Đơn vị bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường thiệt hại với tài xế lái xe khi trong hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy.
Nội dung này lần đầu được quy định trong Nghị định 03/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có hiệu lực từ 1/3.
Theo đó, Chính phủ thay thế quy định áp dụng từ 13 năm trước là tài xế bị thu hồi Giấy phép lái xe thì cũng sẽ bị coi như không có Giấy phép lái xe. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không thanh toán cho trường hợp này.
Ngoài các điểm mới trên, từ tháng 3, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không thanh toán với các trường hợp được quy định từ năm 2008 như: Cố ý gây thiệt hại của chủ xe; lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy; lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp; thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp; thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn, chiến tranh, khủng bố, động đất; thiệt hại đối với tài sản là vàng, bạc, đá quý, tiền.
Theo Nghị định 03/2021, Chính phủ lần đầu đưa ra loại
Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, có nội dung đầy đủ như bảo hiểm giấy, trong đó có thông tin chủ xe, loại xe, mã số, mã vạch...
Để tạo điều kiện cho người mua bảo hiểm, Chính phủ lần đầu quy định người mua sẽ được tạm ứng con số cụ thể, thay vì chung chung như trước. Theo đó trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp phải tạm ứng bồi thường tối đa 70% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/người/vụ đối với trường hợp tử vong; 50% đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu...
Thời hạn được ghi trên bảo hiểm cũng tăng so với quy định hiện hành. Với xe môtô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo Luật Giao thông đường bộ, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là một năm và tối đa là ba năm (quy định hiện nay là một năm)...
Nguồn:
vnexpress