Năm nay, chúng ta kỷ niệm lần thứ 55 Ngày Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết và Hội nghị quân sự Trung Giã thành công, đã mở đường cho chúng ta về giải phóng hoàn toàn Thủ đô Hà Nội, giải phóng miền bắc. Ðồng chí HỒNG HÀ, phụ trách công tác tuyên truyền, báo chí của Ðoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Hội nghị quân sự Trung Giã nhớ lại và suy ngẫm.
Một ngày cuối tháng 6-1954, chúng tôi ngồi trên chiếc xe ô-tô vận tải Liên Xô rời thị xã Thái Nguyên chạy về phía nam. Lúc đó, Hội nghị Giơ-ne-vơ về Ðông Dương đang họp, sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ của nhân dân ta. Ðoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Ðồng, Phó Thủ tướng kiêm Quyền Bộ trưởng Ngoại giao, làm Trưởng đoàn, tán thành chủ trương của Hội nghị để đại diện hai Bộ Tổng Tư lệnh Việt Nam và Pháp gặp nhau tại Giơ-ne-vơ và tại Việt Nam để bàn các vấn đề ngừng bắn, bố trí các lực lượng sau khi đình chiến. Phía ta và phía Pháp thỏa thuận tổ chức Hội nghị quân sự giữa Ðoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Ðoàn đại biểu Bộ Tổng Chỉ huy Lực lượng Liên hiệp Pháp tại Ðông Dương ở xã Trung Giã thuộc huyện Ða Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội), nằm giữa đường từ thị xã Thái Nguyên đi Hà Nội.
Ðoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh ta gồm năm đồng chí: Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Trưởng đoàn, các Ðại tá Song Hào, Lê Quang Ðạo, các Trung tá Nguyễn Văn Long, Lê Minh, tức Lê Minh Nghĩa. Phiên dịch của Ðoàn là Thiếu tá Nguyễn Văn Lê, tức Lưu Văn Lợi. Phụ trách công tác tuyên truyền, báo chí của Ðoàn là đồng chí Ðào Tùng, cán bộ Việt Nam Thông tấn xã và Hồng Hà, cán bộ báo Cứu Quốc.
Ðoàn xe ô-tô chúng tôi chạy trên quốc lộ 3 vừa mới được sửa vội, còn nhiều ổ gà, đến cột cây số 32 bên bờ bắc sông Công thì rẽ tay trái. Từ trên bờ đê cao nhìn thấy cầu Ða Phúc đổ sập hoàn toàn do chiến tranh, nhân dân qua sông bằng đò. Chạy khoảng ba cây số, đoàn xe dừng ở một làng nhỏ ven đê. Ðấy là thôn Phú Cốc, xã Tân Tiến (nay là xã Tân Phú, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Ðây là nơi đóng đại bản doanh của Ðoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh quân đội ta dự Hội nghị quân sự Trung Giã. Ðoàn ta đóng quân tại đây để đề phòng địch tập kích bất ngờ. Hội nghị Giơ-ne-vơ về Ðông Dương đang họp, chưa biết thành bại thế nào. Có tiếng máy bay địch xa xa về phía Phú Thọ, rồi tiếng bom nổ vọng lại.
Ðồng bào thôn Phú Cốc đã nhường nhà cho Ðoàn đại biểu ta ở và làm việc. Ðồng chí Văn Tiến Dũng ở trong ngôi nhà lá nhỏ của ông Lê Văn Sâm, giữa nhà có chiếc bàn rộng, nơi đoàn hội ý và thảo luận những phương án đấu tranh với đối phương. Bộ đội thông tin liên lạc đã kéo dây, mắc điện thoại tới bắc sông Công, đặt các thiết bị điện đài, cơ yếu. Bộ đội hậu cần chăm lo việc ăn ở cho đoàn. Một đơn vị của Sư đoàn 308 do Trung úy Tính chỉ huy bảo vệ khu vực đóng quân. Mỗi bộ phận công tác có đồng chí phụ trách và có chi bộ Ðảng. Ðoàn quay phim Liên Xô, do nghệ sĩ điện ảnh Rô-man Các-men phụ trách có sự giúp đỡ của anh Phạm Văn Khoa thuộc Ðiện ảnh Việt Nam, ở thôn bên cạnh. Thẻ nhà báo hoạt động ở hội nghị do Trung tá Việt Nam Lê Minh và Thiếu tá Pháp Giắc-canh ký và cấp. Từ nơi đoàn ở phải qua sông Công đi thêm khoảng sáu cây số nữa mới tới nơi họp Hội nghị quân sự Trung Giã. Tôi mượn được chiếc xe đạp qua đò Ða Phúc đến đồn công an Phố Nỉ nhờ dẫn đi xem khu vực hội nghị. Ði xuôi về phía nam, ra khỏi Phố Nỉ khoảng bốn cây số là một vùng đất trống, không nhà dân. Ðây là "vùng trắng" giữa vùng tự do của ta và vùng quân Pháp tạm chiếm. Phía trước mặt là căn cứ Núi Ðôi cắm cờ Pháp. Cạnh quốc lộ 3 hiện ra một gò cao (nay thuộc thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã) như một mâm xôi tròn trĩnh, dưới chân gò viền một rặng cây cao. Tại đây, công binh ta và công binh Pháp đang hối hả xây dựng khu vực hội nghị để kịp khai mạc vào đầu tháng bảy. Theo thỏa thuận, phía Pháp làm hội trường, phòng họp trên đỉnh gò, còn nơi nghỉ của hai đoàn đại biểu, của các nhà báo hai bên và nhà ở của lực lượng bảo vệ bên nào thì bên ấy tự làm. Các nhà lợp lá của ta ở phía bắc hội trường chính, các nhà lợp tôn và lều bạt của Pháp ở phía nam. Anh Lê Minh Nghĩa và anh Lưu Văn Lợi trong cuộc gặp sĩ quan liên lạc Pháp ngày 19-6-1954 tại xã Ninh Liệt, cạnh Trung Giã, đã có sáng kiến chọn khu gò đẹp này của xã Trung Giã làm nơi họp Hội nghị quân sự, được phía Pháp đến xem tại chỗ rất ưng ý và chấp nhận ngay. Ðội bảo vệ của hai bên tại khu vực hội nghị có số lượng bằng nhau, trang bị nhẹ. Hai bên cam kết dừng mọi hoạt động quân sự chung quanh khu vực hội nghị; máy bay Pháp đình chỉ hoạt động từ Trung Giã đến thị xã Thái Nguyên, ta đình chỉ hoạt động đánh mìn, phục kích từ Cầu Ðuống đến Trung Giã.
Sáng 4-7-1954, đoàn xe của Ðoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh ta xếp thành dãy dài trên đê bờ bắc sông Công, chuẩn bị lăn bánh đến Hội nghị Trung Giã. Thiếu tướng Văn Tiến Dũng đi trên xe Gíp mui trần, là xe của tướng Ðờ Ca-xtơ-ri ta thu được ở Ðiện Biên Phủ. Các anh trong đoàn mặc bộ quân phục "đại quan" bốn túi, đội mũ nan bọc vải dù. Anh Lê Minh Nghĩa nhớ lại lúc lên đường đi Trung Giã được gặp Ðại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Ðại tướng nhìn anh hỏi:
- Thế cậu đội cái mũ này mà đi đàm phán với Pháp à? Thôi, cũng không sao! Lúc còn ở Hà Nội, mình đã có lần đội mũ phớt đi duyệt binh với tướng Lơ-cléc đấy!
Bộ đội công binh đã làm việc suốt đêm, bắc xong cầu phao qua sông Công. Ðoàn xe ô-tô chạy trên cầu, qua Phố Nỉ giữa rừng người đứng hai bên đường vẫy cờ hoan hô. Phòng họp của Hội nghị quân sự Trung Giã có đủ đèn điện, quạt máy. Ngồi đối diện với Trưởng đoàn, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng là Trưởng đoàn, Ðại tá Pháp Len-nuy-ơ cùng bốn sĩ quan Pháp và ba sĩ quan ngụy. Phía Pháp đồng ý Thiếu tướng Văn Tiến Dũng đọc diễn văn khai mạc hội nghị vì Trưởng đoàn Việt Nam cấp bậc cao hơn Trưởng đoàn Pháp. Hội nghị quân sự Trung Giã có nhiệm vụ bàn vấn đề thực hiện ngừng bắn, nhưng phía Pháp đề nghị bàn trước vấn đề cải thiện đời sống tù binh, lên danh sách tù binh, tiến hành trao trả tù binh, định thời hạn trao trả tù binh... Ðây là một vấn đề hết sức phức tạp. Hai bên tranh luận rất găng, phải mất bảy ngày mới ký được thỏa thuận. Vấn đề ngừng bắn còn phức tạp hơn. Ðây là cuộc ngừng bắn của một cuộc chiến tranh không trận tuyến, giữa quân đội chính quy của Pháp và lực lượng kháng chiến của toàn thể nhân dân Việt Nam có mặt khắp mọi nơi, kể cả trong vùng mà quân Pháp tưởng rằng họ kiểm soát được. Lực lượng hai bên đan xen với nhau ở thế "cài răng lược". Gỡ cái thế "cài răng lược" đó là hết sức khó khăn và đàm phán không hề dễ dàng. Hội nghị chuẩn bị sẵn các điều kiện để một khi ký được Hiệp định Giơ-ne-vơ về Ðông Dương thì có thể đình chiến ngay.
Hằng ngày dự giao ban tại phòng làm việc của Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, chúng tôi được nghe diễn biến tình hình ở Hội nghị Giơ-ne-vơ. Ta đã thấy rõ các nước lớn đều muốn chia cắt nước ta bằng một giới tuyến quân sự tạm thời. Tại Giơ-ne-vơ diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi ý kiến ráo riết tay đôi, tay ba hoặc nhiều bên giữa các trưởng đoàn, các bộ trưởng về giới tuyến đó đặt ở vĩ tuyến nào. Phía Pháp đưa ra ý kiến lấy vĩ tuyến 18 với lập luận rằng, đó là con đường phân chia bắc nam thời Trịnh - Nguyễn. Phía ta đưa ra ý kiến lấy vĩ tuyến 16, nghĩa là ta làm chủ đường 9 từ Quảng Trị đi Lào. Ta đang ở thế thắng, xứng đáng được như thế. Ở Trung Giã, đoàn ta liên tục nhận được tin quân đội Pháp rút khỏi nhiều căn cứ một cách vội vã để về co cụm quanh Hà Nội nhằm tránh bị tan rã nhanh. Người viết bài này đã được tận mắt thấy ở vùng sau lưng địch, tả ngạn sông Hồng, hàng nghìn nhân dân hồ hởi đi bao vây đồn bốt địch và buộc chúng phải đầu hàng. Một số nhà báo quốc tế ở Trung Giã kể lại với vẻ kinh ngạc trận quân ta đánh tiêu diệt binh đoàn 100 của Pháp ở đèo An Khê, trong đó có hai tiểu đoàn mới đưa từ mặt trận Triều Tiên về, bắt nhiều sĩ quan Pháp làm tù binh.
Một buổi chiều, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng triệu tập cuộc họp toàn đoàn. Trên bàn có tấm bản đồ Việt Nam trải rộng, đồng chí trưởng đoàn thông báo ta đã nhận ký Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Ðông Dương, nước ta tạm thời bị chia cắt ở vĩ tuyến 17 có sông Bến Hải. Sau một phút ngỡ ngàng, chúng tôi chụm đầu trên bản đồ tìm sông Bến Hải. Ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Ðông Dương được ký kết (để giúp Thủ tướng Pháp giữ đúng lời hứa với Quốc hội Pháp ký được Hiệp định Giơ-ne-vơ không quá ngày 20-7-1954, các văn kiện của Hội nghị Giơ-ne-vơ đều ghi ngày ký là 20-7-1954). Hội nghị quân sự bận rộn hẳn lên với nhiều công việc do Hội nghị Giơ-ne-vơ đặt ra, đòi hỏi phải thực hiện rất gấp. Ta và phía Pháp bàn cách thực hiện ngừng bắn thật sự ở các chiến trường, gỡ thế "cài răng lược" của lực lượng vũ trang hai bên trong vòng 15 ngày. Ta yêu cầu phía Pháp giúp máy bay chở ba đoàn sĩ quan ta đi truyền đạt Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mệnh lệnh ngừng bắn cho ba chiến trường Bình Trị Thiên, Liên khu 5 và Nam Bộ. Phía Pháp đồng ý. Các đoàn sĩ quan ta từ Thái Nguyên qua Trung Giã về sân bay Gia Lâm để đáp máy bay Pháp. Các nhà báo quốc tế ở Trung Giã đánh giá rất cao việc ta tổ chức được ngừng bắn toàn bộ, đúng thời hạn trên toàn cõi Việt Nam, trong hoàn cảnh thiếu phương tiện thông tin liên lạc, lực lượng vũ trang và bán vũ trang ta rải khắp mọi nơi, kể cả trong vùng Pháp tạm chiếm. Ðiều đó một phần nhờ kết quả làm việc tích cực của Hội nghị quân sự Trung Giã, biểu thị ý thức kỷ luật rất cao và niềm tin tuyệt đối ở Bác Hồ và Ðảng lãnh đạo quân và dân ta.
Chính tại Trung Giã, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, đã thành lập Ủy ban Liên hợp Trung ương thay cho Hội nghị quân sự Trung Giã. Ðoàn đại biểu ta tham gia Ủy ban Liên hợp vẫn do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm trưởng đoàn. Ủy ban đã giải quyết rất nhiều việc quan trọng như: các quy chế về hành lang hàng không, khu phi quân sự, trao trả tù binh, chuyển quân, tập kết lực lượng của hai bên... và đặc biệt là việc ta tiếp quản Hà Nội cùng khu chu vi Hải Phòng.
55 năm sau, tôi trở lại Trung Giã. Khu vực Hội nghị Trung Giã đã được công nhận là "Di tích cách mạng-kháng chiến". Ðứng trên gò cao, nơi đã diễn ra những phiên đàm phán căng thẳng, tôi nhớ lại cuộc chiến đấu vĩ đại của quân và dân ta dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Bác Hồ, Ðảng và Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh ngoại giao quy mô lớn từ Giơ-ne-vơ đến Trung Giã. Cuộc đấu tranh đó đã để lại nhiều bài học quý cho những cuộc đàm phán về sau của nước ta với các cường quốc khác. Trước sức ép và những dàn xếp phức tạp của các nước lớn, chúng ta kiên định đường lối độc lập tự chủ, quyết tâm bảo vệ lợi ích tối cao của dân tộc. Xử lý khôn khéo và tỉnh táo quan hệ với các nước lớn luôn là một trong những yêu cầu thường xuyên trong lịch sử đối ngoại của ta để góp phần giữ mãi mùa xuân cho Tổ quốc.
Nắng xuân trải vàng khắp vùng Trung Giã tấp nập, đông vui và trên gò cao thôn Xuân Sơn, nơi giữ dấu tích một cuộc đàm phán đáng nhớ.
http://www.nhandan.org.vn/tet2009/tinbai/?top=167&sub=168&article=139602