Giáo viên phải chú trọng truyền đạt các kỹ năng lái xe và học viên phải thao tác nhuần nhuyễn thay vì chỉ truyền đạt, học vẹt lý thuyết.
Từ ngày 1-6, Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe có hiệu lực.
Theo ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM, Thông tư 12/2017 có nhiều điểm mới hơn so với Thông tư 58/2015. Theo đó, các cơ sở đào tạo, sát hạch phải chú trọng truyền đạt các kỹ thuật lái xe có tính thực tế cao và học viên phải thao tác nhuần nhuyễn thay vì chỉ dạy và học vẹt lý thuyết.
Thông tư 12/2017 cũng mở ra cơ hội cho người khuyết tật được học và có bằng lái hạng A1 hoặc B1. Nhưng với hạng A1, xe cho người khuyết tật tập phải là xe ba bánh chế tạo riêng biệt cho người khuyết tật (tay hoặc chân).
Xe số tự động cho người khuyết tật học lấy bằng B1 phải là xe của cơ sở đào tạo hoặc là xe của chính người khuyết tật nhưng phải đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Người cụt tay phải, lái xe hai bánh có tay ga chuyển qua tay trái (nơi được "độ" lại thành tay phanh) như thế này sẽ không được cấp bằng lái A1 và sẽ bị xử phạt khi lưu thông vì không có bằng lái và lái loại xe không phù hợp.
Thông tư 12/2017 quy định người lái xe chuyên nghiệp các hạng C, D, E muốn nâng lên hạng bằng FC (lái xe đầu kéo container) phải có thời gian lái các loại xe trên từ 3 năm trở lên thay vì một năm như quy định cũ.