuất lắp ráp trong nước, yêu cầu cho nhà tổ chức ngày càng khắt khe hơn, chuẩn mực được nâng cao, và đặc biệt là yêu cầu đổi mới liên tục về công nghệ cũng như truyền thông. Đó là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội cho liên danh CIS Vietnam - Le Bros, vì bản thân hai công ty chúng tôi đã tự đặt ra những tiêu chuẩn cao nhất về tổ chức triển lãm, tổ chức sự kiện và quảng cáo, truyền thông.

Trước thềm VMS 2024, nhìn lại lịch sử hơn 20 năm của triển lãm Vietnam Motor Show


Lịch sử triển lãm VMS trải qua khá nhiều thăng trầm, có những giai đoạn nở rộ rực rỡ nhưng cũng có những năm tương đối trầm lắng. Ông nhận xét thế nào về điều này?

Ngành công nghiệp ô tô và thị trường ô tô, nhìn chung có xu hướng tăng trưởng, đi lên. Nhưng phải công nhận là thị trường ô tô khá nhạy cảm với sự biến động của nền kinh tế. Tôi còn nhớ rằng có những năm, mặc dù không gian triển lãm bị giới hạn nhưng số lượng các hãng xe tham gia trưng bày rất đông, không hiếm những thương hiệu siêu sang. Nhưng cũng có những thời điểm không thể tổ chức – ví dụ như giai đoạn trong và sau Covid-19. Cũng có những năm có đến 2 triển lãm ô tô, bên cạnh VMS còn có triển lãm ô tô quốc tế VIMS dành cho các thương hiệu nhập khẩu. Có giai đoạn Hà Nội không có cơ sở hạ tầng phù hợp tiêu chuẩn để tổ chức triển lãm ô tô, VMS bị thu hẹp và sau này chuyển hẳn vào Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn – SECC.

Bản thân liên danh CIS Vietnam – Le Bros không phải năm nào cũng được chọn làm đối tác tổ chức. Có những năm, yếu tố giá thuê mặt bằng nhạy cảm đến mức chúng tôi thua thầu vì chênh lệch giá vài điểm phần trăm. Tuy vậy, tôi phải nhấn mạnh rằng, về cơ bản, VMS chính là cái hàn thử biểu, phản ánh khá chân thực bối cảnh thị trường và sức hấp dẫn của ngành công nghiệp này.

Chi phí có phải là vấn đề quan tâm lớn đối với các hãng xe tham gia triển lãm hay không, đặc biệt là thời điểm hiện nay, trong giai đoạn kinh tế khó khăn và thị trường ô tô hạ nhiệt?

Đối với các nhà triển lãm, chi phí luôn luôn là một vấn đề phải cân nhắc. Tại VMS hay bất cứ một hội chợ, triển lãm nào cũng vậy. Tuy nhiên, chi phí có nhiều mảng. Chi phí để thuê mặt bằng, không gian xây dựng gian hàng triển lãm thì không lớn. Liên danh CIS Vietnam – Le Bros luôn luôn có những giải pháp tối ưu chi phí cho các thương hiệu, thậm chí chúng tôi có những giải pháp hỗ trợ ngược lại cho các nhà triển lãm. Tuy nhiên, chi phí để đầu tư xây dựng gian hàng, tổ chức sự kiện, bố trí nhân sự, và nhất là chi phí để đưa những mẫu xe mới, công nghệ mới đến với triển lãm là những thứ đáng kể.

Chúng tôi luôn nỗ lực hỗ trợ công tác tổ chức triển lãm, truyền thông, quảng bá, thu hút khách hàng, kể cả trên các không gian số, để chi phí của các hãng ô tô, xe máy trở thành các khoản đầu tư hiệu quả, mang lại lợi ích cao. Tôi nghĩ rằng, khi các hãng xe có thể cân đối được ngân sách đầu tư với kỳ vọng về hiệu quả kinh doanh, sẽ thấy VMS là một nền tảng marketing và bán hàng rất đáng quan tâm. Đối với ngành ô tô – xe máy trên thế giới, triển lãm, trưng bày, phô diễn công nghệ mới, thiết kế mới là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái thị trường.

Trước thềm VMS 2024, nhìn lại lịch sử hơn 20 năm của triển lãm Vietnam Motor Show


Như vậy, truyền thông, marketing thu hút khách tham quan là chiến lược rất quan trọng đối với VMS, thưa ông?

Đúng vậy. Đó là một phần cực kỳ quan trọng đối với nhà tổ chức. Mỗi năm, chúng tôi đều phải đưa ra một kế hoạch thực thi có khả năng thu hút ngày càng tăng số lượng khách đến tham quan triển lãm trực tiếp và cả gián tiếp. Các bạn thấy đấy, VMS lâu nay chỉ có thể tổ chức tại TP.HCM, và từ nay đến khi có thể đưa VMS quay lại Hà Nội, chúng tôi hiểu rằng việc đưa hàng trăm ngàn khách tham quan đến SECC mới chỉ là một nửa nhiệm vụ. Phần còn lại là giới thiệu rộng rãi những mẫu xe mới, những công nghệ mới đến với đông đảo khách hàng tiềm năng trong cả nước, thu hút họ đến các showroom, đại lý của các hãng ô tô, xe máy, lên website của họ, hoặc ghé thăm các trang fanpage trên mạng xã hội.

Hiệu quả truyền thông không chỉ đo đếm bằng số lượng khách trực tiếp đến triển lãm trong 5 ngày tổ chức, mà bằng số lượng đối tượng truyền thông chúng tôi có thể tiếp cận, mức độ tương tác với các sản phẩm truyền thông, và quan trọng nhất là mức độ cảm nhận được những thông điệp mà VMS và các thương hiệu tham gia triển lãm muốn truyền tải. Đây là thế mạnh đặc biệt của liên danh CIS Vietnam – Le Bros khi cống hiến kỹ năng, giải pháp và nhất là sự sáng tạo cho các kỳ triển lãm VMS mà chúng tôi tham gia.

Công nghệ đóng vai trò như thế nào đối với việc tổ chức VMS, đặc biệt là sự kiện năm nay?

Nói đến ô tô là nói đến công nghệ. Bên cạnh trình diễn các công nghệ ô tô mới nhất, khách tham quan cũng kỳ vọng có những trải nghiệm công nghệ mới trong các hoạt động tại triển lãm cũng như ứng dụng công nghệ trong truyền thông. Ngay từ những năm đầu đảm nhiệm công tác tổ chức VMS, chúng tôi đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến và được cập nhật qua từng năm. Tôi nhớ rằng VMS là sự kiện ứng dụng công nghệ Bluetooth Low Energy đầu tiên ở Việt Nam, cho phép gửi thông tin sản phẩm hoặc khuyến mại cho người tham quan khi lọt vào các vùng của từng thương hiệu xe.

Năm nay, chúng tôi cũng áp dụng những giải pháp công nghệ mới, từ trí tuệ nhân tạo, thực tại tăng cường, đến các giải pháp hình ảnh. Ví dụ như chúng tôi đã ứng dụng Generative AI cho chatbot của VMS, công nghệ text to voice cho các bản tin hàng ngày, hoặc đưa AR vào trò chơi tương tác với đối tượng mục tiêu.

Mặt khác, chúng tôi cũng ứng dụng xu hướng truyền thông mới để gia tăng tính tương tác với người dùng và khán giả, như livestreaming và podcast. Sẽ có rất nhiều phương thức để tạo ra trải nghiệm phong phú cho các đối tượng mục tiêu cần thu hút.

Có thể nhận thấy rằng chúng ta thường gặp khó khăn trong việc đưa những mẫu xe với những công nghệ mới nhất về Việt Nam, cần độ trễ 1-2 năm bởi chính sách của Nhà nước đối với những mẫu xe nhập ngoại, tác động rất lớn đến sức hút của VMS đối với giới mộ điệu Việt Nam. Ông nhận xét gì về điều này?

Thực tế Việt Nam chưa phải là một thị trường trọng điểm của công nghiệp ô tô thế giới, nên chưa được ưu tiên tiếp cận đến những công nghệ mới nhất. Thị trường Việt Nam cũng chưa đủ lớn. Tuy vậy, các hãng xe đều rất nỗ lực trong việc giới thiệu những mẫu xe mới, những công nghệ mới, cập nhật theo xu thế chung của thế giới. Do vậy, đến VMS, bao giờ chúng ta cũng sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm mới hơn, có thể là những mẫu xe đang được bán chạy ở các quốc gia tiên tiến.

Như năm nay, với trọng tâm là công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, sẽ có những mẫu xe điện khí hoá, sử dụng các công nghệ hạn chế tác động đến môi trường. Điều này cũng nằm trong lộ trình cắt giảm khí thải, tiến tới net zero mà chính phủ đã đặt ra.

Trước thềm VMS 2024, nhìn lại lịch sử hơn 20 năm của triển lãm Vietnam Motor Show


Công tác tổ chức VMS năm nay có những gì mới, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, về nguyên tắc, các nhà tổ chức đều nỗ lực ngày càng hoàn thiện công tác tổ chức, đặc biệt đối với một sự kiện đã có lịch sử lâu năm như Triển lãm Ô tô và Xe máy Việt Nam. Tính chuyên nghiệp và khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của các đơn vị triển lãm cũng như khách tham quan là nhiệm vụ hàng đầu. Qua mỗi năm, chúng tôi phải lắng nghe phản ánh từ thị trường, từ người tham quan, đặc biệt là báo chí, truyền thông, để rút kinh nghiệm, hoàn thiện hơn mọi khâu trong quá trình tổ chức, vận hành triển lãm.

Trong những kỳ VMS do liên danh CIS Vietnam – Le Bros thực hiện, chúng tôi đều đặt tiêu chí chỉn chu, chính xác và trải nghiệm thuận tiện lên hàng đầu. Năm nay, chúng tôi còn chú trọng đến trải nghiệm thú vị và tương tác cao với khách hàng, người tham quan triển lãm, thông qua các giải pháp công nghệ như đã nói ở trên.

Một điểm nữa là, với toàn bộ không gian triển lãm tại SECC, lớn hơn nhiều so với các kỳ triển lãm trước đây, chúng ta có cả các thương hiệu xe máy tham gia, mở rộng hơn nữa tệp khách hàng tham dự VMS. Có nhiều thương hiệu ô tô lần đầu tiên tham gia VMS, cũng sẽ là những trải nghiệm thú vị.

>>> Xem thêm:
Các bác thấy sao về triển lãm Vietnam Motor Show 2024 lần này?
 
Chỉnh sửa cuối:
Hạng D
22/1/19
4.528
8.403
113
Đồng ý rằng, bản tính của con người là nhanh chán, thích mới lạ. Nhưng cũng không thể phủ nhận, VMS đang giảm dần sức ảnh hưởng và tính hiệu quả trong kinh doanh của nó. Nếu không thì tại sao ngày có càng nhiều hãng xe rút khỏi triển lãm này? Nhà tổ chức nên tìm hiểu sâu xa về nguyên nhân và tìm cách cải thiện ...
 
Hạng D
14/8/16
2.101
2.559
113
40
Đồng ý rằng, bản tính của con người là nhanh chán, thích mới lạ. Nhưng cũng không thể phủ nhận, VMS đang giảm dần sức ảnh hưởng và tính hiệu quả trong kinh doanh của nó. Nếu không thì tại sao ngày có càng nhiều hãng xe rút khỏi triển lãm này? Nhà tổ chức nên tìm hiểu sâu xa về nguyên nhân và tìm cách cải thiện ...
Vì người tiêu dùng thích mua xe có thông số giấy tờ tốt hơn, nghe rì-viu hơn là tự cảm nhận thực tế. Nên các hãng không muốn tham gia triễn làm vì quá dễ so sánh. Một buổi học có thể lái thử 3-4 hãng xe ưu nhược gì so sánh được hết.
 
Hạng D
22/1/19
4.528
8.403
113
Vì người tiêu dùng thích mua xe có thông số giấy tờ tốt hơn, nghe rì-viu hơn là tự cảm nhận thực tế. Nên các hãng không muốn tham gia triễn làm vì quá dễ so sánh. Một buổi học có thể lái thử 3-4 hãng xe ưu nhược gì so sánh được hết.
Không đơn giản vậy đâu bác. Vào triển lãm không phải hãng nào cũng có xe lái thử. Và nếu có lái thử thì cũng 1 đoạn đường 1-2km, chẳng bõ bàng gì cả.
Nguyên nhân chính ở đây, có thể đến từ việc chi phí hãng phải bỏ ra khi tham gia triển lãm là quá cao so với lợi ích họ thu về. Ngày trước thông tin còn ít, không nhiều chỗ trải nghiệm. Nên nhiều khách khi đến triển lãm, họ có thể chốt mua xe, cọc xe luôn. Còn bây giờ có nhiều nguồn tin tham khảo hơn, nhiều sự lựa chọn hơn, nên người ta cũng đắn đo, cân nhắc thay vì chốt deal tại chỗ.
Giờ hãng nào cũng có showroom lớn cả, nên khách muốn xem xe gì là có xe đó, không cần đợi triển lãm. Chỉ có hãng nào muốn giới thiệu xe mới, hoặc muốn làm nổi lại hình ảnh thương hiệu mới cần tới triển lãm. Còn không thì người ta sẽ dùng kinh phí đó cho marketing, bán hàng để tối ưu hiệu quả kinh doanh.