Sở GTVT TP.HCM hướng dẫn lộ trình từ TP.HCM đi các tỉnh phía Bắc, miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ để tránh kẹt xe dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Để thuận lợi cho người dân từ TP.HCM về các tỉnh nghỉ tết Nguyên đán 2024, Sở GTVT TP.HCM gợi ý 3 hướng đi các tỉnh Đông Nam Bộ, 2 cách đi các tỉnh phía Bắc và 4 lộ trình về các tỉnh miền Tây.
Cửa ngõ miền Tây thường kẹt xe vào những ngày làm việc cuối cùng trong năm.
Từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên
Lộ trình gợi ý từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên (Nguồn: Sở GTVT TP.HCM).
Ở hướng tuyến này có 3 lộ trình, trong đó
lộ trình 1 (dành cho các loại xe): Từ bến xe Miền Đông cũ theo quốc lộ 13 qua Bình Dương theo quốc lộ 14 hoặc đường ĐT741 để lên Bình Phước đi Tây Nguyên.
Lộ trình 2: Từ bến xe Miền Đông cũ, cũng theo trục tuyến quốc lộ 13 nhưng khi qua cầu Bình Triệu sẽ theo đường Phạm Văn Đồng ra quốc lộ 1 - cầu Đồng Nai → Cầu vượt Ngã 3 Vũng Tàu → quốc lộ 1 (Ngã ba Dầu Giây) → quốc lộ 20 đi lên Đà Lạt.
Lộ trình 3: Trục tuyến quốc lộ 13 -> đường Đinh Bộ Lĩnh → đường Bạch Đằng → đường Xô Viết Nghệ Tĩnh → đường Điện Biên Phủ → cầu Sài Gòn → đường Võ Nguyên Giáp → đường Mai Chí Thọ → đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây → quốc lộ 1 (Ngã ba Dầu Giây) → quốc lộ 20.
Từ TP.HCM đi các tỉnh phía Bắc:
Lộ trình gợi ý từ TP.HCM đi các tỉnh phía Bắc (Nguồn: Sở GTVT TP.HCM).
Nếu từ TP.HCM đi ra các tỉnh phía Bắc hiện có 2 lộ trình đáng lựa chọn.
Trong đó,
lộ trình 1 (dành cho các loại xe): Bến xe Miền Đông mới theo tuyến quốc lộ 1 đến cầu Đồng Nai qua Ngã 3 Vũng Tàu → quốc lộ 51 → đường Võ Nguyên Giáp (đường tránh thành phố Biên Hòa) → quốc lộ 1 (Ngã ba Dầu Giây) → các tỉnh phía Bắc.
Với lộ trình này, phương tiện phải đi qua nội đô của thành phố Biên Hòa, huyện Trảng Bom nên khả năng ùn tắc, kẹt xe xảy ra. Tuy vậy, đây là lộ trình dành cho cả ô tô và xe gắn máy.
Lộ trình 2: Cũng từ bến xe Miền Đông mới theo quốc lộ 1 nhưng khi qua cầu Đồng Nai sẽ theo quốc lộ 51 để đi về hướng cao tốc Long Thành – Phan Thiết - Vĩnh Hảo rồi ra các tỉnh phía Bắc. Điểm mới của lộ trình này là năm nay đã thông 200km cao tốc từ TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo nên sẽ thuận lợi hơn. Lộ trình này chỉ dành cho ô tô, xe gắn máy không đi được.
Tuy vậy, trên tuyến hiện chỉ có một trạm dừng chân tại Km43 đoạn Long Thành, nên người đi đường cũng nên canh thời gian nghỉ ngơi, đi vệ sinh.
Từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây:
Lộ trình gợi ý từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ (Nguồn: Sở GTVT TP.HCM).
Với hướng từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, năm nay có thêm lựa chọn khi hơn 120km cao tốc từ TP.HCM về Cần Thơ đã thông tuyến.
Với lộ trình 1: Từ Bến xe Miền Tây theo quốc lộ 1 để vào đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương về các tỉnh miền Tây. Ở cao tốc này có những hướng rẽ xuống Bến Lức, Tân An (Long An); Qua Tiền Giang, Bến Tre (nút giao Thân Cửu Nghĩa); Tiếp tục theo cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đến quốc lộ 30 rẽ về Đồng Tháp, Vĩnh Long hoặc tiếp tục qua cầu Mỹ Thuận 2 qua nút giao quốc lộ 80. Tại đây nếu rẻ ra quốc lộ 80 có thể về Vĩnh Long, Sa Đéc. Nếu tiếp tục theo cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ đến nút giao Chà Và, cách cầu Cần Thơ tầm 2km. Qua cầu Cần Thơ là đến Tây Đô thơ mộng.
Tất nhiên, với lộ trình đi theo cao tốc này chỉ dành riêng cho ô tô, không cho xe gắn máy lưu thông. Trên toàn tuyến cao tốc hơn 120km hiện cũng mới chỉ có một trạm dừng nghỉ trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương đoạn qua Bến Lức. Vì vậy, người điều khiển phương tiện cũng cân nhắc về lộ trình nghỉ ngơi, đổ xăng, vệ sinh.
Lộ trình 2 là từ TP.HCM theo quốc lộ 1 về các tỉnh miền Tây. Đây là lộ trình truyền thống, cho cả ô tô và xe máy. Nhược điểm của lộ trình này là đi qua nhiều đô thị, nên có thể ùn tắc trong những ngày gần tết khi lượng khách về nhiều. Nhưng ngược lại, với lộ trình này nếu đi xe gắn máy sẽ có nhiều điểm nghỉ ngơi, cafe võng, ăn uống dọc đường. Thậm chí, hên sẽ còn gặp các chiến sĩ CSGT phát nước miễn phí dọc đường để hỗ trợ người dân về quê an toàn.
Lộ trình 3 là cho người dân từ các quận 12, Hóc Môn, Củ Chi theo tuyến đường N2 đi về Long An, Đồng Tháp, qua cầu Vàm Cống để đến An Giang, Kiên Giang. Tuyến N2 lâu nay là lựa chọn của nhiều người đi xe gắn máy, bởi rút ngắn lộ trình so với đi quốc lộ 1 về các tỉnh phía Tây của vùng ĐBSCL.
Lộ trình 4 là với những người ở hướng quận 7, Nhà Bè có thể theo quốc lộ 50 đi qua Gò Công (Tiền Giang) để về Bến Tre, Sóc Trăng. Hướng tuyến này cũng dành cho cả ô tô và xe gắn máy lưu thông.
Ngoài các lộ trình chính thức kia, một tuyến đường nhỏ mà nhiều người đi xe gắn máy hay lựa chọn là đi dọc đường song hành cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Tuyến này bắt đầu từ đoạn đường dẫn vào cao tốc (huyện Bình Chánh), theo đường song hành để về Long An, Tiền Giang cũng rất thuận lợi. Tuy vậy, đi tuyến này phải thông thạo đường, đi theo bản đồ hướng dẫn trên mạng có thể lạc lối.
>>>> Xem thêm:
Thông tin đến các bác ạ