Tập Lái
11/6/12
20
0
0
50
www.congaudio.com
Bên dòng sông Neckar, thành phố Lauffen (thuộc Stuttgart), mười lăm năm trước, một thương hiệu sản xuất âm thanh cao cấp đã ra đời: Accustic Arts. Cho đến hôm nay, Accustic Arts đã thực sự chứng minh mình là một trong những tên tuổi lớn của làng Hi-end Đức. Ngay từ đầu, Accustic Arts đã xác định rất rõ thị trường của mình là hướng đến những người chơi âm thanh sành sỏi nhất, có yêu cầu khắt khe nhất. Cũng vì lẽ đó, số model sản phẩm do hãng làm ra không nhiều, nhưng bất cứ dòng sản phẩm nào cũng được chăm chút cực kỳ cẩn thận để đem lại không chỉ chất lượng âm thanh xuất sắc mà còn cả hình thức quyến rũ mê hồn.

showroomarts.jpg

Qua hơn 15 năm Accustic Arts đã thực sự chứng minh mình là một trong những tên tuổi lớn của làng Hi-end Đức
Ẩn ý đằng sau cái tên ACCUSTIC ARTS chính là: ACCUrate acouSTIC ARTS (tạm dịch: Nghệ thuật tái tạo âm thanh chính xác); đây cũng chính là triết sản xuất của hãng với mục tiêu chế tạo những thiết bị âm thanh với độ chính xác cực cao và khả năng trình diễn âm nhạc trung thực nhất có thể.

Nhóm phóng viên chúng tôi nhận được lời mời từ Công ty cổ phần – Nhà phân phối của Accustic Arts ở Việt Nam sang thăm và làm việc cùng với hãng sản xuất thiết bị âm thanh danh tiếng này ngay sau khi Munich High End Show 2012 vừa kết thúc.
songlauffen.jpg

Thành phố Lauffen nằm ven con sông Neckar nên có tên gọi là Lauffen am Neckar
Từ Munich, vượt quảng đường 190km bằng xe lửa, chúng tôi đến được trung tâm thành phố Stuttgart, và từ nhà ga chính thành phố này, để đến được trụ sở của Accustic Arts ở Lauffen am Neckar, bạn có thể đi bằng xe lửa nội thị hoặc đi bằng taxi, tuy nhiên ở Đức, hệ thống các phương tiện giao thông công cộng rất linh hoạt và đều có giá rất rẻ, bù lại chi phí cho taxi lại đắt hơn khá nhiều.

Tuy gọi là thành phố nhưng Lauffen am Neckar có dáng vẻ rất thanh bình và mộc mạc tựa như các làng quê. Nhà máy của Accustic Arts nằm ở một khu vực riêng, cách trung tâm đô thị không xa, bạn có thể nhận ra ngay nhà máy của Accustic Arts khi vừa ghé ngang bởi nét kiến trúc bên ngoài rất giống với phong cách thiết kế các sản phẩm của hãng.
nhamayaccusticarts.jpg

Bạn có thể nhận ra ngay nhà máy của Accustic Arts khi vừa ghé ngang
bởi nét kiến trúc bên ngoài rất giống với phong cách thiết kế các sản phẩm của hãng

Tòa nhà gồm hai tầng, tầng trên bố trí showroom, phòng họp và phòng làm việc của khối văn phòng. Tầng dưới là xưởng sản xuất, lắp ráp và kiểm tra thiết bị. Thật bất ngờ, số lượng nhân viên làm việc tại Accustic Arts không nhiều, chỉ vào khoảng 10 người, tuy nhiên, ai nấy cũng đều là những nghệ nhân bậc thầy trong ngành công nghiệp âm thanh.
Câu chuyện về Accutsic Arts bắt đầu từ ông Fritz Schunk, vốn là một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực chế tạo robot và thiết bị cơ khí nhưng lại rất say mê âm thanh. Ông đã lập một công ty sản xuất thiết bị, linh kiện cho xe hơi và đã rất nổi tiếng trong lĩnh vực này. Hầu hết các hãng xe danh giá của Đức như Daimler, Chrysler, BMW, Audi... vào thời điểm đó đều sử dụng các thiết bị do công ty ông sản xuất.

Trong suốt hơn 30 năm ròng trong lĩnh vực cơ khí chính xác, ông luôn ấp ủ ước mơ một ngày sẽ có hãng chế tạo đồ âm thanh mang dấu ấn riêng mình. Vì thế, nên ngay khi đang thành công trong lĩnh vực sản xuất linh kiện xe hơi, Fritz Schunk đã có một quyết định rất táo bạo. Ông chuyển nhượng việc kinh doanh của công ty cho người khác và cùng với hai người con trai của mình sáng lập công ty mới và chính thức đặt chân vào lĩnh vực sản xuất thiết bị âm thanh hi-end.
giadinhschunk.jpg

Gia đình Schunk tại bảo tàng Mercedes (từ trái sang phải): Martin Schunk, Fritz Schunk và Steffen Schunk
Quyết định của Fritz Shunk đã cho thấy niềm đam mê lớn lao của ông với âm nhạc. Ông đã không hề áy náy khi từ bỏ một sự nghiệp đã thu được rất nhiều thành công trên thương trường để lao vào chinh phục lĩnh vực âm thanh, một lĩnh vực mà ông có lòng đam mê sâu sắc.

Tuy nhiên, chỉ đơn thuần với lòng say mê thì không dễ dàng gây dựng được một thương hiệu danh tiếng như vậy. Xét về mặt kỹ thuật và âm thanh thì thành công của Accustic Arts không thể không kể đến sự hỗ trợ đắc lực của hai người con trai của ông là Martin Schunk và Steffen Schunk. Tốt nghiệp trường Đại học kỹ thuật Cộng hòa Liên Bang Đức, Martin đã đảm bảo hoàn toàn công việc thiết kế các thiết bị âm thanh. Ngay từ khi 15 tuổi, anh đã tự thiết kế được một hệ thống loa để dùng cho việc thưởng thức âm nhạc theo sở thích cá nhân. Bên cạnh đó, Steffen lại tốt nghiệp trường Đại học Âm nhạc Cộng hòa liên bang Đức, là một đạo diễn, một nhà sản xuất chương trình âm thanh chuyên nghiệp.
Với khối óc nhiều năm gắn liền với tinh hoa của nền công nghiệp cơ khí chính xác của Fritz Schunk, các chi tiết máy của Accustic Arts có thể nói là hoàn hảo không chê vào đâu được, mọi bộ phận đều ăn khớp với nhau gần như tuyệt đối. Đây cũng là nền tảng để Accustic Arts cho ra đời những sản phẩm đòi hỏi khả năng hoạt động chính xác tuyệt đối về cơ khí như: Cơ Drive I, Drive II hay CD Player I...
martinpro2.jpg

Ông Martin Schunk - Giám đốc kỹ thuật của Accustic Arts đang giới thiệu nguyên lý
vận hành của bộ cơ đỉa Philip Pro 2 được ứng dụng trên đầu CD Player I của hãng

Tuy nhiên, Fritz Schunk cũng tự hiểu rằng không thể phát triển các sản phẩm audio hi-end chỉ với nền tảng thiết bị phòng thu của mình, nên trong vòng 5 năm đầu, ông đã hợp tác nghiên cứu kỹ thuật với các nhà phát triển bên ngoài và chuyên gia âm thanh hàng đầu. Hàng loạt các nghiên cứu đã được thử nghiệm, vô số các bài test kiểm chứng được thực hiện, Fritz Schunk và đội ngũ của mình đã mất hàng “núi” thời gian cho việc nghe thẩm âm. Sau 5 năm làm việc liên tục, năm 1997 dòng sản phẩm đầu tiên của Accustic Arts đã ra đời.

Những phẩm đầu tiên của Accustic Arts có thiết kế khá giống với dòng sản phẩm hiện nay bao gồm: Preamp I, DAC I, AMP I và AMP II; mặt trước được phủ sơn mài bóng màu đen, logo và các chi tiết máy được mạ vàng. Hơn hai năm sau, bộ cơ đầu tiên Drive I mới được thử nghiệm hoàn thiện bởi phòng phát triển sản phẩm của Accustic Arts. Lúc này Accustic Arts mới chính thức hoàn thiện hệ thống toàn Accustic Arts từ thiết bị nguồn, ampli đến loa và thậm chí là dây dẫn.
hethongdautien.jpg

Bộ sản phẩm đầu tiên của Accustic Arts ra đời năm 1997 bao gồm: Preamp I, DAC I, AMP I và AMP II
Khi bắt đầu hoạt động ổn định với doanh số ngày càng cao, vào năm 1998, do nhu cầu mở rộng qui mô sản xuất, Accustic Arts đã xây dưng nhà máy mới vẫn đặt tại Lauffen, nằm ngay cổng của thành phố Stuttgart, miền nam của Đức, đây cũng chính là đại bản doanh của hãng Mercedes Benz và Porsche. Bên cạnh các khu chức năng như: sản xuất và lắp ráp, kiểm tra, đo đạc… Accustic Arts vẫn duy trì một phòng thu của riêng mình, thực hiện các hợp đồng thu âm cả ở trong và ngoài nước.

Những năm sau này, Accustic Arts còn cho ra đời bộ sưu tập các đĩa nhạc tuyển chọn với tên gọi “Uncompressed World”; toàn bộ các track nhạc trong bộ sưu tập này đều được thực hiện tại phòng thu của Accustic Arts. Được biết, Vol.3 của bộ sưu tập này với chủ đề “Audiophile Male Voice” vừa chính thức được giới thiệu tại Munich High End Show 2012.
phongthuaccusticarts.jpg

Phòng thu của Accustic Arts sử dụng các thiệt bị chọn lọc,
đặc biệt là đôi loa Monitor Proline do chính Accustic Arts sản xuất

Yếu tố chính xác ở Accustic Arts không chỉ là các chi tiết cơ khí hay vẻ ngoài hoàn hảo, các sản phẩm ở đây còn yêu cần độ chính xác về các chỉ số, toàn bộ linh kiện đều được trải qua hai giai đoạn kiểm tra gồm test đầu vào khi nhập kho và test đầu ra khi sản xuất.

Một trong những linh kiện mà hãng quan tâm hàng đầu chính là bộ nguồn, đây là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào chất âm của thiết bị, Accustic Arts luôn đầu tư rất hào phóng vào biến áp nguồn và hệ thống tụ cho các thiết bị của mình, ngay cả ở bộ sản phẩm “nhẹ ký” nhất là chiếc đầu đọc CD Player ES và ampli tích hợp Power ES (được giới thiệu lần đầu tiên năm 2011) cũng đã sở hữu biến áp nguồn xuyến 330VA và phần tụ lên đến 70.000μF, gấp đôi so với bộ nguồn trang bị cho các ampli hoặc receiver thông thường.
steffenbienap.jpg

Ông Steffen Schunk - Giám đốc kinh doanh và phát triển sản phẩm của Accustic Arts giới thiệu
các loại biến áp nguồn xuyến được sử dụng trong tất cả các sản phẩm của Accustic Arts

Sau khi lắp ráp hoàn tất, các thiết bị của Accutsic Arts sẽ được chuyển sang giai đoạn đo kiểm bằng máy. Mỗi chiếc máy đều có một bản “lý lịch” chi tiết về các thành phần lắp ráp, người thực hiện, các giá trị đo kiểm độc lập cho từng vùng địa lý khác nhau. Chỉ cần nhìn vào tấm giấy ghi chú, bạn sẽ biết thiết bị này được sản xuất cho nước nào, điện thế sử dụng của nước ấy là bao nhiêu. Điều này cực kỳ quan trọng bởi các thiết bị của Accustic Arts đều sử dụng biến áp nguồn xuyến chất lượng cao được tính toán kỹ càng cho từng dòng điện cụ thể, chính vì thế hiệu điện thế và dao động điện xoay chiều có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của biến áp, gián tiếp gây nên hậu quả xấu đối với thiết bị. Ví dụ: Tần số dòng điện xoay chiều ở Việt Nam và ở Châu Âu là 50 Hz; trong khi ở Bắc Mỹ là 60 Hz... các thiết bị sản xuất cho thị trường Mỹ sẽ không hoạt động hiệu quả ở Việt Nam và ngược lại.
amp3nhat.jpg

Chiếc ampli công suất AMP III được sản xuất cho thị trường Nhật
cùng với tấm ghi chú và bản "lý lịch" đi kèm

Các sản phẩm sau khi đủ tiêu chuẩn vượt qua giai đoạn đo kiểm sẽ được ghi chú cẩn thận vào “lý lịch” và chuyển sang giai đoạn hoạt động thực tế. Mỗi chiếc đều được chạy liên tục trong khoảng thời gian 200 giờ để kiểm tra độ ổn định. Vào mùa “cao điểm” kệ kiểm tra thiết bị này luôn kín chỗ, thậm chí nhiều chiếc còn phải chờ để được đặt lên kệ này vì thời gian chạy của các chiếc máy trên kệ chưa hoàn thành 200 giờ.
ketestthietbi.jpg

Các thiết bị bắt buộc phải trải qua bài kiểm tra 200 giờ hoạt động liên tục để đảm bảo độ ổn định
Sau khi hoàn thành giai đoạn kiểm tra độ ổn định, các thiết bị sẽ được lắp ráp hoàn thiện và kiểm tra lại trước khi đóng thùng và chuyển sang kho để sẵn sàng giao cho các nhà phân phối khắp nơi trên thế giới.
Mỗi chiếc máy của Accustic Arts đều được đóng rất kỹ trong 2 lớp thùng. Lớp thùng trong cùng thường có màu trắng chứa máy và các phụ kiện được lót xốp cẩn thận. Lớp ngoài có màu vàng carton cứng chắc hơn, giữa hai lớp thùng này còn được bọc một lớp xốp trứng nhằm hạn chế tối đa các rủi ro va chạm trong quá trình vận chuyển.
khoaccusticarts.jpg

Các sản phẩm sau cùng sẽ được đóng thùng và chuyển sang kho trên các pallet
để sẵn sàng giao cho các nhà phân phối khắp nơi trên thế giới.

Accustic Arts không chỉ sản xuất các thiết bị điện tử như Ampli, CD mà còn kiêm luôn thiết kế loa, kệ máy và dây dẫn, đây cũng được xem như một lợi thế cho người chơi âm thanh, vì chúng ta có thể trang bị một hệ thống có độ tương thích đầu-cuối rất tốt. Tuy nhiên, giữa năm 2008, Accustic Arts đã quyết định ngừng sản xuất dòng sản phẩm loa để tập trung phát triển và cải tiến các thiết bị điện tử. Chính vì thế, những đôi loa đầu tiên của hãng như: Concerto, Classic, Proline ... đã trở thành những đôi loa hiếm và được săn lùng ráo riết trên internet.

Sản phẩm Accustic Arts được thiết kế để tái tạo âm thanh chính xác, tự nhiên, trung thực và có hiệu suất cao. Các linh kiện được chọn lọc theo tiêu chuẩn cao nhất và được lắp tay hoàn toàn tại Đức. Accustic Arts không sử dụng dây chuyền sản xuất hàng loạt, mỗi một sản phẩm được chăm chút từ bàn tay cũng những chuyên gia từ công đoạn chế tạo vỏ máy, lắp linh kiện, kiểm tra và đóng gói.
thaotacbangtay.jpg

Accustic Arts không sử dụng dây chuyền sản xuất hàng loạt,
mỗi một sản phẩm được chăm chút từ bàn tay cũng những chuyên gia
từ công đoạn chế tạo vỏ máy, lắp linh kiện, kiểm tra và đóng gói.

Accustic Arts còn tự hào là nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới ứng dụng bộ giải mã hoạt động theo cơ chế dual-mono ở mức 32bit/384kHZ tiên tiến nhất hiện nay và hoàn toàn khác so với các bộ giải mã đang có trên thị trường. Tín hiệu số sau khi qua con chip Digital Receiver không trực tiếp đưa thẳng vào chip D/A mà được đưa vào một mạch vi xử lý chính xác cao (Hi-Precision Microcomputer).
Nếu xét về mặt công nghệ, thì bộ vi xử lý này được ví như trái tim của hệ thống giải mã, chính nó đã tạo nên sự khác biệt của các sản phẩm Accustic Arts so với các sản phẩm DAC hi-end khác trên thị trường. Bộ vi xử lý này có tới 26 mạch xử lý vận hành song song cùng với mạch tạo xung siêu chính xác sẽ “nâng cấp” độ phân giải của tín hiệu số lên tới 32bit, oversampling lên 8 lần so với 16bit của tín hiệu số thông thường từ đầu cơ CD… Kết quả là tín hiệu số khi đưa vào mạch DAC có độ chính xác rất cao, góp phần quyết định cho sự trung thực và tự nhiên của âm thanh analog đầu ra.
tubedac.jpg

Accustic Arts tự hào là nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới ứng dụng bộ giải mã
hoạt động theo cơ chế dual-mono ở mức 32bit/384kHZ tiên tiến nhất hiện nay

Cho đến nay Accustic Arts đã có hàng trăm bài viết đánh giá các sản phẩm và vinh dự nhận được đến 44 giải thưởng chính thức từ các tạp chí âm thanh uy tín của Anh, Mỹ, Đức, Ý, Nga, Hong Kong, Nhật Bản… và con số này cứ theo đà tăng dần mỗi khi hãng cho ra mắt sản phẩm mới.

Là một công ty audio rất trẻ, Accustic Arts hiện được xem như một hiện tượng của làng hi-end thế giới, chỉ với hơn 15 năm lịch sử, sản phẩm của hãng nay được dân chơi và các chuyên gia đánh giá là có chất lượng tương đương với những cây đại thụ của Đức như Burmester, MBL nhưng giá thành chỉ bằng một phần ba.
giaithuongaa.jpg

Bộ sưu tập các giải thưởng của Accustic Arts
Không chỉ thành công ở các thị trường truyền thống như Đức, Anh, Mỹ… các sản phẩm Accustic Arts đã chiếm được lòng các audiophile châu Á, trong đó phải kể đến cơn sốt ở thị trường Nhật Bản, Hong Kong và Đài Loan. Đặc biệt tại Nhật Bản, các tạp chí chuyên ngành như Stereo Sound, HiVi, Audio Accessory đã liên tục review và trao cho Accustic Arts hơn 15 giải thưởng. Chính sự thành công tại thị trường khó tính Nhật Bản đã khẳng định chất lượng âm thanh của Accustic Arts, và thành công này cũng nhanh chóng lan tỏa đến các quốc gia trong khu vực.

Chú ý đến từng chi tiết dù là nhỏ nhất, đặt yêu cầu chính xác lên hàng đầu, Accustic Arts đã làm nên điều kỳ diệu với hàng loạt sản phẩm cho chất âm ngoại hạng… với mức giá bán vô cùng hợp lý, có thể được xem là “best buy” so với chất lượng âm thanh mà nó mang lại.
accutsicartsawards.png

Số lượng giải thưởng Accutsic Arts đạt được không ngừng tăng lên mỗi khi hãng cho ra mắt sản phẩm mới



  • Một số hình ảnh tại nhà máy Accustic Arts:
kiemtradauvao.jpg

Các linh kiện đầu vào, tấm nhôm mặt máy và thân máy đều được kiểm tra lại trước khi lắp đặt
numvan.jpg

Các núm vặn được hoàn thiện và mạ crôm tại các nhà máy chuyên gia công
cho các
chi tiết máy cho
Mercedes và Porche và được chuyển về nhà máy của Accustic Arts

bomachnguon.jpg

Bo mạch nguồn sau khi hoàn thiện, đo kiểm và được chuyển sang giai đoạn lắp ráp vào vỏ máy
lapdatbonguon.jpg

Sau khi lắp bo nguồn vào chassis, biến áp nguồn xuyến sẽ được lắp đặt tiếp theo.
Toàn bộ các giai đoạn lắp đặt hoàn toàn được thực hiện bằng tay và ghi chép cẩn thận trên các bản "lý lịch"

khuvuclaprap.jpg

Toàn cảnh khu vực lắp ráp của Accustic Arts: không quá lớn như hoạt động rất bài bản

giaidoandokiem.jpg

Sau khi lắp đặt hoàn thiện, thiết bị sẽ được chuyển sang giai đoạn đo kiểm các thông số cụ thể

tube-dac-nga.jpg

Một chiếc Tube DAC sản xuất cho thị trường Nga đang được đo kiểm

kiemtralylich.jpg

Ông Martin Schunk - Giám đốc kỹ thuật của hãng sẽ đích thân kiểm tra lại "lý lịch"
từng thiết bị và quyết định chuyển những sản phẩm đạt chuẩn sang khu vực chạy thử

amp2thai.jpg

Một chiếc ampli công suất AMP II sản xuất cho thị trường Thái Lan vừa được chuyển sang khu vực chạy thử

giamsatthietbi.jpg

Khu vục chạy thử thiết bị lúc nào cũng có người giám sát hoạt động

cdpro2.jpg

Tương tự như các hãng sản xuất cơ đĩa nổi tiếng khác trên thế giới, Accustic Arts cũng
sử dụng bộ cơ CD Pro 2 do Philips sản xuất như đã được mod lại theo tiêu chuẩn riêng của hãng

cochechongrung.jpg

Accustic Arts sử dụng 4 lò xo treo bộ cơ Philip Pro 2 trong một vỏ phụ (sub-chassis)
cách ly hoàn toàn bộ cơ với các vi rung động trong quá trình hoạt động

chuphinhluuniem.jpg


Phóng viên HFVN chụp hình lưu niệm cùng công Martin Schunk tại xưởng lắp ráp của Accustic Arts

  • Một số hình ảnh tại Phòng thu & Showroom của Accustic Arts:
steffenphongthu.jpg

Ông Steffen Schunk giởi thiệu khu vực thu âm trong phòng thu của Accustic Arts
luuniemphongthu.jpg

Phóng viên HFVN chụp hình lưu niệm tại phòng thu của Accustic Arts

lichsuaccusticarts.jpg

Góc trưng bày các sản phẩm đã đi vào lịch sử của Accustic Arts

bothamchieuden.jpg

Bộ sản phẩm thuộc dòng Reference của Accustic Arts - Phiên bản màu đen mới
bosanphames.jpg

Bộ sản phẩm mới của Accustic Arts: Streamer ES, Player ES và Power ES tích hợp
nhiều chức năng như ngõ vào USB, khả năng phát streaming qua mạng không dây, radio internet ...

drive2vol3.jpg

Bộ sản phẩm tham chiếu: Drive II, Tube DAC II và đĩa CD Uncompress World Vol.3 mới nhất

prolinemk3.jpg

Đôi loa Accustic Arts Proline MK3 nay đã ngừng sản xuất nhưng vẫn được săn lùng ráo riết trên Internet

rack1.jpg

Bộ kệ Rack I - phiên bản đầu tiên của Accustic Arts còn có logo phát sáng với đèn nền màu xanh

phongnghe.jpg

Tuy đã từng nghe rất nhiều lần ở Việt Nam, nhưng những gì chúng tôi được
mắt thấy tai nghe tại Showroom của Accustic Arts quả thực rất đáng ngạc nhiên.

Phần thăm nhà máy Accustic Arts đến đây tạm kết thúc. Mời quý độc giả tiếp tục đón theo dõi các bài phóng sự chi tiết thuộc chuyên đề [Hi-end Tour] Vòng quanh nước Đức:

  • [Vòng quanh nước Đức] Acapella Audio Arts [Đang cập nhật...]
  • [Vòng quanh nước Đức] Einstein Audio [Đang cập nhật...]
  • [Vòng quanh nước Đức] Elac Electroacustic [Đang cập nhật...]