Chúng ta đang là chuột bạch từ 6 năm rồi đây này bà con, cùng phản ứng mạnh lên nữa nhé.
Phạt lỗi vượt đèn vàng: Phạt một thời gian, có thể bỏ…
Liên quan đến quy định vượt đèn vàng bị phạt tới 2 triệu đồng gây nhiều tranh luận trái chiều thời gian qua, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an vừa có những trao đổi cụ thể với báo chí.
Theo thiếu tướng Quân, Nghị định 46/2016 do bên Bộ GTVT soạn thảo chứ không phải bên công an. Từ trước tới nay vẫn có quy định xử phạt đèn vàng. Tuy nhiên, từ ngày 1/8 có nâng mức xử phạt lên ngang với xử phạt vượt đèn đỏ.
Trước những kiến nghị, tranh cãi từ người dân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an cho biết sẽ áp dụng quy định xử phạt vượt đèn vàng trong một thời gian để đánh giá, xem xét. Nếu bất hợp lý sẽ đề xuất bỏ.Thiếu tướng Quân khẳng định, về nguyên tắc, người điều khiển phương tiện giao thông khi thấy đèn vàng thì phải giảm tốc độ. Trường hợp đèn vàng nhưng người tham gia giao thông đã đi vào khu vực ngã tư thì được đi tiếp. Có người cho rằng, cứ đèn vàng là phải dừng là hiểu chưa đúng.
“Một số ý kiến cho rằng, bỏ đèn vàng, như vậy từ đèn xanh chuyển sang đèn đỏ dễ húc vào đít nhau”, Thiếu tướng Quân nói.
Trước đó, trao đổi với Đất Việt, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, việc xử phạt các phương tiện vượt đèn vàng đã được quy định cụ thể trong điều 10, Luật giao thông đường bộ năm 2008, chứ không phải đến thời điểm này mới xử phạt.
“Chúng ta bắt đầu xử phạt lỗi vượt đèn vàng từ năm 2010 theo nghị định 34. Việc này đã quy định rõ trong luật rồi.
Ở Việt Nam, chúng ta thực hiện mọi việc theo luật, thượng tôn pháp luật. Luật giao thông đường bộ quy định như thế nào thì phải làm đúng như thế. Nghị định không thể làm trái luật được. Làm trái luật thì sẽ bị Chính phủ và quốc hội phê bình”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT Hà Nội cũng khẳng định việc xử phạt các phương tiện vượt đèn vàng là đúng quy định và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay.
“Qua xử lý vi phạm giao thông cho thấy, Nghị định 46 đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn xử lý vi phạm giao thông hiện nay, đặc biệt tại các thành phố lớn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông.
Việc sự siết chặt về chế tài và nâng cao mức phạt sẽ nâng cao ý thức tính thượng tôn pháp luật của người tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho chính người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông tốt đẹp hơn”, Đại tá Thắng nhấn mạnh.
Hoàng Nam (Tổng hợp)