Tuyệt chiêu
giải quyết vấn đề khi va chạm giao thông. Va quệt là điều đáng tiếc, ngoài ý muốn của các bên liên quan. Hết sức bình thường cho dù ở các nước phát triển hay đang/kém phát triển. Chỉ có điều ở các nước đang/kém phát triển thì việc dùng lời lẽ thiếu văn hoá, dùng nắm đấm, dùng cơ bắp để giải quyết xem ra có phần phát triển hơn. Đây là thực trạng đáng buồn mà Việt Nam ta không ngoại lệ.
Vậy khi không may xảy ra chúng ta nên cư xử thế nào để chứng tỏ ta có văn hoá, sống trên đất nước có truyền thống văn hoá. Đầu tiên dùng gương mặt để biểu cảm sự việc đáng tiếc ngoài ý muốn; cử chỉ thân thiện, sắn sàng giúp đỡ; lời nói khiêm nhường lịch sự; biết cách lắng nghe và đối thoại xây dựng.
Cho dù ta đúng hay sai, hãy ân cần hỏi thăm, nâng giúp người già, người khuyết tật, trẻ nhỏ, phụ nữ. Nếu ta sai, hãy xin lỗi chân thành, nhận trách nhiệm. Chấp nhận bồi thường, xem đó là việc không may mắn ngoài ý muốn.
Nếu ta đúng cũng không nên sửng cồ mà bình tĩnh thuyết phục. Cả hai bên nên hợp tác, di chuyển phương tiện vào lề đường để tránh gây ùn tắc. Cho dù đúng hay sai, ta nên tranh thủ sự ủng hộ hoặc cảm thông, tìm đồng minh từ những người dân xung quanh bằng lời nói, cử chỉ, hành động thân thiện, dễ gần, dễ mến.
Phức tạp hơn là những tình huống mà hai bên cùng cho rằng mình đúng. Hoặc hai bên cùng có lỗi, lỗi nhiều hơn hay ít hơn mà thôi. Có những tình huống nhạy cảm, do nhận thức hoặc truyền đạt mà cả hai đều không hiểu giống nhau. Cãi vã hay hơn thế nữa bắt đầu từ đây. Những tình huống như thế, người khôn ngoan nên biết tranh thủ người dân xung quanh, nói rất ít thôi, nhưng đã nói phải chính xác và thuyết phục. Tránh nói dài dòng lèm bèm, quanh co.
Không nên khoe em anh nọ, cháu anh kia...chỉ tổ làm người dân thêm ghét. Nếu có phải "khoe" như một tiểu xảo để đối tượng kia bớt manh động thì cũng phải khéo và chỉ nên "khoe" với bản thân đối tượng đó, cùng với rất ít đứng quanh.
Tránh lăng mạ, hạ nhục đối tượng kia trước chố đông người. Vì sĩ diện, đối tượng rất dễ bị kích động và trở nên khó kiểm soát. Bằng kinh nghiệm, sự từng trải, nhanh chóng nhận diện, nghe nhạc hiệu đoán chương trình, đọc vị đối tượng xem thuộc thể loại nào?
Trên đây là những những kinh nghiệm ứng xử với những va quệt bình thường, với người bình thường. Còn với đối tượng ỷ vào cơ bắp, thích bắt nạt thì sao?
Vẫn nên bám sát các kinh nghiệm kể trên. Nhưng phải phán đoán rất nhanh "đối tượng muốn gì?". Nếu buộc phải "so găng", ta có lại được không? Hãy luôn nhớ rằng so găng là giải pháp tồi, giải pháp cuối cùng. Giải pháp tự vệ theo kiểu "chúng ta đã nhân nhượng, nhưng càng nhân nhượng địch càng lấn tới...".
Trước khi so găng hãy để lại chút cảm tình với người xung quanh-yếu tố rất quan trọng để mình vừa không bị lép vế và đối tượng khó có sự liều lĩnh thái quá. Khi so găng không có chỗ cho sự nửa vời, hãy tỉnh táo-tự tin-dứt khoát-quyết liệt-mạnh mẽ.
Nếu xác định so găng không lại được thì ngay từ đầu hãy tìm cách né! Đừng dại gì gọi công an ngay. Đường tắc hoặc đang mải phạt, công an đến lâu lắm, mới lại còn phải xác định lại thông tin xem thật hay là trêu? Nước xa không cứu được lửa gần. Chưa kịp gọi nó đã đấm vỡ "alo" của mình rồi. Tình huống này, chấp nhận thiệt chút đỉnh, cho cái đầu kia hạ hoả đi, sau đó mới gọi công an hoặc "phím" cho ai đấy gọi hộ công an gì thì gọi.
Gặp đối tượng thứ thiệt thì sao? Đầu trọc, sẹo đầy mình, săm trổ khắp người luôn dắt "đồ" ở lưng, cốp xe, thậm chí cả súng hoa cải thì..."Đen rồi"! Em đi đúng nhưng vẫn xin lỗi anh. Em lái thuê, vợ em ung thư giai đoạn cuối. Em còn tý tiền mua thuốc, các anh cầm tạm. Có khi chạm vào lòng trắc ẩn của kẻ iêng hùng tỏ vẻ cao thượng mà cho qua?
Sợ nhất, nguy hiểm nhất là dân máu lạnh choai choai vị thành niên. Tóc hoe mắt bi ve, mặt búng ra sữa dễ thương. Tưởng chúng vô hại, tưởng chừng cái đấm thì thiếu, cái đá thì thừa. Ấy vậy chúng sẵn sàng đâm chém chọc xỉa một cách tàn bạo mà không cần nhiều lời.
Các vụ ở Hà Nội nổi tiếng như Lò Đúc, Giải Phóng, Nghi Tàm, Hàng Hành...đều minh chứng một điều, kẻ dùng nắm đấm trước khi giải quyết va chạm, tưởng chừng chiến thắng đều bị sấp mặt trên vũng máu ngay sau đó vài phút!
Vì vậy ra đường phải tập trung cao độ, căng mắt với các tình huống giao thông. Có lúc "đau tim" với "bẫy" biển báo hiệu, đèn tín hiệu, vạch kẻ đường. Nay có nguy cơ bị "nhồi máu" với "bẫy ăn vạ". Một vài nhóm bất hảo, bế tắc, không thấy tia sáng tương lai đã nhẫn tâm "bày đặt" những vụ va quệt, va chạm hòng ăn vạ hoặc cướp. Chúng nhắm tới "con mồi" ngon ăn là phụ nữ, dân trí thức, văn phòng, xe biển lạ...lái ôtô một mình.
Chúng có kịch bản, đạo diễn tài ba, diễn có chiều sâu như phim Holywood. Cổ vũ vòng ngoài là diễn viên quần chúng và đội đặc nhiệm phản ứng nhanh sẵn sàng khủng bố làm con mồi nản chí móc ví hoặc bị trộm hết đồ quí giá trên xe. Với bọn này, giống như dân xã hội, nếu mình là con nhà lành hãy chịu thiệt một chút. Cho qua, cho xong chuyện.
Sau đó trình báo công an. Không mong gì công an họ tìm ngay lập tức. Nhưng nhiều người trình báo loại tội phạm này sẽ giúp công an lập chuyên án, chuyên đề đấu tranh phòng chống. Hy vọng kẻ ác sẽ bị trừng trị thích đáng ở vụ khác. Nếu mỗi chúng ta ngại trình báo, ngại mất thời gian, ngại nhiêu khê....thì vô tình làm cho chúng thành công và bẫy tiếp người thân, bạn bè, người lương thiện khác. Chúng lại "lan toả" đến khi phải rung lên hồi chuông báo động về dạng tội phạm mới thì chết.
Năm vừa qua công an Hà Nội lập tổ công tác đặc biệt Y/141, qua đó bắt giữ nhiều đối tượng hình sự, đối tượng truy nã nguy hiểm, đối tượng buôn bán tàng chữ ma tuý; thu giữ nhiều vũ khí quân dụng, tự chế, vũ khí nóng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Điều này làm cho người dân yên tâm một phần. Hy vọng lực lượng công an phát huy các thành tích này.
Nhưng xét cho cùng giáo dục nhận thức, ứng xử văn hoá, ý thức tham gia giao thông cùng với cải thiện hạ tầng giao thông quan trọng hơn cả.
XEM THÊM:
Những kỹ năng cần thiết để giải quyết vấn đề hiệu quả