Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có thông tin báo chí về việc đưa dịch vụ thu phí tự động không dừng sử dụng thiết bị OBU vào khai thác trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.[pagebreak][/pagebreak]
Từ ngày 21/8/2017, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ đưa hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) sử dụng thiết bị OBU vào khai thác.
VEC đã phối hợp với đơn vị Tư vấn nghiên cứu và dần hoàn thiện quy trình thu phí tự động không dừng (ETC) sử dụng bộ thiết bị OBU tích hợp 3 công nghệ: Passive DSRC, Active DSRC và RFID trên cùng một hệ thống. Đây là một trong những giải pháp được VEC áp dụng nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, tạo thêm nhiều thuận lợi cho khách hàng khi lưu thông trên các tuyến đường cao tốc do VEC đầu tư, quản lý khai thác.
Cụ thể, trên toàn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây bố trí 8 cửa thu phí tự động không dừng (ETC) tại 3 trạm thu phí:
+ Trạm thu phí Long Phước: 01 cửa vào và 01 cửa ra;
+ Trạm thu phí Quốc lộ 51, bao gồm 4 phân trạm (02 phân trạm đầu vào; 02 phân trạm đầu ra): Mỗi phân trạm bố trí 01 cửa ETC;
+ Trạm thu phí Dầu Giây: 01 cửa vào và 01 cửa ra.
Để đăng ký OBU, các bác làm theo các bước sau:
Bước 1: Khách hàng mang Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/hộ chiếu hoặc Giấy đăng ký xe ôtô tới Trạm thu phí Long Phước, Trạm thu phí Quốc lộ 51 hoặc Trạm thu phí Dầu Giây để đăng ký phát hành OBU với đơn vị vận hành trên tuyến (Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam – VEC E).
Bước 2: Khách hàng điền thông tin vào mẫu đăng ký phát hành OBU và gửi lại đơn vị vận hành (Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam – VEC E).
Bước 3: Khách hàng sẽ đóng một khoản tiền đặt cọc để mượn thiết bị OBU. Đơn vị vận hành (Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam – VEC E) sẽ phân loại xe và chọn đúng nhãn để dán lên OBU. Sau đó, đơn vị vận hành sẽ phát hành OBU cho khách hàng. Sau khi cài đặt, OBU sẽ lưu trữ các thông tin liên quan đến phương tiện và chủ phương tiện (biển số, loại phương tiện, chủ phương tiện...).
Bước 4: Đơn vị vận hành (Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam – VEC E) sẽ bàn giao hóa đơn cho khách hàng, và tiến hành lắp đặt OBU lên phương tiện của khách hàng.
Khi phát hành thẻ OBU, mỗi khách hàng được tạo 01 tài khoản và kèm theo 01 thẻ IC-card. Trong thẻ ghi thông tin tên tuổi khách hàng, giá trị tiền, tài khoản khách hàng. Khách hàng khi đăng ký phát hành OBU sẽ phải nạp một số tiền nhất định vào tài khoản và gắn vào thẻ IC-card. Thông tin tài khoản của khách hàng được cập nhật định kỳ, quản lý tại hệ thống của dự án.
Đối với khách hàng là tổ chức sử dụng nhiều phương tiện với nhiều thẻ, khi đăng ký phát hành OBU sẽ được tạo một tài khoản chung, từ tài khoản chung tùy theo yêu cầu của chủ doanh nghiệp hệ thống sẽ tự động nạp tiền vào các thẻ.
Trong trường hợp cần cập nhật thông tin OBU, xóa đăng ký OBU, mất/hư hỏng OBU hay pin yếu/không pin, khách hàng đến trực tiếp tại các trạm thu phí gần nhất (Trạm thu phí Long Phước, Trạm thu phí Quốc lộ 51 hay Trạm thu phí Dầu Giây) để đăng ký làm các thủ tục.
Thẻ IC-card có thể dùng được cho nhiều phương tiện khác nhau, đồng thời có thể sử dụng đi qua trạm thu phí MTC trong trường hợp hệ thống ETC bị sự cố.
Bước 5: Khi phương tiện chạy tới trạm thu phí, khách hàng gắn thẻ IC-card vào OBU và chạy qua làn ETC của trạm thu phí. Thẻ thanh toán có giá trị trả trước được sử dụng để trả phí bằng cách kết hợp thông qua một thiết bị đọc ghi thẻ IC-card (ICCRW) hoặc với thiết bị OBU thông qua hệ thống thu phí tự động (ETC) tại cabin thu phí hoặc làn thu phí. Khi thẻ IC-card hết tiền, hệ thống sẽ cảnh báo không cho xe qua.
>>> Chi tiết về việc Đưa dịch vụ thu phí tự động không dừng sử dụng thiết bị OBU vào khai thác trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, mời các bác tham khảo rõ hơn ở đây.
Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là tuyến giao thông huyết mạch thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, quản lý khai thác. Năm 2016, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã phục vụ an toàn, thông suốt 13,5 triệu lượt phương tiện, tăng 38% về lưu lượng so với năm 2015. Tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2017, đã có 9,36 triệu lượt phương tiện lưu thông an toàn trên tuyến, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, với lưu lượng bình quân hiện tại đạt 37.000 – 40.000 lượt phương tiện/ngày đêm. Với tốc độ tăng trưởng lưu lượng 25 - 30%/năm, đã xuất hiện tình trạng ùn ứ phương tiện tại các trạm thu phí và trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (đoạn tuyến Long Thành – Quốc lộ 51) vào những khung giờ cao điểm, ngày cuối tuần hay vào dịp lễ, Tết.
View attachment 783295
Theo Bộ giao thông vận tải