Hạng D
2/12/03
1.982
4.690
113
Vietnam
Bộ Giao thông Vận tải đang sửa Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2020 với nhiều quy định giám sát chặt chẽ xe hợp đồng chở khách qua thiết bị giám sát hành trình.

Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 10, đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu nếu 5 lần vi phạm tốc độ trong một tháng trên quãng đường 1.000 km, hoặc một ngày ba lần vi phạm tốc độ trở lên. Các Sở Giao thông Vận tải không cấp lại ngay phù hiệu mà phải sau 30-60 ngày. Nội dung này thay đổi so với quy định hiện hành là xe bị thu hồi phù hiệu khi 5 lần vi phạm tốc độ trong một tháng trên 1.000 km và các Sở có thể cấp lại phù hiệu ngay.

Đơn vị vận tải chỉ được ký hợp đồng với người thuê cả chuyến xe, mỗi chuyến chỉ được đón, trả khách tại một địa điểm theo hợp đồng. Trong một tháng, mỗi xe không được chạy quá 10% tổng số chuyến có điểm đầu và điểm cuối trùng lặp theo địa giới hành chính cấp quận. Quy định hiện nay mỗi ôtô không được chạy quá 30% tổng số chuyến có điểm đầu, điểm cuối hoặc phạm vi trùng lặp.

z4904571232364_51a21a062a517c3f8ae4ce3e6b81d440.jpg

Hiện nhiều xe hợp đồng vẫn cố tình vi phạm, chạy như xe tuyến cố định. Ảnh minh họa: Thế Kỷ
Để đồng bộ với sửa Nghị định 10, Bộ Giao thông Vận tải cũng sửa Thông tư 12. Theo dự thảo, dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe kinh doanh vận tải phải truyền về máy chủ của Cục Đường bộ Việt Nam không quá 5 phút kể từ thời điểm máy chủ dịch vụ nhận được dữ liệu. Việc này nhằm tránh trục trặc kỹ thuật trên đường truyền. Quy định hiện nay dữ liệu được truyền về máy chủ không quá 2 phút.

Sở Giao thông Vận tải khai thác dữ liệu trên hệ thống giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam để phục vụ quản lý. Doanh nghiệp phải theo dõi dữ liệu, nhắc nhở và xử lý tài xế vi phạm theo nội quy, quy chế của đơn vị. Như vậy, dự thảo thông tư đã nêu rõ trách nhiệm quản lý, xử lý lái xe trên đường thuộc doanh nghiệp, không chờ đợi thông tin từ phía cơ quan chức năng.

Theo dự thảo Thông tư 12, việc điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh phải phù hợp với chiến lược phát triển giao thông vận tải, chiến lược phát triển dịch vụ vận tải, quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ. Tuyến xe phải đáp ứng nhu cầu đi lại, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo tính ổn định mạng lưới tuyến đã công bố.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, cả nước có hơn 18.800 đơn vị kinh doanh xe hợp đồng, xe du lịch, với hơn 224.800 xe (chiếm gần 71% tổng số xe khách). Vụ tai nạn xe khách Thành Bưởi ngày 30/9 tại Đồng Nai làm 5 người thiệt mạng đã cho thấy nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý vận tải hành khách bằng xe hợp đồng.

Nhà xe Thành Bưởi thường chở khách dưới hình thức xe hợp đồng trá hình xe tuyến cố định, lập bến cóc tại văn phòng trong thành phố, công khai nhận đặt chỗ để chở khách bằng hình thức hợp đồng ghép khách. Xe còn thường xuyên chạy quá tốc độ, bị thu hồi phù hiệu rồi xin cấp lại ngay.

z4904571244025_8170404212af816c55559238941193b3.jpg

Xe hợp đồng nhưng đón trả khách như xe cố định bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt. Ảnh: Thế Kỷ

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, phân tích xe khách tuyến cố định phải chịu nhiều ràng buộc, theo luồng tuyến đã đăng ký, không được dừng đón trả khách dọc đường, nộp thuế, phí đầy đủ, trong khi các xe hợp đồng đón trả khách khắp nơi, không phải phí bến bãi.

Tình trạng xe khách tuyến cố định bỏ bến ra ngoài chạy chui, chạy dù, lập văn phòng đón trả khách ngày càng tăng. Đây là vấn đề nhức nhối, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nghiệp vận tải đã kiến nghị nhiều, nhưng cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.

Theo VnExpress
Các bác có nhận xét gì về vấn đề ảnh hưởng đến trật tự xã hội này?
 
Chỉnh sửa cuối: