Xe ô tô 5 chỗ sắp đại hạ giá</h2>
Nếu những dự định trong đề án phát triển công nghiệp ô tô được thực hiện thì trong mấy năm nữa, ô tô ở Việt Nam sẽ đại hạ giá.
Giảm mạnh thuế
Theo nguồn tin từ Bộ Công thương, Đề án phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sau khi chỉnh sửa đã cơ bản nhận được sự đồng tình của Chính phủ cùng các Bộ ngành .
Về chính sách thuế, một thành viên trong Ban soạn thảo cho biết, Bộ Công thương đưa ra 3 phương án.
Phương án thứ nhất là giảm 30% với thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ với xe có dung tích xi-lanh dưới 2.0L sản xuất lắp ráp trong nước. Phương án thứ 2 là giảm 50% và phương án 3 là giảm 70% cho dòng xe chiến lược. Trong đó phương án 2 đã nhận được sự đồng tình của các cơ quan. Như vậy nếu được thực hiện thì giá xe 5 chỗ có dung tích xi lanh dưới 2.0L sẽ giảm mạnh.
Đề án sẽ còn phải tiếp tục hoàn thiện một số nội dung nữa để trình Thường trực Chính phủ xem xét trong thời gian tới, trong đó lưu ý việc xây dựng một đề án phù hợp với mục tiêu đưa công nghiệp ô tô vào một trong 6 ngành chiến lược hợp tác phát triển công nghiệp Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn tới.
Về lộ trình thực hiện, Bộ Công thương và Bộ Tài chính sẽ còn phải tiếp tục xây dựng trình Chính phủ. Tuy nhiên thời điểm bắt đầu có thể từ 2014 bởi thời gian không còn nhiều.
Một DN ô tô tính toán, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe dưới 2.0L giảm 50% thì giá 1 chiếc xe có giá xe bán 30.000 USD sẽ giảm khoảng 5.000 USD/chiếc, trong khi đó lệ phí trước bạ giảm 50% cũng giúp làm cho chi phí sở hữu dòng xe này giảm từ 30 triệu - 45 triệu đồng tùy từng địa phương.
Tính ra mỗi chiếc xe khách hàng sẽ giảm được từ 6.500- trên 7.000 USD. Đây là tin vui không chỉ cho những DN sản xuất lắp ráp xe mà còn cho nhiều người tiêu dùng luôn mơ ước được sở hữu một chiếc ôtô và cũng đem lại hy vọng khởi sắc cho ngành công nghiệp ô tô.
Tập trung làm xe 5 chỗ
Các cơ quan khẳng định vấn đề tiếp tục xây dựng một ngành công nghiệp ô tô là yêu cầu cần thiết với Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phổ cập ô tô của đất nước. Dòng xe 5 chỗ và xe tải sẽ là 2 phân khúc chủ đạo, là dòng xe chính để dự báo, tính toán và hoạch định các vấn đề cơ bản trong phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam giai đoạn tiếp theo.
Định hướng phát triển được đề xuất hiện nay là lựa chọn, phát triển một vài loại xe với sản lượng đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ, trên cơ sở hợp tác với hãng sản xuất xe lớn và các nước trong khu vực AFTA để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất ô tô. Các dòng xe khác tiếp tục nâng cấp công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, khuyến khích tăng tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước.
Theo thành viên này thì chính sách lần này khi đã ban hành sẽ cam kết sẽ ổn định lâu dài, không có thay đổi ít nhất trong 10 năm và chỉ Chính phủ mới có quyền quyết định thay đổi.
Cơ quan soạn thảo cũng rất hy vọng với chính sách mới sẽ giữ chân và thu hút được nhiều DN ô tô nổi tiếng trên thế giới tăng đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng do chính sách hạn chế ô tô quá lâu đã khiến nhiều DN nản lòng và chuyển hướng đầu tư mạnh vào các nước trong khu vực. Vì vậy Việt Nam khó có thể huy động được đầu tư lớn vào sản xuất ô tô.
Đông Nam Á hiện đã có 2 trung tâm công nghiệp lớn về ô tô là Thái Lan và Indonesia. Các DN ô tô hàng đầu thế giới như Toyota, Ford, Honda... đã đầu tư vào 2 quốc gia này với số vốn rất lớn, đẩy mạnh nội địa hóa.
Và chỉ chờ đến 2018 khi hàng rào thuế quan khu vực AFTA dỡ bỏ sẽ xuất khẩu sang toàn khu vực. Việt Nam giờ mới thay đổi chính sách là quá chậm. Ngoài ra, với mức thuế phí giảm như vậy cũng được coi là chưa đủ mạnh để kích cầu thị trường, thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, theo tin từ Bộ Công thương, Nhật Bản đã đồng ý hợp tác phát triển công nghiệp ô tô với Việt Nam với điều kiện các chính sách phải thay đổi, phải ổn định, minh bạch và ưu đãi. Chính sách mới cũng nhận được đánh giá tích cực từ phía Nhật Bản.