Bài viết chia sẻ kinh nghiệm kiểm tra ô tô cũ dành cho các bạn mua xe lần đầu. Được tôi tổng hợp từ kinh nghiệm kinh doanh ô tô cũ và check xe cho khách hàng nhiều năm qua. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các thành viên diễn đàn để hoàn chỉnh bài viết thành cẩm nang cho mọi người đi mua ô tô cũ

Quy trình kiểm tra ô tô cũ phức tạp hay đơn giản?
Kiểm tra ô tô cũ không phức tạp như mọi người vẫn nghĩ. Thực chất ô tô chỉ là phương tiện di chuyển như xe máy nhưng an toàn hơn. Bạn hãy bóc tách ra thành các phần để kiểm tra sẽ thấy cực kỳ đơn giản.
Kể từ chiếc Ford model T được sản xuất hàng loạt năm 1908 đến nay, công nghiệp sản xuất ô tô đã được tự động hóa nhưng vẫn qua 3 giai đoạn chính: khung vỏ - nội thất – máy và gầm. Bạn nên xem video quá trình sản xuất từ những cuộn thép lá thành chiếc xe BMW F30 3 series 2012, giúp bạn hiểu hơn về quy trình kiểm tra ô tô cũ sẽ được mô tả ở phần dưới.
Video quá trình sản xuất ô tô BMW 3 series 2012​
Chiếc xe hơi đã qua sử dụng được đánh giá là xe chất phải có những yếu tố sau:
- Tình trạng kỹ thuật của máy và gầm tốt (40%).
- Khung, vỏ không đâm đụng (30%).
- Đẹp về thẩm mỹ, nội thất và ngoại thất bắt mắt (20%)
- Xe đi ít, lịch sử bảo dưỡng rõ ràng (10%).
Quy trình kiểm tra ô tô cũ bao gồm các phần:
- Kiểm tra thân vỏ và khung xe, phát hiện xe tai nạn
- Kiểm tra nội thất
- Kiểm tra khoang động cơ, gầm xe
- Lái thử xe
So với quy trình kiểm tra xe cũ của các hãng xe tại Mỹ từ 150 – 200 bước (CPO Car / Certified Pre-own Car ), cơ bản không có gì khác biệt. Họ chỉ cấp CPO đối với xe sản xuất dưới 5 năm, chạy dưới 80.000 miles và cộng thêm chi phí vào giá xe để bảo hành. Bạn có thể search từ khóa “used car inspection” trên Youtube hoặc Google nếu muốn tìm hiểu thêm.

Phần 1: Phát hiện xe tai nạn như thế nào?
Phạm vi áp dụng: tất cả các loại xe (bình dân đến cao cấp, đời sâu hoặc đời cao)
Kiểm tra xe tai nạn rất đơn giản. Các va chạm của xe sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phần vỏ ngoài và khung xe. Phân loại mức độ va chạm:
- Xước xát: chỉ ảnh hưởng phần sơn, không tính.
- Mức độ nhẹ: xước sơn, móp nhỏ ở vỏ ngoài (capo, tai xe, cánh cửa, cốp xe), không ảnh hưởng đến khung xe nhưng là điểm trừ để đánh giá xe chất, định giá xe do đã không còn nguyên bản.
- Mức độ nặng: va chạm mạnh ảnh hưởng đến sắt xi và khung xe, thậm chí ảnh hưởng đến máy và gầm xe, nếu gặp các xe này chúng ta không nên mua.
Chỉ cần quan sát bằng mắt, bạn có thể phát hiện ra các điểm phục hồi, đánh giá mức độ va chạm. Căn cứ vào tình trạng thân vỏ có thể chia ra làm 4 loại xe cũ:
- Xe nguyên bản: các điểm zin của nhà máy vẫn còn.
- Xe va chạm chưa phục hồi: ai nhìn cũng thấy nên tôi không đề cập.
- Xe mới phục hồi: các điểm va chạm, móp méo vừa được sơn hoặc gò lại, rất mới nên khó phát hiện. Phải so sánh với các điểm nguyên bản của hãng để tìm ra sai sót, xác định vị trí va chạm. Thợ gò hoặc sơn dù cẩn thận đến mấy cũng không phục hồi được 100%.
- Xe phục hồi đã lâu: ngoài 6 tháng đến 1 năm, các điểm phục hồi bắt đầu bong tróc bề mặt sơn, vết gò có dấu hiệu han gỉ, là căn cứ để xác định vị trí va chạm dễ hơn so với xe mới phục hồi.
Các hình ảnh minh họa ở dưới sẽ giúp bạn phân biệt giữa các loại xe trên. Phần này sẽ có 3 bước chính cần thực hiện:
Bước thứ 1: Quan sát tổng thể bên ngoài
Mục đích của bước này giúp bạn:
- Tìm ra những điểm khả nghi, khoanh vùng lại những chỗ đó và kiểm tra chi tiết bước 2.
- Ước tính chi phí sơn nếu muốn làm đẹp, thường trong khoảng 10 triệu.
Đa phần người đi mua xe không có kinh nghiệm thường dừng ở bước này. Đừng để vẻ ngoài bóng loáng làm bạn sao nhãng, bỏ qua 2 bước tiếp theo. Bước này không cần đòi hỏi bạn phải có nhiều kinh nghiệm.
1. Quan sát khe hở giữa các cánh cửa, mép capô và tai xe.
Nếu xe nguyên bản, các khe hở phải đều nhau từ trên xuống dưới, giữa 2 bên mép capô và cốp sau.
khe-ho-canh-cua-camry.jpg

Khe hở chuẩn của Toyota Camry 2.4 2010
khe-ho-dieu-chinh-chua-dung.jpg

Khe hở Hyundai i10 2011 chỉnh chưa đúng do đã tháo ra​
Quan sát các điểm bất thường đập vào mắt, các chi tiết phải theo nguyên tắc đồng đều nhau về độ cũ và màu sắc.
- Các vết nứt, vỡ ở cản trước và cản sau.
ranger-mop-can-truoc.jpg

Ví dụ cản trước xe Ford Ranger XL 2015​
2. Quan sát bề mặt nước sơn (nên rửa xe trước khi xem, đặc biệt xe màu đen)
Nước sơn nguyên bản của ô tô là sơn tĩnh điện. Nếu quan sát ngoài trời hoặc dưới ánh đèn huỳnh quang, nhìn 1 góc 30 – 45 độ, từ từ di chuyển sẽ thấy bề mặt sơn lượn sóng, không có bụi sơn hoặc sơn bị chảy.
mat-son-luon-song.jpg

Ví dụ sơn xe nguyên bản Land Rover Range Rover HSE 2015​
Các xe mới sử dụng 1 – 3 năm, sơn nguyên bản sẽ là điểm cộng của xe chất. Đối với các xe đã sử dụng ngoài 5 năm, hoặc xe ở thành thị, bạn đừng nên quá đặt tiêu chí sơn nguyên bản lên hàng đầu.
Với công nghệ sơn chuyên nghiệp hiện nay, bạn phải quan sát kỹ mới phân biệt được sơn zin hay sơn lại. Dù thợ sơn làm kỹ vẫn có những chỗ sót. Ví dụ như bụi sơn bám trên bề mặt nhìn giống hạt sạn hoặc sơn bị chảy, quan sát các mép nhìn thấy nhiều lớp sơn…Sơn chất lượng thấp thông thường sau 6 tháng đến 1 năm sẽ xảy ra hiện tượng bong tróc hoặc bị nổ bề mặt sơn.
Những điểm han gỉ do gò hàn (không phải do han gỉ tự nhiên), bong tróc sơn, lệch màu sơn cần lưu ý kiểm tra kỹ ở bước 2.
3. Kiểm tra đèn
Nhìn sự đồng đều giữa 2 bên đèn pha, đèn hậu. Nếu 1 bên mới, 1 bên cũ chứng tỏ đã có sự thay thế.
Quan sát chân đèn pha, chỉ cần va chạm nhỏ (chưa ảnh hưởng đến khung xe) là chân đèn đã bị gãy và phải hàn lại nhựa.
chan-den-bi-gay.jpg

Ví dụ chân đèn pha Camry bị gãy và hàn lại​
4. Kiểm tra kính xe
Kiểm tra tất cả kính xe (kính lái, kính sau, kính các cánh cửa) xem còn nguyên bản hay không? Đa phần các nhà sản xuất đều ghi năm sản xuất lên kính. Nếu chiếc xe sản xuất 2012 nhưng kính lái lại ghi năm sản xuất 2014 chứng tỏ đã thay mới.
kinh-lai-xe-vios.jpg

Ảnh minh họa năm sản xuất kính lái Toyota Vios E 2010 viết tắt là số 0​
Lưu ý: có một số hãng không ghi năm sản xuất trên kính, hãy quan sát các mép kính xem có keo thừa hoặc xung quanh bị han gỉ không? Kiểm tra bề mặt kính có bị rạn, nứt hay không?
5. Kiểm tra lốp xe
Lốp xe phản ánh cây số đã chạy của chiếc xe. Bạn nên quan sát độ sâu của rãnh lốp và tuần - năm sản xuất của tất cả lốp. Độ sâu rãnh lốp của xe sedan thông thường 10/32 inch = 8 mm. Nếu điều kiện đường đẹp, xe ô tô con chạy khoảng 5 vạn sẽ thay lốp mới, xe gầm cao khoảng 8 vạn. Lưu ý không nên chạy lốp quá mòn, độ sâu rãnh lốp tối thiểu 1,6 mm khi đi đường ướt sẽ xảy ra hiện tượng trượt nước. Lốp bị chém rách cũng nên thay thế.
thong-so-lop.jpg

Ảnh minh họa lốp xe Toyota Camry sản xuất tuần 15 năm 2013​
Nếu chủ xe nói xe chạy 1 vạn km nhưng lốp quá mòn hoặc đã thay lốp mới, chứng tỏ xe đã bị quay đồng hồ. Nếu chiếc xe chạy ít, lốp zin theo xe, lốp sơ cua chưa hạ, điểm cộng cho chiếc xe chất.
do-sau-ranh-lop.jpg

Ảnh minh họa độ sâu rãnh lốp Kia Rondo 2015, khi lốp xe mòn đến gờ mũi tên bạn nên thay lốp mới​
 
Chỉnh sửa cuối:
Bước 2: kiểm tra mặt trong vỏ xe (capô, cánh cửa, tai xe, cốp sau)
Mục đích của bước này: các va chạm có hay không sẽ rõ nhất ở bước này, đánh giá mức độ và phạm vi va chạm. Các chi tiết này có thể thay thế mới nếu phạm vi va chạm rộng. Đối với các xe phổ thông nếu bị va vào các phần này thường bị giảm giá khoảng 10 – 40 triệu.
1. Ốc bắt cánh cửa
oc-canh-cua-zin.jpg

Ốc cánh cửa zin của Kia Rondo 2015 và Lexus LS460 2008​
Kiểm tra ốc bắt cánh cửa, capô, tai xe với khung xe đã có vết vặn hay chưa?
Nếu đã vặn toét ốc là dấu hiệu đã tháo ra để sơn lại hoặc gò…
oc-capo-vet-van.jpg

Ví dụ ốc capo Mazda 3 2015 đã bị tháo​
2. Kiểm tra bề mặt sơn bên trong
Do không phải tiếp xúc thường xuyên với môi trường bên ngoài nên bề mặt sơn bên trong (cánh cửa, capo, cốp sau) rất ít khi phải sơn.
Nếu bề mặt sơn bị nứt, bong tróc, han gỉ chứng tỏ đã bị va chạm
canh-cua-xe-innova-2008-bi-dam.jpg

Ví dụ cánh cửa xe Innova 2008​
3. Kiểm tra keo chỉ
Keo chỉ (sùng chỉ, theo cách gọi trong Nam) là 1 loại keo dùng trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, dùng để che lên các mép cánh cửa và nắp capô nhằm tránh gỉ và tạo thẩm mỹ. Từ ‘keo chỉ’ có thể khá xa lạ với người mua xe nhưng phổ biến nhất trong nghề kinh doanh ô tô cũ hiện nay. Thợ buôn xe cũ thường hỏi nhau: xe có mất phân keo chỉ nào không? Tại sao vậy
Trong quá trình sử dụng, nếu ô tô va chạm gây móp méo hoặc tai nạn cần sử dụng đến gò hoặc hàn những chỗ này, keo chỉ này sẽ bị nứt vỡ. Như vậy đây sẽ là 1 điểm để nhận biết giữa xe va chạm và xe nguyên bản. Nhiều gara sau khi phục hồi xong cánh cửa hoặc nắp ca pô sẽ chạy lại đường chỉ này. Làm thế nào để phân biệt keo chỉ xịn hay đểu. Keo xịn sẽ có độ cứng nhất định và chạy đồng nhất.
keo-xin-ford-everest.jpg

Ảnh minh họa keo nguyên bản Ford Everest AT 2014​
Căn cứ vào 3 tiêu chí: độ cứng, độ dày, thẩm mỹ, chúng ta hãy cùng xem các cách gara thường làm:
Cách 1: đơn giản nhất là dùng ma tít bả lên và sơn lại. Tuy nhiên cách này sẽ có nhược điểm sau khi sờ lên sẽ rất cứng. Nếu lấy móng tay ấn nhẹ sẽ không có dấu móng tay hiện lên.
keo-nguyen-ban-va-phuc-hoi-morning.jpg

Ví dụ capô Kia Morning SLX 2008 (bên trái nguyên bản, bên phải đã phục hồi sau va chạm)​
Cách 2: dùng keo silicon. So với dùng ma tít, cách này có vẻ hiệu quả hơn. Đường chỉ chạy trông mềm mại và giống thật, chi phí thấp. Tuy nhiên nhìn rất nhợt nhạt và sờ lên sẽ rất mềm, cảm giác như bấm vào xốp vậy.
Cách 3: dùng keo xịn, bắt buộc người xem xe phải có nhiều kinh nghiệm, nhìn vào đường chạy, vết cắt, độ dày, sự đồng đều giữa 2 bên để phân biệt. Mẹo: nhìn vào vết gấp các mép, các vết cắt, mối hàn điểm
4. Kiểm tra mối hàn điểm
Hàn điểm (spot welding) dùng trong sản xuất khung vỏ ô tô, thực hiện bởi robot tự động hoặc thợ hàn. Mối hàn không thực hiện liên tục trên toàn bộ bề mặt tiếp xúc, mà chỉ thực hiện theo từng điểm riêng biệt gọi là điểm hàn.
keo-xin-vios.jpg

Hàn điểm trên cánh cửa lái Toyota Vios E 2013​
Quan sát các điểm này, nếu không có chứng tỏ đã bị thợ sơn bả ma tít và sơn phủ lên.
5. Kiểm tra các vết cắt
Các vết cắt phải còn nguyên hình dạng như của nhà sản xuất, hoặc tròn, hoặc vuông…Các điểm này rất khó để phục hồi lại như ban đầu nếu đã bị méo do va chạm.
keo-chay-lai.jpg

Ví dụ cánh cửa xe chạy lại chỉ nhưng vẫn còn sơ hở​
6. Mẹo kiểm tra xe đi ít
Nhìn độ mòn của ngoàm các cánh cửa, các xe đi nhiều sẽ có độ mòn cao, đóng mở cửa sẽ cảm thấy bản lề hơi lỏng lẻo.
ngoam-cua-mercedes.jpg

Ví dụ độ mòn của Mercedes C200 2011 đi được 110.000 km​
 
Chỉnh sửa cuối:
Bước 3: kiểm tra khung xe
Mục đích của bước 3: nếu đã phát hiện va chạm ở bước 2 hoặc còn nghi ngờ, bước 3 sẽ giúp bạn đánh giá va chạm có vào đến khung xe không?​

Mua các xe bị va chạm nặng đến khung xe là điều tối kỵ. Dù có thể sửa chữa nhưng sẽ ảnh hưởng đến an toàn của bạn nếu chẳng may có va chạm tiếp theo, ảnh hưởng đến vận hành của xe. Tùy mức độ va chạm vào khung xe (đặc biệt khoang động cơ) sẽ làm xe mất giá từ 50 – 200 triệu đối với xe phổ thông.
Nguyên tắc kiểm tra:
- Kiểm tra các mối hàn điểm có rõ nét, vì khung xe có rất nhiều mối hàn.
- Keo chống gỉ giữa các điểm tiếp nối.
- Khe hở giữa các miếng thép phải khít và đều nhau, không có xô lệch.
- Các điểm han gỉ do gò hàn (không phải do gỉ tự nhiên), các vết cắt bị méo mó là bằng chứng va chạm.
1. Khoang động cơ

Cần bật đèn pin hoặc đèn flash của điện thoại để quan sát rõ
- Thanh cản / xương giằng trước
giang-truoc-bi-dam.jpg

Xương giằng trước của Innova đang được làm lại​
- Kiểm tra đầu sắt xi
dau-sat-xi-son-lai.jpg

Đầu sắt xi Hyundai i30 2010 đã làm và sơn lại​
- Kiểm tra xương tai và bát bèo trái/phải
tai-xe-corolla.jpg

Xương tai Toyota Corolla 2008 nguyên bản
bat-beo-mazda-premacy.jpg

Va chạm vào đến bát bèo Mazda Premacy 2005​
- Kiểm tra thanh đỡ gầm, nếu đã bị đập gầm cần lên cầu để kiểm tra.
thanh-do-gam-vios-bi-cong.jpg

Ví dụ Vios E 2015 bị đập gầm​
- Hốc bánh xe trái/phải, trước và sau
2. Khoang người lái
- Trụ A/B/C/D và viền xung quanh
mep-khung-xe.jpg

Viền khung zin của Kia Cerato 2016
cot-a-lacetti-cdx-bi-dam.jpg

Va chạm tác động vào trụ A xe Daewoo Lacetti CDX 2010 (các điểm hàn, khe hở đã bị sơn phủ)​
- Sàn xe: cúi người xuống gầm và quan sát, các xe đời sâu hoặc ở vùng biển hay bị mọt gầm.
3. Khoang lốp sơ cua
- Viền khung khoang lốp sơ cua sẽ bị xô lệch dù là va chạm nhẹ, nếu chỉ bị 1 đoạn ngắn và chưa vào đến khoang trong chúng ta có thể chấp nhận được.
mep-da-phuc-hoi.jpg

Viền cốp sau Innova bị chạm nhẹ
mep-nguyen-ban.jpg

Viền cốp sau zin của Mitsubishi Outlander Sport 2014​
- Khoang chứa lốp sơ cua
khoang-cop-vios.jpg

Khoang lốp zin của Toyota Vios E 2013​
Như vậy sau 3 bước chính chúng ta có thể nhận biết được tình trạng thân vỏ - khung xe, đánh giá mức độ nặng nhẹ và định giá được sơ bộ chất lượng còn lại của xe. Hoàn toàn không có gì là phức tạp.
 
Chỉnh sửa cuối:
Hạng D
27/5/13
1.525
1.911
113
:3dcuoi: sau khi đọc hết bài này thì em đi vay nóng thêm lúa để mua xe mới
 
Hạng B1
15/8/16
77
40
18
40
Cảm ơn bác đã chia sẻ quá cụ thể, noted lại để dành.