Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ với dòng xe HEV, PHEV - ô tô 'lai' điện và xăng.
Liên quan chính sách phát triển xe điện hóa, VAMA đề xuất có ưu đãi phù hợp cho từng dòng xe nhằm hỗ trợ và khuyến khích người tiêu dùng, đồng thời hướng tới giảm mức phát thải CO2.
Cụ thể, để đóng góp ngay vào việc giảm phát thải mà không đòi hỏi đầu tư lớn cho hạ tầng trạm sạc, có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ với những dòng xe Hybird có mức phát thải thấp như HEV, PHEV (xe "lai" xăng và điện). Sau đó, tiến tới đầu tư lớn và đồng bộ để phát triển hệ thống trạm sạc; tích hợp với giao thông tĩnh để có thể sạc trong lúc đỗ xe; hệ thống nguồn phát điện bảo đảm đủ nguồn điện sạch…
Lý do VAMA kiến nghị vấn đề này là đầu năm nay, Quốc hội đã quyết nghị
giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện chạy pin dưới 9 chỗ ngồi từ 15% xuống còn 3%. Mức thuế mới áp dụng từ tháng 3 năm nay, trong vòng 5 năm. Sau tháng 3/2027, thuế suất tiêu thụ đặc biệt với dòng xe điện chạy pin là 11%.
Trong khi đó, các dòng xe điện "lai" như HEV, PHEV...
không được hưởng chính sách ưu đãi này, tức vẫn bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt 15% và lệ phí trước bạ 100%.
Bên cạnh đó, liên quan quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện giao thông đường bộ tại Việt Nam, VAMA đề xuất xây dựng mức tiêu thụ nhiên liệu dựa trên nguyên tắc trung bình chung thay vì mức tiêu thụ nhiên liệu áp cố định cho từng dòng xe.
Cuối cùng, Hiệp hội đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm chính sách ưu đãi cụ thể, đặc thù cho ngành công nghiệp sản xuất ôtô và công nghiệp hỗ trợ cho ôtô; tạo hành lang pháp lý, thực sự thu hút và khuyến khích doanh nghiệp; bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế.
Hiện nay, tại Việt Nam mới có khoảng hơn 1.000 xe Hybrid, chiếm khoảng 0,3%. Trong khi đó, tại Thái Lan - nơi có nhiều điểm tương đồng với chúng ta đang có tới 35.000 chiếc xe Hybrid, chiếm khoảng trên 3% tổng số xe. Đây là dư địa lớn để xe Hybrid có thể phát triển trong tương lai gần tại Việt Nam.
Về phân khúc xe điện được chia ra thành 4 dòng chính là xe Hybrid (HEV), xe Hybrid có sạc (PHEV), xe điện (BEV) và xe nhiên liệu Hydro (FCEV). Thành phần cốt lõi của các dòng xe điện hóa là đều có động cơ điện, pin và bộ tích điện.
Theo Bloomberg, đến năm 2030, thị trường toàn cầu có hơn 90 triệu xe ô tô điện, trong đó xe Hybrid HEV và PHEV sẽ là xu hướng chính của dòng xe điện hóa trước khi chuyển dần sang xe điện hoàn toàn (BEV) và xe nhiên liệu Hydro (FCEV).
Khác biệt của xe HEV với các xe điện khác chính là loại xe này sử dụng nguyên lý tái tạo và tích trữ năng lượng dư thừa trong quá trình giảm tốc và phanh của chiếc xe. Năng lượng này sẽ được sử dụng để bổ sung khi vận hành và tăng tốc.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ô tô hiện đang theo đuổi xu hướng điện hóa để có những chiếc xe thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu. Theo đó, các mẫu xe điện hóa bao gồm cả Hybrid đang trở thành dòng sản phẩm chủ lực của nhiều hãng xe.
Nếu như với xe điện như BEV, độ phổ biến tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam là chưa cao, phụ thuộc bởi các yếu tố như điều kiện đường sá, hạ tầng, bố trí trạm sạc, thói quen sử dụng,… thì các chuyên gia lại đánh giá, xe HEV lại hoàn toàn phù hợp và có tiềm năng để phát triển trong tương lai gần.
Xem thêm: