Thực tế đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn thảm khốc bắt nguồn từ nổ lốp xe trong quá trình vận hành. Và nếu người điều khiển thiếu kỹ năng xử lý với tình huống này, sẽ càng làm gia tăng thêm mức độ nguy hiểm.
Nổ lốp xe có thể sẽ không bao giờ xảy ra trong cả cuộc đời ngồi sau vô-lăng của nhiều tài xế. Nhưng chẳng người điều khiển xe hơi nào dám coi thường tình huống này.
Khi nổ lốp, tiếng lốp nổ khiến hầu hết tài xế giật mình và rất dễ mắc sai lầm. Phần nhiều trong số đó sẽ chỉ xử lý theo bản năng khi xảy đến với mình: phanh gấp, đồng thời cố gắng đánh xe vào vệ đường. Tuy nhiên, cách xử lý như vậy hoàn toàn có thể làm cho xe bị mất lái hoặc lật xe cho dù vận tốc chỉ tầm 50 km/giờ.
Trong trường hợp xe bị nổ lốp bất ngờ, sẽ rất khó đoán biết lốp bị nổ thông thường hay vỡ cả hoa lốp. Khi đó, hiện tượng vô-lăng bị giật liên tiếp không theo bất kỳ quy luật nào diễn ra rất nhanh. Mức độ rung giật sẽ phụ thuộc vào vận tốc xe đang chạy và sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi hoa lốp cũng bị vỡ. Bởi hoa lốp vỡ cũng đồng nghĩa với việc dây thép trong lốp bị rời ra một phần hoặc bung ra hoàn toàn dẫn đến mất cân bằng trọng lượng khiến lốp bị đảo khi quay ở vận tốc chỉ 1.000 vòng/phút.
Kết quả xấu đem đến là rung động mạnh cho bình nhiên liệu, ống dẫn dầu phanh, hệ thống cửa,... và khi đó thao tác điều khiển xe vô cùng khó khăn.
Dù lốp bị nổ là lốp trước hay sau thì nguyên tắc xử lý để kiểm soát an toàn xe cũng giống nhau mặc dù khi lốp trước bị nổ thì khả năng mất điều khiển cao hơn nhiều. Khác biệt duy nhất giữa nổ lốp trước với lốp sau là từ tác động của áp lực, nếu lốp trước nổ gây áp lực trực tiếp lên vô-lăng thì lốp sau bị nổ sẽ tác động lên ghế ngồi và thân xe.
Để giải thoát nguy hiểm cho bản thân và giảm thiểu rủi ro cho người khác khi xe bị nổ lốp, cố gắng giữ bình tĩnh, tập trung đến vô-lăng và chân ga tại thời điểm đó. Khi nghe thấy tiếng nổ, không nên bỏ chân ga đột ngột để chuyển sang chân phanh, mà tiếp tục giữ chân ga trong khoảng 2 giây đồng thời giữ chặt vô-lăng tại vị trí cân bằng. Tránh tuyệt đối thao tác đánh lái và phanh dù xe đang chao đảo theo quỹ đạo bất thường.
Với quãng thời gian ngắn ngủi như vậy, có thể đủ giúp người điều khiển trấn tĩnh để từ từ nhả chân ga. Đồng thời, lực tác động từ bánh bị nổ cũng sẽ giúp chiếc xe chậm dần, và đến lúc vận tốc xe xuống dưới 40 km/giờ cũng là lúc có thể nhẹ nhàng đánh lái để xe tấp vào lề đường.
Dù tất cả các thao tác xử lý đều phải nhanh lẹ, nhưng cũng đừng vì thế mà để mất bình tĩnh từ khi sự cố xảy ra cho đến khi xe dừng hẳn một cách an toàn. Nếu cần phải sử dụng đến chân phanh tức thì do phía trước có chướng ngại vật thì cũng nên cố gắng thực hiện một cách nhẹ nhàng và vô-lăng vẫn phải giữ chặt.
Ngoài ra, nhằm hạn chế tối đa các sự cố liên quan đến lốp, bạn cũng nên dành thời gian kiểm tra lốp thường xuyên, đặc biệt trước những chuyến đi dài để kịp thời phát hiện những nguyên nhân không an toàn tiềm ẩn trên lốp xe và có
biện pháp thay thế phù hợp.
Trong khi đang vận hành cũng nên chú ý đến áp suất lốp và tập thói quen cảm nhận sự thay đổi bất thường của xe như xe bị lạng, nghiêng hay vô-lăng bị giằng khi đang điều khiển. Khi đó, nếu có lốp xe bị thiếu hơi cũng dễ dàng phát hiện trước khi có thể xảy ra sự cố.
Ở một số dòng xe cao cấp có trang bị hệ thống cảnh báo áp suất lốp sẽ cung cấp cho người điều khiển những dấu hiệu bất thường từ bộ lốp của xe. Lái xe cũng nên chú ý đến đồng hồ hiển thị khi vận hành để kịp thời điều chỉnh chế lái cho an toàn theo từng địa hình và thời tiết.
Theo thống kê, hầu hết các vụ nổ lốp xảy ra trên đường cao tốc, thời tiết nóng và chạy xe ở tốc độ cao. Do vậy, không nên bơm lốp quá căng khi điều khiển xe ở những điều kiện trên bởi hiểm họa xuất phát từ lốp xe sẽ tăng lên rất cao.