Bộ Xây dựng đánh giá giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản. Về thị trường bất động sản, cơ quan quản lý đánh giá thị trường này phức tạp, liên thông, gắn trực tiếp với thị trường tài chính, tiền tệ và các thị trường khác.
Xử phạt hơn 29 tỷ đồng trong gần 3 năm
Lũy kế tổng lượng giao dịch (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền) 9 tháng đầu năm tăng so cao với cùng kỳ năm 2018, nhưng đã có xu hướng chững lại và giảm mạnh vào quý III. Giá bất động sản vẫn ở mức cao so với khả năng chi trả của đa số người dân.
Đánh giá về những tồn tại, hạn chế, cơ quan quản lý cho biết cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp: Phổ biến là bất động sản ở các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa (có nhiều phân khúc đã vượt dự báo đến năm 2025); Chưa có các nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường...
"Đặc biệt, giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp", Bộ Xây dựng đánh giá.
Về việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản, cơ quan quản lý cho biết thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 15 đoàn thanh tra về hoạt động kinh doanh bất động sản.
Các kết luận thanh tra đã chỉ ra các vi phạm và kiến nghị xử lý về hành chính đối với 28 tổ chức và ban hành 28 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 5,4 tỷ đồng.
Theo báo cáo của thanh tra Sở Xây dựng tại 3 thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng), giai đoạn 2020 đến tháng 9, đã triển khai 441 lượt kiểm tra về hoạt động kinh doanh bất động sản, ban hành 77 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 29,2 tỷ đồng.
Một số sai phạm điển hình như: Chuyển nhượng toàn bộ dự án khi chưa đủ điều kiện; Không công bố thông tin về dự án theo quy định; Kinh doanh không đủ điều kiện năng lực về tài chính...
Đáng chú ý tồn tại trình trạng không công khai, minh bạch trong thực hiện các giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch bất động sản; tình trạng các nhân viên môi giới của các sàn chưa có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản nhưng vẫn hành nghề môi giới.
Giá bất động sản, nhà ở tăng cao hơn so với thu nhập của người dân
Trong năm 2021, thị trường bất động sản vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã từng bước khắc phục, thích ứng, chuyển trạng thái linh hoạt để duy trì tương đối ổn định, không rơi vào trạng thái đóng băng mà chỉ suy giảm ở một số chỉ số.
Thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn và khan hiếm về nguồn cung. Nguồn cung về nhà ở từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, nguồn cung nhà ở mới trong 9 tháng chủ yếu vẫn đến từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán.
Đáng chú ý, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình (nhà ở xã hội mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu).
Giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến.
Giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở. Hoạt động môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt.
Sắp có thêm 454.000 căn nhà ở xã hội
Về việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn, Bộ cho biết đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7 triệu m2.
Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng hơn 22 triệu m2; trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.
Cơ quan quản lý đánh giá kết quả này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra, đến nay mới đạt 7,79/12,5 triệu m2 theo yêu cầu, trong đó nhà ở công nhân là 3,13 triệu m2 với 62.700 căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu m2 với 93.090 căn hộ.
Về nguyên nhân, nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội; việc dành quỹ đất 20% thuộc các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại chưa được thực hiện triệt để hoặc chưa được sử dụng đúng mục đích; thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi ở các đô thị lớn; chính sách chưa hấp dẫn doanh nghiệp...
Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục sửa đổi các cơ chế, chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước...
"Đối với sự phát triển của thị trường bất động sản, thời gian tới các bộ, ngành sẽ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, hoạt động sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản. Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá", Bộ cho biết.
Đặc biệt, sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, cho vay đối với lĩnh vực bất động sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Xem thêm:
Các bác thấy thế nào về hiện tượng bán nhà "hai giá"?