Vụ tai nạn thương tâm do xe Thành Bưởi gây ra khiến 5 người thiệt mạng tại Đồng Nai vừa qua cho thấy, nhà xe này đã vi phạm các nguyên tắc an toàn giao thông và nguy cơ tai nạn vẫn chực chờ bởi hàng loạt những lỗ hổng trong quản lý xe và sự buông lỏng trong quản lý của một số cơ quan liên quan.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Tạ Chương Chín, Tổng Giám đốc Bến xe miền Đông xác nhận, đối với tuyến chủ đạo TPHCM - Đà Lạt, nhà xe Thành Bưởi đã không còn hợp đồng trong Bến xe Miền Đông.
Điều này đồng nghĩa với việc, 100% xe TPHCM đi Đà Lạt của hãng này đều là xe hợp đồng trá hình. Như vậy, tại TPHCM, nhà xe Thành Bưởi chỉ hoạt động 01 tuyến duy nhất trong bến xe là tuyến Bến xe Miền Tây - Bến xe Cần Thơ.
Việc xe không vào bến gây ra rất nhiều hệ lụy. Thông thường, nếu xe vào bến, trước khi xe rời đi sẽ có bộ phận quản lý bến hoặc bộ phận quản lý của nhà xe kiểm tra các điều kiện an toàn của phương tiện như giấy đăng kiểm, giấy phép lái xe, nồng độ cồn của tài xế… Thậm chí, xe bị lập biên bản xử phạt hành chính cũng sẽ trình các loại giấy tờ này để bến nắm rõ. Ngoài ra, xe sẽ có thiết bị giám sát hành trình (GPS), camera để đơn vị quản lý theo dõi hành trình, tốc độ, nhắc nhở kịp thời các vi phạm. Xe không vào bến sẽ không trải qua các khâu này.
Việc xe không vào bến gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải. Ví dụ, mỗi chuyến xe xuất bến tại Bến xe miền Tây phải đóng phí khoảng 150.000 đồng/chuyến nhưng những xe không vào bến sẽ không phải đóng khoản phí này. Mỗi ngày, nếu nhà xe hoạt động 100 chuyến thì đã "trốn" phí bến xe được 15 triệu đồng và mỗi tháng sẽ là 450 triệu đồng.
Một điểm đón khách trái quy định của xe Thành Bưởi tại đường Mai Chí Thọ (TP. Thủ Đức)
Nếu vào bến, các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định còn phải chịu tiền hoa hồng bán vé, thuế thu nhập doanh nghiệp. Do các xe hoạt động tuyến vận tải cố định phải vào bến đi, bến đến, đóng sổ nhật trình, nên tổng số lượt chuyến xe đi/đến đều được thống kê và nộp thuế đầy đủ. Xe không vào bến không phải chịu khoản thuế này.
Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp nếu muốn tăng giá vé thì đều phải xin phép Sở GTVT và được Sở GTVT phê duyệt. Còn đối với xe hợp đồng trá hình thì có thể bán vé với mọi mức giá. Đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết, giá vé của xe tuyến cố định chỉ được tăng tối đa 60%, trong khi các doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng trá hình có thể tăng lên 200-300% tùy theo nhu cầu mà không cần xin phép.
Như vậy, đây là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời, làm mất trật tự an toàn giao thông vận tải xe khách, khiến giao thông của TPHCM ngày càng lộn xộn bởi những "bến cóc, xe dù" ngang nhiên hoạt động.
Ngang nhiên lập nhiều "bến lậu"
Dù TPHCM đã cấm xe giường nằm vào nội đô đón khách khung giờ từ 6h-22h nhưng xe Thành Bưởi vẫn liên tục lập các "bến lậu" mới, dẹp điểm này, họ lại lập điểm khác. Từ Lê Hồng Phong (Quận 5) đến Bình Thạnh, Mai Chí Thọ (Thủ Đức)… đều có "bến lậu" của nhà xe Thành Bưởi.
Điều đáng nói là, không chỉ Thành Bưởi, trên địa bàn TPHCM còn nhiều nhà xe ngang nhiên hoạt động, đón trả khách nhưng chưa cơ quan quản lý cứ cố tình làm ngơ, không đưa ra được quyết định xử lý nào quyết liệt. Đề xuất cấm xe giường nằm vào nội đô 24/24h vẫn đang chờ… Sở GTVT lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị... rồi để đấy.
Mặc dù Thành phố đã có nhiều cuộc ra quân rầm rộ, đã có nhiều đợt tuyên truyền, có kiểm tra của lực lượng chức năng cũng như có nhiều giải pháp được công bố như xóa xe dù bến cóc, cấm xe giường nằm vào nội đô… thế nhưng tình trạng lộn xộn vẫn diễn ra trước mặt, giống như "bắt cóc, bỏ đĩa". Cơ quan quản lý không xử lý dứt điểm và mạnh tay, phạt xong lại đâu vào đấy. Ai cũng hỏi, vì sao và ai chống lưng mà "xe dù, bến cóc" vẫn hoạt động công khai như thách thức dư luận. Vì sao lái xe không có bằng lái vẫn cho chở khách đi khắp nơi như của nhà xe Thành Bưởi là ví dụ điển hình?!!!
Ngoài ra, gần đây, dư luận phản ánh đến Báo điện tử Chính phủ về điểm đón trả khách tại số 5 Lữ Gia, TP. Đà Lạt của nhà xe Thành Bưởi. Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cần xem xét điểm đón trả khách này có đúng quy hoạch và đúng quy định không để trả lời cho người dân được biết.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý
Quay lại vụ tai nạn do xe Thành Bưởi gây ra khiến 5 người thiệt mạng cho thấy, nhà xe này đã vi phạm các nguyên tắc an toàn giao thông và nguy cơ tai nạn vẫn chực chờ bởi hàng loạt những lỗ hổng trong quản lý xe hợp đồng ngoài bến và quản lý lái xe.
Sau tai nạn, nhiều câu hỏi đặt ra: Tại sao tài xế bị Công an Lâm Đồng tước giấy phép lái xe 3 tháng do vi phạm tốc độ vẫn được lái xe? Tài xế đã bị tước bằng lái mà hôm sau vẫn chạy xe, tại sao cơ quan quản lý không phát hiện ra? Tài xế không có bằng lái, vậy tại sao vẫn làm được hồ sơ xuất chuyến (trong khi hồ sơ này bao gồm hợp đồng thuê xe, danh sách hành khách, điểm đến điểm đi, tên tài xế, bằng lái). Chưa kể, tài xế không bằng lái chạy xe trên một hành trình dài như thế mà không bị phát hiện. Vậy là do cơ quan quản lý yếu kém, lỏng lẻo hay có lợi ích nào khác, có người chống lưng?
Phóng viên mang những thắc mắc này hỏi lãnh đạo Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng không nhận được câu trả lời.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải du lịch và hành khách liên tỉnh TPHCM khẳng định trên báo chí: "Vụ tai nạn đã làm lộ nguyên hình một chiếc xe dù nhưng hoạt động công khai. Không biết cơ quan chức năng họ nghĩ gì". Nhà xe coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người dân nhưng cơ quan quản lý không hề vô can trong việc này. Cơ quan quản lý không thể lấy lý do "không biết" để bao biện bởi việc nhà xe này ngang nhiên vi phạm quy định.
Ngoài kiểm tra và xử lý nghiêm nhà xe Thành Bưởi, Sở GTVT TPHCM cũng cần xác định rõ trách nhiệm khi quản lý lỏng lẻo, thiếu dứt khoát và không loại trừ có lợi ích nhóm. Không biết còn bao nhiều lái xe của nhà xe Thành Bưởi vi phạm, bị tước bằng lái mà vẫn "ôm vô lăng" ra đường để rồi nguy cơ gây tai nạn cứ rình rập. Cơ quan chức năng cần vào cuộc và làm rõ, xử lý nghiêm nếu có vi phạm, bất kể người đó là ai.