Ngày càng có nhiều bạn trẻ, đặc biệt thế hệ 9X, muốn thể hiện cá tính, sự phá cách thông qua những chiếc xe máy “độ”. Tuy nhiên, hầu hết chưa quan tâm tới việc chạy xe máy “độ” có hợp pháp hay không.
Độc, hiếm
CLB xe máy “độ” nổi tiếng Hà thành SE (Small Engine) thường điểm quân ở vườn hoa cạnh Nhà hát Lớn (Hà Nội) vào tối thứ Sáu hàng tuần và sau đó diễu hành. SE hiện có khoảng 40 thành viên, phần lớn thuộc thế hệ 9X.
“Nhiều người lớn thấy một đám thanh niên choai choai cưỡi con xe trông lạ lùng, bô nổ ầm ầm là nghĩ lũ này đi đua xe, chơi bời. Nhưng bọn mình độ xe hoàn toàn là do sở thích”, Trần Anh Tuấn, sinh năm 1984, thành viên SE tâm sự.
Đã 2 năm “độ” xe, Tuấn luôn muốn thời gian có thêm gấp đôi để vừa hoàn thành công việc ở Công ty Thăng Long, vừa thỏa mãn niềm đam mê. Người chơi độ xe phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức mới có thể cho ra một chiếc xe đẹp, đúng kỹ thuật và quan trọng nhất là an toàn.
Thành viên SE chạy xe “độ”
Trần Đức Duy, phó tướng SE, vừa đoạt giải nhất cuộc thi Trang trí và thiết kế xe đẹp của Yamaha với chiếc xe Nouvo LX. Công việc của Duy chuyên về phụ tùng xe máy nên có nhiều thuận lợi hơn so với thành viên khác trong khoản lùng đồ.
Dân “độ” cho biết, một con xe máy có thể độ từ A đến Z: từ bánh xe, vỏ xe, yên xe cho đến phanh, tay phanh, độ cả buzi, giàn lửa, đèn, bộ phun khói… Duy bật mí sẽ cùng một số thành viên trong đội chuẩn bị xuất ngoại sang Thái để thỏa mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về xe “độ” và phụ tùng.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu các bạn có biết chạy xe “độ” là không hợp pháp, tất cả đều lắc đầu. Các thành viên tích cực của SE chỉ biết tập trung vào việc xây dựng hình ảnh về một sân chơi lành mạnh cho bạn trẻ cùng chung sở thích “độ” xe.
Thú chơi nhà giàu?
Thú chơi của sự phá cách, thể hiện cá tính này không dành cho những người ít tiền bởi chi phí để độ một chiếc xe có khi gấp 2 đến 3 lần giá trị ban đầu của chiếc xe.
Đức Duy chia sẻ: “Nouvo LX của mình sau khi độ xong, chi phí gấp 2 lần. Có lần mình ra chợ xe mua nguyên một chiếc xe phân khối lớn cũ giá 6 triệu chỉ để lấy bánh trước của xe.” Tiêu chí của dân chơi xe “độ” là càng độc, càng hiếm càng tốt.
Chủ xế thường đem xe ra để cả hội cùng chiêm ngưỡng và góp ý. Dân chơi ít khi “độ” một lúc nhiều phụ tùng mà thường chỉ “độ” dần từng thứ, bởi không phải lúc nào cũng kiếm được bộ phận để kết hợp hài hòa, cân đối với phần còn lại của xe.
Người đi đường khi nhìn thấy nhóm thanh niên chạy xe “độ” có thể suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên, trò chuyện với SE mới thấy chưa hẳn vậy. Lê Anh Quân, sinh năm 1992, học sinh trường THPT Quang Trung, HN cho biết: “Chúng em thích độ xe, không khoe khoang, đua đòi, nhiều dân độ chơi còi to nhưng với chúng em cho rằng bất lịch sự”.
Gia Huy, sinh năm 1989, sinh viên Học viện Ngân hàng, được thành viên SE gọi thân mật là “chàng trai cơ khí”. Năm lớp 7, Huy từng làm robot điều khiển từ xa gửi tham dự Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc VIFOTEC.
Nhà Huy có xưởng sửa chữa xe nên cậu luôn được bố tạo điều kiện phát huy sở thích của mình. Mỗi lần về quê Thái Bình, hai bố con Huy lại cùng tân trang cho con xe “độ”. Học được nhiều từ bố, Huy giúp đỡ các bạn trong SE về kỹ thuật lắp ráp phụ tùng. Nhiều bạn trong SE nhờ học hỏi lẫn nhau đã trở thành những thợ sửa xe máy.
Trong CLB hiện nay có rất nhiều bạn học sinh, sinh viên, họ tham gia với mong muốn tìm hiểu về máy móc, động cơ.
Nguồn: